Trong vòng chưa đầy 14 năm, một người thầy thuốc- thầy giáo đã làm nên điều kỳ diệu, xây dựng một ngôi trường nhỏ bé trở thành thương hiệu của ngành giáo dục.
PGS.TS Vũ Đình Chính
Đó chính là thầy thuốc nhân dân, PGS.TS Vũ Đình Chính, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương.
Nhân duyên với ngành yGiống như bao thanh niên sống trong thời chiến, năm 1971, ông Chính lên đường nhập ngũ. Năm 1973, sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, hòa bình lập lại, ông Chính trở về với quyết tâm biến ước mơ trở thành người thầy thuốc thành sự thật và đã thi đỗ vào Học viện Quân y ngay trong năm ấy. Khi tốt nghiệp, Vũ Đình Chính là một trong số ít sinh viên được nhà trường giữ lại làm giảng viên. Tuy nhiên, do chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, thầy giáo Vũ Đình Chính lại tái ngũ, tham gia chiến đấu. Chiến tranh kết thúc, thầy giáo Vũ Đình Chính trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau. Năm 1984, thầy Chính về công tác tại Bệnh viện 7 và tiếp tục học bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II và lấy bằng tiến sĩ chuyên ngành. Sau khoảng 15 năm gắn bó với Bệnh viện 7, trong đó 10 năm liền làm Chủ nhiệm khoa, tham gia điều trị, thượng tá Vũ Đình Chính đã được phong danh hiệu thầy thuốc Ưu tú và được cử giữ chức Phó Giám đốc bệnh viện.
Trong suốt quá trình phấn đấu trở thành một người bác sĩ đến khi làm Phó Giám đốc một bệnh viện, thầy thuốc Vũ Đình Chính đã cống hiến bằng tất cả niềm đam mê chuyên môn. Ông cũng nhận ra một số thiếu sót, hạn chế của ngành y. Ông cho rằng, đội ngũ bác sĩ lúc bấy giờ cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu, tuy nhiên đội ngũ kỹ thuật viên, điều dưỡng với vai trò vô cùng quan trọng lại chưa được đào tạo bài bản. Đây chính là những suy nghĩ tạo đà cho ông quyết tâm rẽ sang một môi trường khác- môi trường giáo dục. Tháng 6 - 1999, ông quyết định chuyển công tác về Trường Trung cấp Kỹ thuật y tế 1 và giữ chức Phó Hiệu trưởng nhà trường.
Đột phá với ngành giáo dụcHành trang người thầy thuốc Vũ Đình Chính mang theo trên con đường đến với ngành giáo dục chính là quan niệm: Nghề thầy thuốc cứu người là rất quan trọng nhưng việc đào tạo ra những con người có thể điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân còn quan trọng hơn. Đội ngũ kỹ thuật viên, điều dưỡng có giỏi thì người được hưởng lợi nhiều nhất chính là bệnh nhân. Với quan niệm lấy con người là trung tâm, thầy thuốc, thầy giáo Vũ Đình Chính quyết tâm xây dựng Trường Trung cấp Kỹ thuật y tế 1 trở thành nơi đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên, điều dưỡng có tay nghề cao.
Ngôi trường lúc bấy giờ có quy mô nhỏ với hơn 80 cán bộ, viên chức, mỗi khóa đào tạo khoảng 800 học sinh. Trên cương vị Phó Hiệu trưởng nhà trường, thầy giáo Vũ Đình Chính tìm hiểu rõ thực trạng nhà trường, tâm tư, nguyện vọng của giáo viên, học sinh. Đồng thời, ông cũng nắm bắt nhu cầu của xã hội, dự báo sự phát triển của ngành y tế để có hướng đi đúng đắn cho sự phát triển của nhà trường. Năm 2000, ông chính thức được đề bạt giữ chức Hiệu trưởng cùng quyết tâm nâng cấp nhà trường từ hệ trung cấp lên cao đẳng và tương lai sẽ trở thành trường đại học. Tháng 4-2001, Trường Trung cấp Kỹ thuật y tế 1 chính thức được nâng cấp thành Trường Cao đẳng Kỹ thuật y tế. Đây cũng là trường cao đẳng đầu tiên của nước ta đào tạo kỹ thuật viên y tế.
Hiệu trưởng Vũ Đình Chính cùng cán bộ, giáo viên nhà trường tiếp tục xây dựng đề án nâng cấp trường cao đẳng lên đại học. Song song với đó, ông làm các thủ tục xin cấp 7 ha đất mở rộng quy mô ngôi trường. Đến tháng 7-2007, Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương chính thức được thành lập, là trường đào tạo kỹ thuật viên y tế có trình độ đại học duy nhất của nước ta và cũng là trường đại học đầu tiên của tỉnh. Chính vì vậy, nhà trường lại đứng trước thách thức lớn với nỗi lo giáo trình "trắng" bởi trước đó chưa có một giáo trình nào về nhiều bộ môn thuộc lĩnh vực đào tạo kỹ thuật y tế. Thầy giáo Vũ Đình Chính cùng đội ngũ giảng viên nhà trường lại bắt tay vào xây dựng chương trình khung, chương trình chi tiết và cho ra đời 39 đầu sách là những bộ giáo trình đầu tiên về các lĩnh vực như: xét nghiệm, kỹ thuật hình ảnh, vật lý trị liệu... Những bộ tài liệu này hiện vẫn được các trường y khác sử dụng. Đặc biệt, PGS. TS Vũ Đình Chính đã chỉ đạo và tham gia biên soạn cuốn sách "Kỹ năng thực hành điều dưỡng" là tài liệu chuẩn, góp phần đổi mới đào tạo điều dưỡng tại Việt Nam. Ông còn chủ trương đẩy mạnh việc trao đổi, hợp tác quốc tế thông qua triển khai có hiệu quả các dự án như: "Nâng cao năng lực giảng dạy điều dưỡng các trường cao đẳng, trung cấp y tế", "Nâng cao chất lượng đào tạo điều dưỡng trình độ đại học và cao đẳng tại Việt Nam" do Chính phủ Hà Lan tài trợ; hợp tác, kết nghĩa với nhiều trường đại học ở Pháp, Nhật Bản...
PGS.TS Vũ Đình Chính đặc biệt coi trọng phát triển, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường. Để làm được điều đó, bản thân thầy chính là tấm gương đi đầu trong nghiên cứu khoa học. Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 1996, đến nay PGS.TS Vũ Đình Chính đã thực hiện 28 đề tài nghiên cứu khoa học. Trong đó, có hai đề tài nghiên cứu cấp bộ, hai đề tài nghiên cứu cấp quân khu. Hầu hết các đề tài đều bám sát thực tế quá trình đào tạo và tổ chức quản lý đào tạo. Đội ngũ giảng viên nhà trường cũng phát triển nhanh về số lượng và chất lượng với 23 tiến sĩ và nghiên cứu sinh, 75 thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II và học viên cao học, một số đang được đào tạo tại nước ngoài.
Để nâng cao chất lượng đào tạo, ngoài nguồn vốn do Nhà nước cấp, PGS.TS Vũ Đình Chính đã mạnh dạn thực hiện việc tự chủ về tài chính và tranh thủ sự ủng hộ, hợp tác của các đối tác nước ngoài. Từ một ngôi trường với số lượng đào tạo khoảng 800 sinh viên, đến nay, Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương đã đào tạo hơn 4.000 sinh viên mỗi năm. Chất lượng đào tạo của nhà trường luôn được củng cố và giữ vững, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay đạt 80% và được các cơ sở y tế đánh giá cao. Đặc biệt, đầu năm nay, nhà trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo bác sĩ đa khoa hệ chính quy càng khẳng định vị thế của nhà trường. PGS.TS Vũ Đình Chính ấp ủ: "Sau lớp đầu tiên đào tạo 50 sinh viên, nếu đạt chất lượng tốt sẽ tăng lớp. Nhà trường cũng tiến tới đào tạo bác sĩ hệ gia đình, góp phần giảm tải cho các bệnh viện".
Bước sang ngành giáo dục với 3 điều mong muốn: phát triển Trường Trung cấp Kỹ thuật y tế 1 lên trường đại học; xây dựng bệnh viện trong nhà trường; nhà trường được phép đào tạo bác sĩ, đến nay tâm nguyện của PGS.TS Vũ Đình Chính đã gần hoàn thành. Những bước đột phá ấy đã để lại dấu ấn trong ngành y tế, ngành giáo dục.
MINH HẠNH