Người thầy thuốc...

28/02/2020 16:01

Thầy thuốc là những người được xã hội tôn quý. Nhưng xã hội cộng đồng cũng đòi hỏi ở người thầy thuốc vừa có tâm vừa có tay nghề cao, giải quyết những căn bệnh hiểm nghèo.

Lực lượng thầy thuốc được đào tạo, bồi dưỡng không ngừng đã đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Trong ảnh: Bác sĩ Bệnh viện Nhi Hải Dương phẫu thuật thoát vị bẹn cho trẻ

Người xưa đi học thường có chủ đích: tiến vi quan, thoái vi sư. Đỗ đạt ra làm quan, nếu chẳng thuận thì về quê làm thầy đồ ngồi dạy học hoặc làm thầy thuốc, trị bệnh cứu người. Đã có những thầy thuốc Việt Nam lừng danh về y đức, y thuật sống mãi với nhân gian. Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Đại danh y Tuệ Tĩnh, Nguyễn Đại Năng… các đời trước và đời nay có nhiều thầy thuốc là giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ từng phục vụ nhân dân trong thời kỳ chiến tranh và đổi mới đất nước.

Trong bức thư gửi cho hội nghị cán bộ ngành y tế Việt Nam ngày 27.2.1955 cách đây 65 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn". Rồi Người kết luận: "Lương y phải như từ mẫu, câu nói ấy rất đúng"…

30 năm sau, ngày 6.2.1985 Chính phủ quyết định lấy ngày 27.2 hằng năm làm Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Đây là dịp để cán bộ, nhân viên trong ngành y tế ôn lại truyền thống vẻ vang của mình, đồng thời để xã hội tôn vinh một nghề cao quý, nghề trị bệnh cứu người.

65 năm trôi qua, tư tưởng trong bức thư của Hồ Chủ tịch còn in sâu trong lòng mỗi cán bộ y tế. Dù hoàn cảnh khó khăn đến đâu, những người thầy thuốc Việt Nam vẫn không quên lời Bác Hồ giản dị mà thân thiết: "Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú… cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình”.

Các thế hệ thầy thuốc nước ta đã làm theo lời Bác. Trong lao động, sản xuất, chiến đấu, những chiến sĩ áo trắng đã không phụ niềm tin của nhân dân. Nữ bác sĩ trẻ Đặng Thuỳ Trâm là một tấm gương sáng tiêu biểu cho thế hệ thầy thuốc trong thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Chị là hình ảnh rực rỡ của người thầy thuốc Việt Nam hết lòng thương yêu người bệnh và xả thân vì nghĩa lớn. Đặng Thuỳ Trâm làm cho những người bên kia chiến tuyến phải khâm phục về đức độ và tấm lòng cao thượng của người thầy thuốc trước nhân sinh. 

Không phải đến bây giờ, mà từ ngày xưa những thầy thuốc nước ta từng làm rạng danh quốc thể. Đại danh y Tuệ Tĩnh thế kỷ 14 từng đi sứ Trung Hoa chữa khỏi bệnh hiểm nghèo cho hoàng hậu triều Minh, được nhà vua kính phục. Và không phải ngẫu nhiên dân gian gọi người chữa bệnh cho con người với một danh từ trân trọng là "thầy".

Nếu như thầy đồ có công chăm sóc phần hồn cho con người thì thầy thuốc trực tiếp chăm sóc phần thể lực. Y thuật, y đức của người thầy thuốc có ảnh hưởng đến toàn xã hội. Một quốc gia hùng mạnh phải có những con người khỏe mạnh. Con người có sức khỏe tốt, sẽ tạo ra một tâm hồn trong sáng và nòi giống càng trường thịnh.

Không phụ lòng tôn trọng của cộng đồng, những thầy thuốc còn gọi là lương y đã sống và làm việc hết lòng phục vụ nhân dân. Họ đã giúp bao con người vượt qua cửa thần chết trở về với đời thường. Họ đã biết hy sinh quyền lợi cá nhân, coi trọng sinh mệnh con người là trên hết. Có thầy thuốc tình nguyện hiến dâng máu, một phần cơ thể mình để cứu người bệnh qua cơn hiểm nghèo, chiến thắng tử thần. Có những thầy thuốc tận tuỵ với y nghiệp, bị lây bệnh truyền sang… Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác từng nói rằng: "Đã làm thầy thuốc, thời không dám đi chơi xa. Ví thử có con bệnh hiểm nghèo, không có thầy kịp thời chữa trị mà tử vong, mình càng ân hận".

Việt Nam từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945, dưới chính thể mới, lực lượng thầy thuốc được đào tạo, bồi dưỡng không ngừng đã đáp ứng những nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Những năm gần đây có nhiều chương trình mang tính chất xã hội hóa cao đạt kết quả tốt đẹp. Chương trình “Vòng tay nhân ái” là một điển hình, có tác dụng thiết thực để vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ “Quỹ khám chữa bệnh người nghèo”. Những thầy thuốc đã về tận làng quê, vùng sâu vùng xa, trực tiếp hướng dẫn người dân phòng bệnh và chữa bệnh. Họ đã dập tắt được nhiều loại bệnh dịch nguy hiểm ở một số vùng nông thôn.

Nghị quyết 46-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã được Thủ tướng ra quyết định làm căn cứ thực hiện. Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 đã được phê duyệt, là một sự kiện quan trọng trong lĩnh vực y tế nước nhà trong giai đoạn mới.

Hải Dương là tỉnh đồng bằng, mật độ dân cư đông đúc, với gần 1,8 triệu dân. Những năm qua công tác y tế không ngừng được quan tâm và có nhiều tiến bộ. Với con số bình quân 9,5 bác sĩ/một vạn dân đã góp phần không nhỏ trong chiến lược xây dựng con người. Trước mắt các thầy thuốc được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ để đáp ứng nhiệm vụ trong thời kỳ hội nhập. Tại cơ sở y tế xã, phường, hiện cán bộ đều có trình độ trung cấp trở lên. Cùng với những đoàn y tế của tỉnh về tận nông thôn để khám chữa bệnh cho người nghèo, đem ánh sáng tới người khiếm thị, các thầy thuốc xã, phường đã chữa bệnh và hướng dẫn người dân ăn ở vệ sinh sạch sẽ, rèn luyện thể lực để sản xuất và lao động. Công tác y tế dự phòng có thành tích nổi bật, nhiều kỹ thuật mới được áp dụng và trên hết là thái độ thân thiện, ứng xử với bệnh nhân của thầy thuốc được đổi mới…

Thầy thuốc là những người được xã hội tôn quý. Nhưng xã hội cộng đồng cũng đòi hỏi ở người thầy thuốc vừa có tâm vừa có tay nghề cao, giải quyết những căn bệnh hiểm nghèo.

Vẫn nghe ở đây đó còn những chuyện tiêu cực, chưa hết lòng với bệnh nhân, nạt nộ vòi vĩnh bệnh nhân. Âu đó cũng chỉ là con sâu bỏ rầu nồi canh, đáng bị xã hội lên án, bị đào thải… Như thế mỗi khi nhắc tới hai chữ lương y là nhớ tới hình ảnh đẹp đáng trân trọng: Thầy thuốc.

THIÊN GIA TRANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người thầy thuốc...