Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh khiến nhiều người tiêu dùng loay hoay lựa chọn những thực phẩm phù hợp và an toàn cho gia đình mình.
Các quầy bán thịt lợn thưa thớt khách hàng tới mua
Loay hoay chọn thực phẩm
Theo quan sát của chúng tôi, dù đã là buổi trưa nhưng phần lớn các quầy bán thịt lợn ở chợ Đông Ngô Quyền (TP Hải Dương) đều thưa thớt khách. Chị Nguyễn Thị Hà, tiểu thương kinh doanh thịt ở chợ này cho biết, thông tin DTLCP xuất hiện trong tỉnh khiến cho người tiêu dùng hoang mang. "Trước đây mỗi ngày tôi bán khoảng 2 con lợn thịt, nhưng từ khi có dịch bệnh, tôi chỉ bán được khoảng nửa con. Người tiêu dùng ngại ăn thịt lợn vì sợ lợn bệnh trà trộn. Lượng khách quen cũng thưa vắng. Khách hàng chỉ yên tâm mua thịt khi nhìn thấy dấu kiểm dịch của cơ quan thú y", chị Hà nói. Mặc dù thịt lợn tiêu thụ chậm hơn nhiều so với trước nhưng giá bán vẫn không giảm. Cụ thể, giá thịt ba chỉ, sườn loại ngon từ 100.000-110.000 đồng/kg, nạc vai 80.000 đồng/kg, thịt chân giò 90.000 đồng/kg.
Trong khi tiểu thương lo lắng vì không bán được hàng thì các bà nội trợ lại đau đầu mỗi khi đi mua thực phẩm. Lo sợ thịt lợn bệnh trà trộn nên chị Phạm Thị Hồng ở thôn Thượng Đáp, xã Nam Hồng (Nam Sách) lựa chọn các thực phẩm khác thay vì thịt lợn. "Khoảng nửa tháng nay, thấy thông tin DTLCP xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành phố nên mâm cơm của gia đình tôi vắng bóng thịt lợn. Thay vào đó, tôi lựa chọn các thực phẩm như gà, vịt, cá... để yên tâm chế biến", chị Hồng nói.
Thay vì "quay lưng" hoàn toàn với thịt lợn, chị Trần Ngọc Bích ở đường Quang Trung (TPHải Dương) lại lựa chọn mua thịt ở siêu thị hoặc các cửa hàng thịt lợn sạch. Chị Bích cho biết: "Thịt lợn là thực phẩm chính trong hầu hết các bữa cơm nên tôi vẫn mua. Tuy nhiên tôi không dám mua thịt lợn ở chợ vì lo ngại thịt trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tôi chọn mua thịt được kiểm dịch ở hệ thống các cửa hàng thực phẩm sạch hoặc siêu thị. Giá có cao hơn thịt lợn bán ngoài chợ nhưng yên tâm về chất lượng vì thịt có nguồn gốc rõ ràng".
Không nên tẩy chay thịt lợn
Ông Nguyễn Đức Yên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP Hải Dương khẳng định trên địa bàn thành phố không có tình trạng lợn ốm, chết bị trà trộn. Để bảo đảm nguồn gốc thịt, trung tâm cử cán bộ thú y giám sát cơ sở giết mổ tập trung của thành phố 24/24 giờ, tất cả các trường hợp lợn ốm, bệnh đều không được phép giết mổ. Tại các chợ dân sinh đều có cán bộ thú y kiểm tra, giám sát, các phản thịt không có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y đều bị tịch thu và xử phạt hành chính.
Ông Yên cho biết: "Không giống như các loại dịch bệnh khác, DTLCP không lây lan sang người nên không có mối đe dọa trực tiếp nào đối với sức khỏe con người. Do đó, người nội trợ không nên quá lo sợ mà tẩy chay thịt lợn". Theo ông Yên, để phân biệt được thịt lợn khỏe mạnh, người dân có thể quan sát bằng mắt thường, sẽ thấy thịt có màu đỏ tươi tự nhiên, mỡ trắng sáng, da không có các đốm hay các vết khác thường. Tuyệt đối không mua thịt có màu lạ như nâu, xám, đỏ thâm, xanh nhạt. Lợn bị tả sẽ có nốt xuất huyết nằm dưới da hoặc vành tai, lá lách phình to, phổi lợn nặng và sáng, có nhiều cục nhỏ giữa các thùy và có dịch kèm bọt khí rỉ ra khi cắt.
Theo các cơ quan chức năng, người dân không nên quá lo lắng về DTLCP. Thịt lợn là nguồn thực phẩm quan trọng trong các bữa ăn gia đình. Do vậy, người tiêu dùng không nên tẩy chay thịt lợn mà cần có sự lựa chọn thông minh khi mua thịt lợn. Người dân không nên mua thịt tại những khu chợ cóc, chợ tạm, chợ ven đường mà mua tại các chợ dân sinh, các siêu thị, các cửa hàng thực phẩm có uy tín, có kiểm dịch rõ ràng. Đặc biệt, cần phải chế biến hợp vệ sinh, hạn chế ăn các món như nem tai, nem chua, tiết canh...
TRẦN HIỀN