Người thuê trọ "méo mặt" vì tiền điện giá cao

23/06/2018 15:03

Nhiều người thuê trọ đang phải trả tiền điện giá cao hơn quy định khiến cuộc sống của họ đã khó khăn càng khó khăn hơn.


Do phải trả tiền điện giá cao nên nhiều sinh viên, người thuê trọ phải hạn chế mua các thiết bị điện phục sụ sinh hoạt

Nhiều người không dám mua thêm đồ điện để phục vụ sinh hoạt.

Không dám mua sắm thiết bị

Dãy nhà trọ ở số 11 ngõ 149, đường Nguyễn Chí Thanh (TP Hải Dương) có khoảng 15 phòng. Giá 1 phòng trọ ở đây là 500.000 đồng/tháng, giá điện 4.000 đồng/số. Để tính tiền điện thuận tiện, chủ nhà trọ lắp đặt 1 công tơ chung, sau đó mỗi phòng có 1 công tơ riêng.

Người đi thuê trọ phải trả tiền điện giá cao như một mặc định nên họ đều chấp nhận. Một sinh viên đang thuê trọ tại địa chỉ trên cho biết: "Em chuyển mấy nhà trọ rồi và ở đâu giá điện cũng cao như vậy. Khi chủ nhà cho biết giá cả, chúng em cũng không thắc mắc gì và cứ đến tháng là nộp tiền thôi".

Hiện nay, hầu hết người thuê trọ đều phải trả từ 2.500-4.000 đồng/số điện. Thậm chí có người thuê được nhà riêng nhưng vẫn phải trả tiền điện giá cao. Chị Hứa Thị Ngọc, ở xóm 2, xã Kim Lương (Kim Thành), hiện đang thuê trọ ở phố Đàm Lộc (TP Hải Dương) cho biết: "Gia đình tôi có 2 vợ chồng. Để thuận tiện sinh hoạt, chúng tôi đã thuê một nhà riêng. Dù có công tơ tính tiền điện, nước riêng song chúng tôi vẫn phải trả 3.500 đồng/số điện. Tôi biết số tiền này cao hơn so với quy định".

Do phải trả giá cao nên nhiều người sử dụng điện rất tiết kiệm, thậm chí không dám mua thêm đồ điện về dùng. Đã ra trường và đi làm được một thời gian, chị Phạm Thị Dịu Hoa, quê ở xã Lê Hồng (Thanh Miện) hiện đang thuê trọ tại đường Nguyễn Thị Duệ (TP Hải Dương) băn khoăn khi muốn mua thêm điều hòa. "Trung bình mỗi tháng tôi sử dụng hết khoảng 100 số điện, tính ra mất khoảng 400.000 đồng. Nếu tôi sắm thêm điều hoà thì tiền điện phải trả sẽ cao hơn nhiều".

Khó khăn


Hiện nay người thuê trọ đang phải trả tiền điện cao hơn quy định

Thời gian qua, Bộ Công thương đã hướng dẫn cụ thể về việc bán điện cho người thuê trọ, nhưng quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn. Trước hết, bản thân người thuê trọ và chủ nhà chưa nắm rõ quyền lợi và các thủ tục khi thuê trọ. Người thuê trọ, chủ nhà phải khai tạm vắng, tạm trú hoặc xin chứng từ xác nhận tạm trú của cơ quan công an quản lý trên địa bàn. Sau đó, chủ nhà trọ gửi bản tạm trú đến Điện lực huyện, thị xã, thành phố để được mua điện theo giá quy định. "Tuy nhiên, rất ít người ở trọ nắm được các quy định này, trong khi chủ nhà trọ thì ngại hoặc cố tình không làm đúng thủ tục để thu tiền điện giá cao", ông Lưu Văn Thành, Trưởng Phòng Quản lý điện (Sở Công thương) nói.

Lý giải việc thu 4.000 đồng/ số điện, bà Thanh, chủ nhà trọ trên đường Nguyễn Chí Thanh cho biết: "Ở đây người thuê trọ ra vào liên tục. Người ở lâu được 1 năm, ít thì thuê vài tháng nên làm sổ tạm trú hoặc chứng từ xác nhận tạm trú của công an rất phiền phức. Bên cạnh đó, chúng tôi còn phải chi phí tổn thất điện, điện chiếu sáng, công quản lý...".

Tại cuộc gặp gỡ, đối thoại với công nhân tại tỉnh Hà Nam vào ngày 20.5.2018, sau khi nghe công nhân phản ánh người thuê nhà trọ phải trả tiền điện, nước cao, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các tỉnh, thành phố phối hợp kiểm tra việc các nhà trọ cho công nhân, người có nhu cầu thuê. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, thời gian tới, Sở Công thương phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền về giá tiền điện khi thuê trọ. Hướng dẫn các trường hợp chưa được áp giá tiền điện sinh hoạt của người thuê nhà để ở hoàn thiện các thủ tục áp dụng giá bán điện; đồng thời xử lý các trường hợp chủ nhà cho thuê thu tiền điện không đúng quy định. Rà soát, công bố các thủ tục hành chính về cấp sổ tạm trú, chứng từ xác nhận tạm trú và thủ tục cấp điện cho nhà trọ...

THANH HÀ

Điều 10 Thông tư số 16/2014/TT-BCT ngày 29.5.2014 của Bộ Công Thương về hướng dẫn thực hiện giá bán điện quy định như sau:

Trường hợp chủ nhà trọ đứng tên ký hợp đồng mua bán điện (HĐMBĐ): Được cấp định mức hoặc áp 1 giá theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 (nếu không xác định được số hộ). Hồ sơ gồm sổ tạm trú hoặc chứng từ xác nhận tạm trú của cơ quan công an quản lý địa bàn. Khi thay đổi người thuê nhà, chủ nhà thông báo cho bên bán điện để điều chỉnh định mức tính tiền điện. Cứ 4 người được tính là một hộ sử dụng điện để áp dụng giá bán điện sinh hoạt. Cụ thể: 1 người được tính là 1/4 định mức, 2 người là 1/2 định mức, 3 người là 3/4 định mức và 4 người là 1 định mức. Nếu không kê khai được số người thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 (1.858 đ/kWh, chưa bao gồm VAT) cho toàn bộ sản lượng điện. Chủ nhà trọ thu tiền điện theo đúng quy định, cộng thêm 10% cho tổn thất điện năng, chi phí chiếu sáng và bơm nước dùng chung. Trường hợp cho sinh viên, người lao động thuê nhà đăng ký tạm trú từ 12 tháng trở lên đứng tên ký HĐMBĐ. Công ty Điện lực phát hành hóa đơn trực tiếp cho người ở trọ.

Điều 12, khoản 6 Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17.10.2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Phạt tiền từ 7-10 triệu đồng đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người thuê trọ "méo mặt" vì tiền điện giá cao