Người thương binh đi trước mở đường

11/11/2015 05:59

Tuổi cao, sức yếu nhưng tinh thần vì lợi ích chung của thương binh nặng Nguyễn Huy Thấn vẫn rất mãnh liệt, hết mình góp sức cho địa phương trong xây dựng nông thôn mới.



Niềm vui của ông Thấn và bà con làng xóm khi đi trên con đường mới


Bằng những việc làm cụ thể, người thương binh nặng Nguyễn Huy Thấn ở thôn Thượng Đáp, xã Nam Hồng (Nam Sách) đã hết mình góp công, góp sức xây dựng đường giao thông theo tiêu chí nông thôn mới tại địa phương.

Gương mẫu đi đầu

Năm nay 81 tuổi, là thương binh hạng 1/4 nhưng ông Thấn vẫn rất minh mẫn, nhanh nhẹn. Trong đầu còn 4 mảnh đạn, những cơn đau thường xuyên hành hạ cũng không ngăn được sự nhiệt tình, tâm huyết của ông với việc xóm, việc làng. Tháng 3-2014, thôn Thượng Đáp phát động người dân hiến đất làm đường. Theo chủ trương chung, tuyến đường qua nhà ông Thấn dài hơn 1 km sẽ được mở rộng từ 4m lên 7m, đòi hỏi quỹ đất rất lớn. Để tuyến đường đạt tiêu chuẩn đề ra, chỉ tính riêng nhà ông Thấn cần lấy vào gần 70 m2 đất ở và là hộ bị mất nhiều diện tích nhất. Vừa bàn bạc, vừa đả thông tư tưởng cho vợ, con, ông Thấn đi đến quyết định hy sinh lợi ích riêng vì phong trào của địa phương. Các thành viên trong gia đình tuy không phản đối nhưng có ý khuyên ông nghe ngóng các hộ xung quanh thế nào rồi hãy quyết định. "Các cụ nói "tấc đất, tấc vàng", mình hiến bằng cả một suất đất ai mà không tiếc. Nhưng vì phong trào chung, vì tương lai của các con, các cháu, tôi quyết tâm hiến đất, mở rộng đường. Mình là đảng viên, cựu chiến binh, người cao tuổi mà không làm trước thì ai làm", ông Thấn cho biết.

Nói là làm, gia đình ông Thấn là một trong những hộ đầu tiên trong thôn tự tháo dỡ công trình, hiến đất. Hai ông bà cầm búa tự tay đập đổ bức tường bao vẫn còn chắc chắn. Ông Thấn còn bỏ cả tiền triệu thuê máy xúc đến phá cổng. Cây vải thiều mấy chục tuổi, hằng năm trĩu quả cũng bị máy đánh bật gốc, nằm chỏng chơ. Nhà ông Thấn khi đó như một công trường. Nhắc lại chuyện cũ, ông Thấn vừa cười, vừa nói: "Khi tôi thuê máy cẩu đến nhổ cây, cả xóm xúm lại xem. Tôi cứ để bừa bộn, ngổn ngang như thế mấy ngày để mọi người nhìn thấy. Không gì bằng người thật, việc thật". Vẫn đóng góp theo đúng quy định của thôn, ông Thấn tự nguyện bỏ tiền túi gần 30 triệu đồng để xây lại tường, cổng của gia đình. Thiếu kinh phí nhưng vì không muốn ảnh hưởng đến tiến độ làm đường, ông Thấn đã làm hồ sơ, xin xác nhận của Hội Cựu chiến binh xã vay Ngân hàng Chính sách xã hội 10 triệu đồng. Trước khi xây lại tường bao của gia đình, ông Thấn còn quả quyết, nếu hàng xóm bên kia không hiến đủ đất thì ông sẵn sàng xây tường lùi lại để bảo đảm tuyến đường đủ rộng. Hằng tháng tiết kiệm, tích cóp, tới đầu tháng 11 này ông Thấn mới trả xong số tiền vay ngân hàng.

Tạo sự lan tỏa

Không chỉ tiên phong thực hiện, bằng tinh thần vì lợi ích chung của ông Thấn còn lan tỏa tới những người xung quanh. Cách nhà ông Thấn chừng 4-5 nhà là gia đình bà Nguyễn Thị Lý, vị trí khó khăn nhất trong giải phóng mặt bằng phục vụ làm đường. Nhà bà Lý ở sát đường, nếu hiến đất thì buộc phải tháo dỡ ¼ ngôi nhà cấp 4 vốn đã rất chật hẹp của gia đình. Vì tiếc đất, điều kiện kinh tế lại khó khăn nên lúc đầu bà Lý nhất định không đồng tình tháo dỡ nhà, hiến đất làm đường. Là anh con bác ruột của bà Lý, ông Thấn cùng các cán bộ thôn năm lần, bẩy lượt đến vận động, tuyên truyền bà Lý. Mưa dầm thấm lâu, bà Lý cũng đồng ý hiến đất làm đường. Ông Thấn còn tham mưu cho thôn tháo dỡ công trình sao cho khéo léo để bà Lý yên tâm. Bà Lý kể lại: “Nhà tôi đã chật nay càng chật hơn. Tôi phải cắt nhà, di chuyển bàn thờ gia tiên để làm đường. Lúc đầu chần chừ nhưng thấy bác Thấn và mọi người đều hiến đất nên tôi cũng chấp hành theo để đường sá rộng rãi, đi lại thuận tiện hơn”.

Từng vào sinh, ra tử giữa mưa bom, bão đạn chiến trường Thành cổ Quảng Trị, dường như đối với ông Thấn, việc góp công, góp sức xây dựng quê hương vừa là trách nhiệm cũng là niềm vui, hạnh phúc. “So với các đồng đội, tôi trở về được là may lắm rồi. Sống được ngày nào vui ngày đó. Đằng này mình chung sức xây dựng quê hương, vì con, vì cháu thì sao phải do dự, tính toán”, ông Thấn tâm sự.

Nói về những đóng góp của ông Thấn đối với phong trào tại địa phương, ông Mai Trọng Quân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Nam Hồng đánh giá: "Việc làm của đồng chí Thấn đã tác động tích cực tới nhiều hội viên và người dân trong thôn, trong xã. Nhiều người chưa nhiệt tình, ủng hộ đã nhìn vào những tấm gương như đồng chí Thấn để từ đó thay đổi nhận thức, chung tay hiến đất, mở rộng đường giao thông. Tuổi cao, sức yếu nhưng tinh thần vì lợi ích chung của đồng chí vẫn rất mãnh liệt, thật đáng trân trọng và nhân rộng".

HẠO NHIÊN

(0) Bình luận
Người thương binh đi trước mở đường