Người phụ nữ mặc váy màu cam đang gác chân lên ghế để tỉa tót những móng chân màu mè. Còn người kia, là nam, mặc com lê, ngả người ra chiếc ghế bành xoay với vẻ mặt khá thư giãn.
- Có người mới à, lâu rồi mới thấy cơ quan tuyển thêm người nhỉ.
- Con cháu ông bà nào thế?
- Về đây, chỉ cần đẹp là được, không cần quan tâm những vấn đề khác.
Người phụ nữ mặc váy màu cam đang gác chân lên ghế để tỉa tót những móng chân màu mè. Còn người kia, là nam, mặc com lê, ngả người ra chiếc ghế bành xoay với vẻ mặt khá thư giãn. Trên mặt bàn, giấy tờ lộn xộn. Hiên gõ gõ lên tấm cửa kính trong suốt đến lần thứ ba, người nam mới quay ra uể oải:
- Vào đi!
- Chào anh, chào chị! Em...
- Cần hỏi gì em ra hỏi lễ tân hay bảo vệ phía ngoài, đây là phòng phụ trách văn hóa, không giải quyết các vấn đề bên lề nhé.
Người phụ nữ rất đẹp từ từ thả chân xuống khỏi ghế không cần nhìn Hiên nhưng miệng thì liến thoắng nói.
- Dạ, em mới được phân công về phòng văn hóa, lẽ ra thứ hai em sẽ đến cùng trưởng ban nhân sự của cơ quan để được giới thiệu, nhưng em muốn đến trước làm quen với phòng.
Hiên cũng nói một hơi không nghỉ, mắt nhìn thẳng vào khuôn mặt mỹ miều được trang điểm kỹ lưỡng trong khi người nam nhìn xoáy vào Hiên như không thể rời mắt. Hiên quay sang, một cái gì đó thấp thoáng quen thuộc. Trí nhớ vốn không dành chỗ cho những điều phù phiếm của Hiên bỗng trở nên nhạy cảm một cách xuất thần.
- Anh ... Châu, phải không ạ?
Người nam trở nên lúng túng, nét mặt nửa vui mừng, nửa bối rối, nhưng rồi vẫn kịp tỉnh táo xoay chiếc biển ghi tên trên bàn làm việc về phía Hiên: Trưởng phòng Thái Văn Châu. Hiên mỉm cười, nhưng không phải với Châu mà với những ý nghĩ trong đầu chợt đến. Ai đó đã nói cuộc sống như một trò chơi. Có lẽ điều này đúng với Hiên, và cả Châu nữa.
Hiên không đẹp nhưng nét duyên thầm toát lên từ ánh mắt, nụ cười và cử chỉ khiến cho bao chàng trai say mê từ thời trung học. Nhưng điều đáng nói hơn là Hiên học giỏi nổi tiếng ở cái phố huyện ngày xưa. Học giỏi và có duyên, sự kết hợp ấy làm nên vẻ kiêu kỳ, cũng có thể vẻ kiêu kỳ là do có nhiều người muốn lấy lòng Hiên nên tự họ cảm thấy Hiên thật kiêu kỳ chăng.
Với vóc dáng bình thường, học hành càng không có gì nổi trội, tính cách thì mờ nhạt, Châu không hề quá đặc biệt để Hiên nhớ được tên. Chỉ là có một lần Châu bị nhắc nhở cảnh cáo trước toàn trường nên Hiên vô tình nhớ được.
Dạo ấy, phố huyện nhỏ của Hiên trở nên ồn ào hẳn lên vì chuyện lô đề. Nhà nhà đánh đề, người người đánh đề. Ở bất cứ chỗ nào cũng nghe người ta bàn luận, tính toán. Lũ học trò choai choai cũng học đòi. Chúng lén lút ra quán bà Tâm, vờ vịt gọi vài ba cốc nước, rồi mắt trước mắt sau thấy vắng người bèn dúi vào tay bà Tâm mẩu giấy nhỏ cùng vài đồng kèm theo. Bố Châu làm ở văn phòng huyện nên đương nhiên Châu không dại gì mà chơi đề, thế nhưng Châu cho bọn bạn mượn tiền, thậm chí là cho mượn xe đạp cắm quán cầm đồ để chúng có tiền chơi đề. Nếu trúng thì Châu sẽ được mười phần trăm, còn không thì sẽ được mời ăn sáng hằng ngày cho đến khi chúng có tiền trả. Rồi khi bọn bạn không có tiền để chuộc xe ra khỏi quán cầm đồ thì Châu về nhà mách bố. Bố Châu đến tận nhà nói chuyện với bố mẹ bọn bạn. Bố mẹ bọn bạn cũng không vừa, họ đến tận trường để nói chuyện với Ban giám hiệu. Vậy là Châu bị cảnh cáo vì có dấu hiệu của việc “cho vay nặng lãi”. Sau đó, Châu và bọn bạn ấy hẹn gặp nhau ở quán bà Tâm để “nói chuyện”. Khi đến đó, chưa kịp làm gì thì Hiên xuất hiện. Hiên lúc đó là đội trưởng đội cờ đỏ của trường. Chỉ là tình cờ Hiên ghé quán mua nước mía, nhưng cả bọn con trai không ai bảo ai, chúng lịch sự bắt chuyện, mời Hiên uống nước mía. Hiên khéo léo từ chối rồi mang túi nước của mình rời quán. Cả bọn con trai nhìn theo, rồi chúng tự giải tán, quên luôn động cơ của buổi gặp này. Từ buổi ấy, Châu thi thoảng chép vài ba câu thơ lãng mạn phía sau vở mỗi khi thoáng thấy Hiên đâu đó. Vài lần Châu viết thư nhờ thằng bạn gửi Hiên, nhưng lá thư nào cũng được trả lại khổ chủ trong tình trạng còn nguyên vẹn chưa được bóc. Sau lễ tốt nghiệp, Hiên như bóng nhạn chân trời không một lần Châu gặp lại.
Châu không thi đỗ đại học, bố xin cho Châu vào một trường trung cấp, học xong hai năm thì về huyện làm một vài vị trí lặt vặt chờ có đợt biên chế thì được phân về phòng văn hóa. Châu lần lượt học tại chức các bậc và có được vài tấm bằng. Sau vài năm, ông trưởng phòng về hưu và Châu là ứng viên sáng giá duy nhất để ngồi vào vị trí đó. Ba mươi tuổi, có công việc ổn định, tiếng con nhà gia giáo, Châu là mẫu hình lý tưởng cho những cô gái phố huyện. Mà phố huyện bây giờ phát triển lắm, con gái đẹp một cách đồng đều và giống nhau đến lạ. Có những cô gái đến với Châu nhưng sau những cuộc tình chóng vánh Châu dần thấy họ trở nên nhàm chán. Và càng nhàm chán hơn khi cùng phòng với Châu là Hương, con gái của một nhà buôn xi măng trong huyện. Hương đẹp, nhưng vẻ đẹp ấy đã bị đóng khung trong những lớp phấn son và kiểu cách màu mè, làm cho cô giống như một khuôn hình nào đó, vì thế vẻ đẹp ấy không có cơ hội hoặc không thể tỏa hương. Không rõ con đường học hành của Hương thế nào nhưng ai cũng biết Hương là người tình nhỏ của một lãnh đạo trong huyện. Không ít người ái ngại cho phòng văn hóa của huyện khi nhìn vào những cán bộ như Châu và Hương.
Trong một chính sách chiêu dụ nhân tài đóng góp cho quê hương nào đó, Hiên đã được mời về, đứng ngoài những tiêu chí như quan hệ, tiền tệ hay sắc đẹp... Nhưng Hiên vẫn giữ được nét duyên của thời thiếu nữ. Cộng thêm vẻ trải nghiệm của mấy năm làm việc bên ngoài, ở Hiên bây giờ toát lên sự tự tin và duyên dáng. Từ ngày Hiên về Châu thay đổi hẳn, đi làm đúng giờ hơn, thậm chí hết giờ làm Châu còn chưa muốn về nhà. Khác với trước đây, gần trưa Châu mới đến phòng làm việc và chỉ 3 giờ chiều đã có mặt ở sân bóng chuyền. Còn Hương đã bớt đi sự tỉa tót điệu đàng khi nhận ra sự tự nhiên ở Hiên làm cho mọi người để ý hơn.
- Anh Châu và chị Hương có thấy là ở huyện ta có quá ít các phong trào văn hóa quần chúng không? Đời sống tinh thần ở ta nghèo nàn, mạnh ai người ấy sống và tự tìm những cách giải trí khác nhau mà không có định hướng, chọn lọc. Điều này không tốt, nhất là với lứa tuổi vị thành niên.
- Em muốn đề xuất gì hả Hiên?
Châu nhìn Hiên không rời và nghe như uống lấy từng lời của cô. Điều này không qua khỏi mắt Hương. Hương cũng phải thừa nhận sức hút từ vẻ tri thức và duyên dáng của Hiên kia mà. Không ít lần Hương thầm tủi thân cho vẻ đẹp của mình. Hương không muốn mình là bình hoa nhựa chỉ được đặt để trang trí căn phòng này và dần thấy mình trở nên lố bịch, bẽ bàng khi là thứ đồ điểm trang cho người tình già mỗi khi ông ấy cần trong những cuộc tiếp khách hay tình tứ vụng trộm.
- Em nghĩ là phòng chuyên môn có thể xây dựng và đưa ra những chương trình, kế hoạch cụ thể hướng tới cải thiện đời sống văn hóa mới cho người dân. Bắt đầu từ nơi trọng tâm như trường học. Cần có những buổi nói chuyện về văn hóa cho học sinh. Mà huyện ta là nơi có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, tại sao chúng ta không khơi gợi lại để xây dựng một lối sống văn hóa bền vững hơn cho học sinh, thanh thiếu niên...
Kế hoạch của phòng chuyên môn do Hiên soạn thảo được bí thư và chủ tịch huyện đồng ý thông qua. Đây là lần đầu tiên sau mấy năm Châu làm trưởng phòng anh mới thực sự nghiêm túc trong công việc. Nhưng sự nghiêm túc ấy là vì Hiên chứ đâu phải anh thực sự tha thiết muốn thay đổi. Châu không nhớ từ bao giờ những cô gái mới lớn tóc xanh tóc vàng đã bị chặn lại ngay từ cổng bảo vệ, từ bao giờ điện thoại của anh đã bớt đi những số điện thoại không được lưu tên. Châu cũng hạn chế hẳn những bức ảnh tự chụp với bảng tên trưởng phòng trên bàn, khi đang ăn tối trong nhà hàng sang nhất huyện hay khi đang hò hát điên cuồng trong một quán karaoke mờ ảo... Mọi thứ ấy tự Châu thấy phù phiếm và nhạt hoét khi ở trước Hiên.
Hình ảnh cô bạn kiêu kỳ thời trung học thản nhiên cầm túi nước mía bước qua lần lượt những đứa con trai đang sắp sửa lao vào nhau lại trở về sâu đậm trong đầu Châu. Anh không hiểu sao cả một thời trai trẻ của mình lại nhảm nhí và đầy dựa dẫm như vậy. Trong những đêm phố huyện chỉ còn loang lổ ánh đèn đường, Châu lái xe đi lòng vòng đâu đó rồi những ngả đường lại dẫn dụ Châu đến trước cửa nhà Hiên. Ngôi nhà cấp bốn nằm sâu trong ngõ, trước sân rợp bóng hoàng lan. Mùa này hương hoa ngan ngát về đêm càng khiến Châu trở nên thấp thỏm nửa muốn bước vào gõ cửa ngôi nhà còn đang sáng đèn, nửa muốn âm thầm chờ bóng dáng Hiên thoáng qua khung cửa.
Ngày Hiên kết thúc thời gian thử việc để bước vào chính thức lại là ngày Hiên xin thôi việc. Châu và Hương choáng váng trước quyết định của Hiên. Thời gian này các phong trào văn hóa quần chúng đã diễn ra sôi nổi hơn. Châu được nhận bằng khen của cấp trên dù anh không muốn, nhưng bằng khen không thể trao cho một người còn thử việc. Sáu tháng đủ để mọi thứ thay đổi, Hiên nói rằng Hiên tin Châu và Hương sẽ làm được nhiều hơn cho phố huyện quê mình.
- Em ở lại đi Hiên!
Châu tha thiết, Hương cũng ngậm ngùi:
- Bọn mình cần Hiên, Hiên biết mà.
- Em đã có một dự án về văn hóa ở miền núi. Nơi đó bọn trẻ cần em. Em đã cùng với những người bạn theo dự án đó trước khi em về đây. Thời gian qua em về quê mình nên các bạn em trên đó phải làm thay em. Em rất muốn ở lại quê mình nhưng miền núi rất cần được giúp đỡ...
Châu không nghe hết những điều Hiên nói. Anh phải làm sao để Hiên hiểu được anh thực sự cần có cô hơn tất cả. Nửa năm ngắn ngủi dành cho Châu lẽ nào chỉ là giấc mơ rồi anh phải thức dậy mà không có Hiên bên cạnh.
“Hiên, anh cần có em. Không có em anh phải làm sao?"
Châu thừa nhận tình cảm của mình qua dòng tin nhắn gửi Hiên. Sự chờ đợi chưa bao giờ dài đến như vậy. Hiên không trả lời Châu, nhưng Hương mang đến lá thư của Hiên. Châu ngỡ ngàng tột độ. Những lá thư của Châu ngày xưa chưa một lần Hiên đọc, nhưng lá thư duy nhất của Hiên lại là điều mà Châu mong chờ nhất lúc này. Anh run run mở thư, nét chữ quen thuộc của Hiên lần đầu tiên dành cho riêng Châu.
Nhiều năm sau Châu vẫn còn giữ bức thư Hiên gửi, đó là niềm tin mà cô đã dành trọn vẹn cho anh, dù tình yêu của Hiên đã được trao gửi ở một người khác. Phòng văn hóa huyện bây giờ đã đông đủ mọi vị trí cần thiết. Phố huyện ngày xưa giờ đã là một thị trấn trẻ sầm uất, năng động nhưng vẫn giữ được những nét đẹp riêng. Hương vẫn kể với những người mới vào về người thử việc đầu tiên. Hương thầm cảm ơn Hiên về những lời khuyên đã kéo Hương ra khỏi con đường cũ, dù có xa xôi và khó khăn hơn để Hương trở về đúng vị trí mà cô vẫn ngồi. Châu và Hương đều đã có một gia đình nhỏ yên ấm, và họ vẫn dõi theo Hiên qua trang cá nhân trên mạng. Nơi quê hương thứ hai của mình, Hiên không để những người bạn nơi quê nhà phải chạnh lòng về cuộc sống, công việc của cô, vì Hiên luôn có niềm tin và đi theo những niềm tin ấy.
Có một nỗi buồn thầm kín vẫn phảng phất trong đôi mắt Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thái Văn Châu mà không phải ai cũng hiểu được...
Truyện ngắn của NGUYỄN THỊ KIM NHUNG