Trước nỗi lo thực phẩm bẩn, nhiều gia đình đang có xu hướng tìm đến các loại thực phẩm sạch, có nguồn gốc từ những vùng quê.
Mỗi khi mua được thịt lợn sạch, chị Ðỗ Thị Dung ở khu đô thị mới Tuệ Tĩnh
lại chia thành từng túi nhỏ cho vào tủ lạnh để dùng dần
"Săn" thực phẩm sạch từ quê"Trước đây, mỗi lần đi chợ, nghe người bán hàng mách nhỏ có thịt ngon tôi mới mua. Nhưng việc lựa chọn chỉ dựa vào cảm tính khiến tôi vẫn có lần mua phải thịt hoi, tanh. Mặc dù trước khi nấu, tôi đã dùng máy khử ozon nhưng khi rang lên, miếng thịt không đanh, mùi bốc lên hôi và khó chịu. Cuối cùng tôi đành đổ bỏ cả nồi thịt", chị Đặng Thị Mai, điều dưỡng viên ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết. Trong một lần về quê, thấy người hàng xóm nuôi được con lợn bằng cám thường, chị Mai đã gọi điện rủ thêm mấy người đồng nghiệp chung tiền "ăn đụng" cả con lợn. "Mọi người ăn thấy thích vì ngon mà lại yên tâm nên lại dặn mua hộ. Vì ở quê, tôi có thể biết được ai nuôi con gì, nuôi như thế nào. Lâu dần, tôi trở thành mối tìm các nguồn thịt lợn, gà, thậm chí cả thịt bê từ quê lên cho bạn bè, đồng nghiệp", chị Mai vui vẻ cho biết. Trung bình khoảng từ 2-3 tháng, chị Mai mới tìm được một con lợn sạch, một tuần tìm được một lứa gà quê. Còn bê thì phải hàng năm mới được một con vì chính là bê do mẹ chị nuôi. Theo chị Mai, nguồn hàng phải là chỗ thân quen, tin cậy nên không có nhiều.
Nhu cầu rất lớn nhưng không phải ai cũng tìm được cho mình một địa chỉ cung cấp thực phẩm sạch đáng tin cậy. Trong những trường hợp này, nhiều người tiêu dùng phải tự cất công, chi thêm tiền để tiếp cận được với nguồn thực phẩm như ý. Chị Đỗ Thị Dung ở khu đô thị mới Tuệ Tĩnh (TP Hải Dương) cho biết: "Sáng nay mới 4 giờ tôi đã phải lặn lội về tận quê chỉ để lấy vài cân thịt lợn. Đây là mối quen, chuyên nấu rượu nuôi lợn, rất ít dùng cám công nghiệp cho lợn ăn. Vì vậy, sáng sớm nhưng mọi người đã xúm xít tranh nhau rồi". Theo lời chị Dung, phải 2 tuần chị mới có một cơ hội được mua thịt lợn sạch ở quê như vậy. Chị chia thịt và xương thành từng túi nhỏ cho vào tủ lạnh để tiện bảo quản và sử dụng. Tuy mất công sức, giá cao hơn từ 5.000-10.000/kg so với giá thị trường nhưng bù lại là thực phẩm an toàn.
Không chỉ có thịt, hiện nay rau, củ, quả sạch từ quê cũng là những thứ đang được người tiêu dùng ưa chuộng. Chị Nguyễn Thị Loan ở phố Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương) cho biết: "Mảnh vườn nhỏ ở quê được ông bà ngoại nhà tôi trồng đủ thứ rau như rau muống, mồng tơi, rau bí, thậm chí cả cà, ăn quanh năm không hết. Tuần nào ông bà cũng gửi lên cho các con cả một bao rau. Tiếc công ông bà trồng, lại lặn lội gửi lên cho cháu, ăn không hết, chúng tôi vừa bán vừa cho những nhà lân cận. Mọi người thích lắm vì đó là rau sạch". Xuất phát từ nhu cầu thực tế, chị Loan cũng như nhiều gia đình đã thay tủ lạnh cỡ lớn, trữ thực phẩm sạch từ quê để dùng dần.
Thực trạng báo độngKhông phải ngẫu nhiên mà nhiều người tiêu dùng phải mất nhiều công sức để lựa chọn thực phẩm sạch cho gia đình như vậy. Tất cả đều xuất phát từ thực trạng đáng lo ngại về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Theo Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh), từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 12 vụ vi phạm về VSATTP. Điển hình là vụ nhà bà Bùi Thị Thư ở đội 2, khu Phú Tảo, phường Thạch Khôi (TP Hải Dương) giết mổ 7 con lợn ốm, tủ cấp đông chứa 278 kg thịt lợn đã biến đổi màu sắc. Tiếp đó là vụ bắt quả tang gia đình ông Nguyễn Văn Phút tại thôn Đào Phái, xã Phạm Kha (Thanh Miện) kinh doanh 3.000 kg tóp mỡ bốc mùi khó chịu. Rồi vụ cơ sở giết mổ, kinh doanh thịt lợn của bà Nguyễn Thị Nụ ở thôn Ngọc Lặc, xã Ngọc Sơn (Tứ Kỳ) giết mổ 3 con lợn, trong đó có 1 con lợn chết. Trong nhà bà này còn có 5 tủ cấp đông loại 500 lít và 700 lít, chứa khoảng 1,8 tấn sản phẩm thịt, xương lợn đã biến đổi màu sắc, 30 can nhựa loại 30 lít chứa mỡ lợn dạng nước, 37 bao tải chứa 1,3 tấn tóp mỡ. Các sản phẩm trên đều đang trong quá trình phân hủy, đã có dòi, bọ... Các hộ vi phạm đã bị lập biên bản, xử phạt và buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật. Thượng tá Nguyễn Trọng Thái, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát môi trường cho biết: "Chúng tôi đã phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục Thú y tăng cường kiểm tra nhưng mới chỉ phát hiện và xử lý được một phần các vụ việc. Công tác kiểm tra, phát hiện các sai phạm gặp nhiều khó khăn do các hành vi vi phạm ngày càng đa dạng, tinh vi, liều lĩnh và quy mô lớn. Trong khi đó, chính quyền địa phương còn buông lỏng công tác quản lý".
Trước đó, cuối năm 2015, 3 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh bị phát hiện sử dụng chất cấm. Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Trường Phú có sản phẩm chứa chất tạo nạc salbutamol, dư lượng tới 3.703 ppb, gấp 75 lần mức cho phép. Công ty TNHH Thiên Tôn sử dụng phẩm màu công nghiệp (11 thùng phẩm màu, trong đó 4 thùng dùng dở). Công ty CP Sản xuất và Thương mại Đại An Tín đang sử dụng và cất giữ 15 kg chất salbutamol. Các công ty trên đều bị xử phạt, thu hồi và tiêu hủy toàn bộ lô hàng có chất cấm.
Trên diễn đàn Quốc hội, có đại biểu đã nói về hậu quả của việc ăn thực phẩm bẩn: "Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn thế". Thực tế đúng là như vậy: Cứ 10 người bị ung thư thì gần 4 người là do ăn phải thực phẩm không an toàn. Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh, 4 tháng đầu năm nay đã có tới 5.696 trường hợp mắc ung thư, trong đó có 1.228 trường hợp bị ung thư đường tiêu hóa. Bệnh viện cũng tiếp nhận 264 ca bị ngộ độc thực phẩm, tăng 16 ca so với cùng kỳ năm ngoái.
LÊ HƯƠNG
Bộ luật Hình sự 2015, có hiệu lực từ ngày 1-7, quy định rõ những người chăn nuôi dùng chất cấm, người biết rõ thực phẩm bẩn mà vẫn cố tình chế biến, cung cấp ra thị trường sẽ bị phạt 50-200 triệu đồng hoặc phạt tù 1-5 năm, thậm chí tới 20 năm. |