“Tôi thấy con mình khá nhõng nhẽo và ích kỷ, cũng muốn cho con thêm đứa em để biết quan tâm tới người khác. Tuy nhiên, nếu thu nhập vẫn như hiện tại thì hai vợ chồng không dám đẻ thêm”, bà mẹ 37 tuổi kể.
Chị Hằng nhẩm tính, mỗi tháng, riêng tiền học cho con đã hết hơn 3 triệu. Tiền sữa, tiền mua quần áo, đồ dùng là gần 1 triệu/tháng. Dù bé đã 8 tuổi nhưng trung bình 2 tháng vẫn phải đi viện một lần. Mỗi lần khám dịch vụ hơn mấy trăm nghìn đồng nữa, bảo hiểm y tế gần như bỏ không vì chị không yên tâm. Cuối tuần, vợ chồng thường cho con đi chơi để thưởng một tuần đã ngoan. Vé vào các khu vui chơi đều tiền trăm nghìn, vài que kem, ly trà sữa, bữa ăn trong cửa hàng thức ăn nhanh, vài cuốn sách... vậy là mất thêm 500.000 đồng đến một triệu nữa.
"Chi phí cho một đứa con đã hết 1/3 thu nhập của hai vợ chồng, thêm một đứa nữa, sống kham khổ chắc không nổi", chị Hằng giãi bày. Trong khi đó, vợ chồng chị đang mua nhà trả góp, mỗi tháng đóng 7 triệu.
"Cũng muốn đẻ thêm, sợ sau này già không đẻ được nữa, nhưng thu nhập vẫn như hiện tại thì không dám đẻ. Chưa kể đẻ xong có khi còn bị giảm lương", chị Hằng chia sẻ.
Nhiều gia đình ở TP HCM chỉ sinh một con vì chi phí nuôi con tốn kém - Ảnh minh họa: youngparents.com.sg |
Con gái năm nay học lớp 7, vợ chồng anh Xuân Tùng từ lâu đã quyết định không sinh thêm nữa vì cảm thấy nuôi một đứa trẻ quá tốn kém.
Vợ anh làm ở một ngân hàng nhỏ, anh là họa sĩ thiết kế cho một công ty truyền thông, tổng thu nhập gần 30 triệu. Vợ chồng anh dành cho con một ngân quỹ khoảng 7 triệu mỗi tháng, chỉ để học, bao gồm học phí, bán trú và xe đưa đón ở một trường bán công hết khoảng 4 triệu/tháng, học thêm tiếng Anh ở trung tâm 1,5 triệu/tháng và học vẽ 400.000 đồng/buổi.
Cách đây 6-7 năm, lương của vợ anh cao thì lương của anh lại thấp. Sau đó, anh chuyển việc, nhận lương cao hơn, thì lương vợ lại giảm, vậy là mãi chỉ đủ tiêu, trong khi con càng lớn, chi phí càng tăng vì học thêm càng nhiều.
"Nếu muốn sinh thêm con, chúng tôi phải sống tiết kiệm hơn nên quyết định chỉ sinh một đứa. Mẹ tôi phàn nàn rằng những gia đình công nhân, thu nhập hơn chục triệu vẫn sinh 2 đứa, nhưng tôi thì không muốn con mình khổ hay hai vợ chồng cả đời nai lưng kiếm tiền nuôi con chẳng có thời gian sống cho mình", ông bố 45 tuổi chia sẻ.
Chuyên gia tư vấn các vấn đề hôn nhân và gia đình Hồ Thị Tuyết Mai (tổng đài 1088 Bưu điện TP HCM) cho biết bà cũng từng gặp nhiều cặp vợ chồng băn khoăn không dám sinh con vì thu nhập thấp. Bà vẫn còn nhớ một cặp vợ chồng mới gặp cách đây không lâu. Lương vợ được khoảng 6 triệu/tháng, lương chồng hơn 4 triệu, mỗi tháng họ thuê nhà hết 2 triệu, mỗi ngày chỉ dám ăn 100.000 đồng. Chỉ mỗi tiền ăn và ở đã hết 50% thu nhập. Cô vợ tâm sự: “Nếu sinh thêm nữa, biết lấy gì mà ăn. Chưa kể mỗi lần vô bệnh viện cũng tốn rất nhiều tiền".
Theo chuyên gia, để nuôi một đứa con tốt, các cặp vợ chồng cần chuẩn bị tài chính từ trước khi có thai. Khi mang bầu, ngoài chi phí khám thai, người mẹ cũng cần được ăn uống tốt hơn, chi phí cho thực phẩm có thể tăng gấp đôi so với bình thường. Đến khi một đứa con ra đời, cần có tiền vào bệnh viện, tiền mua đồ dùng cho bé, sau đó là các khoản bỉm, sữa hàng ngày. Bà ước tính, ở TP HCM, các cha mẹ cần tích lũy tối thiểu 30 triệu cho việc sinh một đứa con.
"Thời của tôi, lương chỉ 50 - 70 đồng nhưng việc sinh con không khiến người ta phải đắn đo như bây giờ, bởi lúc đó, nhu cầu của con người rất ít", bà Mai so sánh.
Thạc sĩ Nguyễn Thúy Hà, chuyên viên của một công ty nghiên cứu thị trường, nhận xét, TP HCM là một thành phố dễ sống, với đủ các dịch vụ cho người từ rất nghèo đến siêu giàu. Tuy nhiên, nếu thu nhập 2 vợ chồng khoảng 25-30 triệu/tháng thì chỉ đủ mức sống trung bình cho một gia đình có một đứa con.
Theo số liệu của UBND thành phố, năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của thành phố vào khoảng 5.500 đô la/năm, tức là khoảng 122 triệu đồng/năm. Như vậy trung bình thu nhập của mỗi cặp vợ chồng vào khoảng 250 triệu/năm, đủ để sống ở ngưỡng trung bình nếu có một đứa con.
Tiến sĩ Vũ Gia Hiền, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hóa Du lịch lại cho rằng, nguyên nhân chính của việcTP HCM có tỷ lệ sinh rất thấp là do ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dụng (thuật ngữ chỉ lối hành xử dựa trên tình hình thực tế, đánh giá thành công của một việc theo kết quả thực tế của nó) đối với người dân ở đây. Theo ông, người dân Sài Gòn ngại sinh con vì sợ mình khổ và con khổ, muốn dành thời gian để phát triển sự nghiệp, du lịch, phát triển bản thân.
Ông cho biết, chủ nghĩa thực dụng đã xuất hiện từ lâu ở châu Âu, và cũng đã lan sang Hàn Quốc, Nhật Bản cách đây cả chục năm, khiến tỷ lệ sinh ở Nhật Bản, Hàn Quốc những năm đó chỉ là 1,25 bé/mẹ. Mặc dù chính phủ các nước này đã có nhiều biện pháp khuyến khích người dân sinh đẻ nhưng từ đó đến nay, con số này cũng chưa quá 1,35.
Ngoài ra, một lý do nữa khiến người ta không thiết tha sinh nhiều con là quan điểm sau này cậy nhờ con cái đã thay đổi. Trước đây, người ta mặc định, tuổi già sẽ phải nhờ cậy vào con cháu. Ngày nay, do kinh tế đảm bảo, hệ thống bảo hiểm phát triển, người già có thể vẫn sống ổn không cần sự hỗ trợ của con cháu.
Theo báo cáo mới đây của Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, tỷ lệ sinh ở TP HCM hiện thấp nhất nước và không tăng trong 3 năm qua. Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại TP HCM năm 2013 là 1,48 con, đến năm 2015 giảm còn 1,45. Tại kỳ họp HĐND TP HCM ngày 4/7 vừa qua Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân khuyến khích phụ nữ TP HCM nên đẻ 2 con để đảm bảo phát triển bền vững. |
Kim Anh