Người nuôi thủy sản lại gặp khó

19/03/2016 07:52

Đợt rét đậm, rét hại cuối tháng 1 đã khiến nhiều thủy sản trong các ao nuôi bị chết, gây thiệt hại không nhỏ cho người nuôi...



Anh Phạm Giang Nam ở thôn Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) bơm vét ao để thu nốt
 số cá còn lại và làm vệ sinh ao trước vụ nuôi mới


Thiếu cá giống

Nhiều năm nay, ông Hồ Văn Tuân ở thôn Tằng Hạ, xã Gia Xuyên (Gia Lộc) luôn chọn cá rô đồng để nuôi và coi đây là loại thủy sản chủ lực để phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, chưa vụ nào ông lại gặp khó khăn như vừa qua. Với hơn 1 mẫu ao, vụ vừa qua ông nuôi 40 vạn cá rô đồng. Đợt rét đậm, rét hại cuối tháng 1 đã làm khoảng 20% lượng cá trong ao của ông bị chết. Cá rô đồng nuôi chậm lớn, vào mùa đông cá hầu như không tăng trưởng nên thời gian nuôi thường kéo dài từ 6-7 tháng/vụ. Ông Tuân cho biết: "Đợt rét đậm, rét hại vừa qua đã làm nhiều hộ nuôi cá rô đồng bị trắng tay do cá chết rét nhiều. Gia đình tôi may mắn hơn vì trước đợt rét tôi đã dùng nhiều loại thuốc để xử lý nước nuôi và phòng bệnh cho cá nên thiệt hại không nhiều. Hiện tại, tôi muốn mua thêm cá rô đồng để bổ sung vào lượng cá hao hụt, nhưng trên thị trường không còn cá giống. Nếu muốn có cá để nuôi thì phải đặt mua từ các tỉnh miền Nam với giá 3 triệu đồng/kg giống. Đây là mức chi phí quá cao nên chúng tôi không thể mua nổi".

Chị Bùi Thị Hà ở thôn Tranh Đấu, xã Gia Xuyên có 1,2 mẫu ao nuôi cá rô phi giống nhưng toàn bộ số cá giống đã mất trắng sau đợt rét kỷ lục vừa qua, thiệt hại ước tính khoảng 50 triệu đồng. Theo chị Hà, hiện nay thời tiết đã ấm dần, nhiều hộ có nhu cầu mua cá giống để nuôi vụ mới, nhưng trên thị trường hầu như không còn cá giống để mua. Hiện tại, chị mới chỉ thả nuôi khoảng 300 con giống các loại như trắm, chép. "Như mọi năm, trước Tết nhiều hộ vét ao để bán, sau Tết sẽ thả vụ mới. Nhưng đợt này, do thiếu cá giống nên phần lớn các hộ đều trong tình trạng "treo ao". Không chỉ Hải Dương, mà các tỉnh lân cận cũng trong tình trạng thiếu cá rô phi giống. Phải đến đầu hoặc giữa tháng 4 mới có cá giống cung cấp cho các hộ nuôi thủy sản", chị Hà cho biết thêm.

Hiện nay, toàn tỉnh có 11 cơ sở sản xuất cá giống và nhiều hộ nhập cá bột từ các nơi khác về ương để xuất bán, cơ bản đáp ứng nhu cầu nuôi thủy sản của người dân. Mỗi năm, các cơ sở sản xuất đã cung cấp ra thị trường hơn 2 tỷ con cá giống các loại. Tuy nhiên, đợt rét kỷ lục vào cuối tháng 1 đã làm nhiều hộ nuôi cá giống bị thiệt hại, nhất là các hộ nuôi cá rô phi, rô đồng, chim trắng... do vậy, nguồn cung cá giống bị thiếu hụt nghiêm trọng.

Thiếu vốn

Anh Phạm Giang Nam ở thôn Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) có 2 mẫu ao nuôi cá thương phẩm các loại như diêu hồng, rô phi, trắm. Trong năm 2015, trang trại của anh bị thiệt hại hơn 100 triệu đồng do cá rô phi bị bệnh chết hàng loạt và mưa lớn tràn bờ làm lượng lớn cá bị thất thoát. Để có vốn đầu tư vụ mới, anh đã phải vay gần 100 triệu đồng của ngân hàng. Đầu năm 2016, trận rét kỷ lục đã làm gần 7 tạ cá thương phẩm sắp cho thu hoạch của anh bị chết hết, thiệt hại gần 200 triệu đồng. "Cứ nghĩ vụ cá này sẽ cho thu hoạch lớn, ai ngờ cá chết gần hết. Lượng cá còn lại trong ao chả thấm tháp gì so với số nợ ngân hàng. 2 mẫu ao cá thương phẩm nuôi dồn lại còn chưa đủ số lượng nuôi của một ao. Nợ cũ còn chưa kịp trả tôi đã phải nghĩ cách xoay xở để có thêm vốn sản xuất", anh Nam nói. Anh Nam cũng như nhiều hộ khác đang bơm vét ao để thu nốt số cá thương phẩm còn lại mong gỡ lại được chút vốn để trả nợ ngân hàng khi kỳ hạn sắp đến.

HTX Thủy sản sạch, chất lượng cao Xuân Nẻo có hơn 50 ha với 45 hộ thành viên thì có tới gần một nửa số hộ rơi vào tình cảnh thiếu vốn. Trận rét kỷ lục vừa qua đã khiến hơn 10 tấn cá thương phẩm sắp cho thu hoạch và cá giống bị chết, ước tính thiệt hại 3 tỷ đồng. Ông Phạm Quang Phục, Giám đốc HTX Thủy sản sạch, chất lượng cao Xuân Nẻo cho biết: "Từ năm 2015 đến nay, những hộ nuôi thủy sản của HTX liên tục bị thiệt hại do thiên tai và dịch bệnh. Hiện tại, nhiều hộ bỏ trống ao vì không đủ vốn để đầu tư vụ mới. HTX cũng gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn và con giống. Đến cuối tháng 3, HTX mới tiếp tục nhập cá hương giống các loại về ương và cung cấp cá giống cho các thành viên".

Hơn một tháng nay, 1,5 mẫu ao nuôi tôm càng xanh của ông Nguyễn Tiến Dũng ở thôn Trung Tuyến, xã Bình Dân (Kim Thành) vẫn chưa thể nuôi vụ mới do thiếu vốn đầu tư. Đầu năm 2016, khi đang thu hoạch vụ tôm càng xanh thì trận rét đậm, rét hại tràn về đã khiến toàn bộ số tôm trong ao bị chết, thiệt hại gần 50 triệu đồng. Tôm chết hết trong khi vốn đầu tư chưa thu hồi được nên ông chưa dám vay thêm vốn để tiếp tục đầu tư. Theo ông Dũng, đây không phải là vụ đầu tiên tôm càng xanh bị chết rét. Hơn 10 năm nuôi tôm, đã 3 lần ông chịu cảnh trắng tay. "Tôi đang tính bỏ nuôi tôm càng xanh để mở rộng diện tích nuôi cá trình, vì loại này chịu rét tốt, giá thành cao. Tuy nhiên, chi phí đầu tư nuôi loại này tốn kém nên tôi vẫn chưa dám nuôi nhiều", ông Dũng cho biết thêm.

Theo Chi cục Thủy sản, đợt rét đậm, rét hại cuối tháng 1 đã khiến thủy sản nuôi ở 179 ha bị chết, ước tính thiệt hại hơn 30 tỷ đồng. Thủy sản bị chết rét chủ yếu là tôm càng xanh, cá rô phi, rô đồng, chim trắng, diêu hồng... Chi cục Thủy sản đã làm thủ tục đề nghị UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ người nuôi thủy sản bị thiệt hại, tuy nhiên đến nay các hộ nuôi thủy sản vẫn chưa được hỗ trợ gì. Mới đây Chi cục Thủy sản có văn bản hướng dẫn các hộ nuôi thủy sản các biện pháp khắc phục thiệt hại sau rét hại, phòng dịch bệnh và nhập giống cá rô phi, rô đồng về ương. Theo đó, giữa tháng 3 thời tiết ấm dần, các hộ nuôi cần cho cá ăn các loại cám chất lượng cao vừa đủ, hạn chế lượng thức ăn dư thừa để phòng tránh dịch bệnh cho cá. Sang tháng 4, nhiệt độ trên 23 độ C thuận lợi cho ương san các loại cá bột, cá hương, cá giống và thả cá giống để nuôi thương phẩm. Các hộ nên tranh thủ nhập cá rô phi đơn tính 21 ngày tuổi, cá rô đồng bột về ương sau 3 - 4 tuần thành cá giống cung cấp cho thị trường.

TRẦN HIỀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người nuôi thủy sản lại gặp khó