Người nuôi lợn thêm khó

10/05/2019 09:47

Nhiều hộ chăn nuôi có lợn phải tiêu hủy vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ. Việc chậm hỗ trợ càng làm cho các hộ chăn nuôi khó khăn hơn.


Nhiều hộ chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước

Người dân mong ngóng

Chị Trương Thị Nguyệt ở thôn Khuê Liễu, xã Tân Hưng là hộ đầu tiên ở TP Hải Dương có lợn phải tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Đầu tháng 4 vừa qua, lực lượng chức năng của thành phố đã tiêu hủy toàn bộ đàn lợn của chị Nguyệt gồm 10 con lợn nái, 60 con lợn choai và 50 con lợn con, tổng trọng lượng khoảng 4 tấn. "Biết Nhà nước có chủ trương hỗ trợ những người chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh DTLCP nên chúng tôi rất mong ngóng. Nhưng hơn 1 tháng nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ. Toàn bộ vốn liếng của vợ chồng tôi đều đầu tư vào trang trại nên tôi mong sớm nhận được tiền hỗ trợ để đầu tư sửa sang trang trại, chuyển sang nuôi con khác", chị Nguyệt nói.

Ông Nguyễn Sỹ Cừ ở thôn Mạn Đê, xã Nam Trung cũng là một trong những hộ đầu tiên ở huyện Nam Sách có lợn phải tiêu hủy do bệnh DTLCP. Toàn bộ 17 con lợn nái đang trong thời kỳ khai thác bị tiêu hủy làm cho ông chịu thiệt hại ước tính hơn 200 triệu đồng. Ông Cừ thắc mắc: "Nhiều hộ có lợn phải tiêu hủy do bệnh DTLCP ở huyện khác đã nhận được tiền hỗ trợ nhưng không hiểu vì sao chúng tôi vẫn chưa nhận được. Nếu nhận được tiền hỗ trợ, tôi sẽ chuyển sang nuôi gà hoặc vịt. Không có tiền nên tôi đành phải để chuồng trại trống không".

Mong sớm nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước là tâm lý chung của tất cả các hộ có lợn đã bị tiêu hủy. Nếu việc hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại chậm trễ kéo dài nhiều khả năng sẽ xảy ra tình trạng giấu dịch, bán chạy lợn bệnh, làm cho dịch bệnh càng diễn biến phức tạp và khó kiểm soát hơn.

Nhiều vướng mắc

Hải Dương xuất hiện bệnh DTLCP từ ngày 1.3 ở xã Hiến Thành (Kinh Môn). Đến nay, dịch bệnh đã lan rộng ra hơn 250 xã, phường, thị trấn. Lực lượng chức năng đã tiêu hủy hơn 9.000 tấn lợn, thiệt hại ước tính lên đến hơn 300 tỷ đồng. Để giảm thiệt hại cho người chăn nuôi, ngay từ khi dịch xuất hiện, UBND tỉnh đã quyết định hỗ trợ tiền cho các hộ có lợn bị tiêu hủy do bệnh DTLCP. Đến nay, UBND tỉnh đã 3 lần điều chỉnh mức hỗ trợ cho phù hợp với giá thị trường. Cụ thể, từ ngày 1 - 23.3, các hộ được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ là 38.000 đồng/kg lợn hơi. Từ ngày 23.3, UBND tỉnh hỗ trợ 32.000 đồng/kg với lợn con, lợn thịt; 52.000 đồng/kg đối với lợn nái, lợn đực giống. Mới đây nhất, ngày 6.5, UBND tỉnh tiếp tục giảm mức hỗ trợ. Đối với lợn con, lợn thịt hỗ trợ 29.000 đồng/kg; lợn nái, lợn đực giống đang khai thác được hỗ trợ 45.000 đồng/kg. Nguồn kinh phí hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại được trích từ nguồn ngân sách dự phòng cấp huyện. Nếu kinh phí hỗ trợ lớn, các huyện, thành phố đề nghị tỉnh hỗ trợ.

Mặc dù vậy, hiện hầu hết các địa phương đều gặp rất nhiều khó khăn trong thực hiện hỗ trợ người dân. Đến nay, mới chỉ có huyện Kinh Môn hỗ trợ được 3 lần cho người dân với số tiền gần 2 tỷ đồng. Một số huyện như Thanh Miện, Gia Lộc, Ninh Giang... cũng mới hỗ trợ được cho số ít hộ bị thiệt hại.

 Mặc dù nguồn ngân sách dự phòng của huyện cho việc hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi đã sẵn sàng nhưng hiện nay huyện Thanh Miện gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục. Theo quy định, để được hỗ trợ, trong hồ sơ tiêu hủy lợn phải có đầy đủ chữ ký của các thành phần ở huyện và xã theo quy định nhưng do nhiều lý do nên trong đoàn đi tiêu hủy ở một số xã của huyện không đầy đủ. Hiện nay, một số xã mới đang hoàn thiện các thủ tục để thực hiện hỗ trợ cho người dân. Ông Vũ Khắc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thanh Miện cho biết: "Thời gian qua, bệnh DTLCP bùng phát và lan rộng tại các xã, thị trấn trong huyện. Tất cả cán bộ, nhân viên của trung tâm và một số phòng, ban trong huyện đều tập trung cho công tác tiêu hủy, dập dịch nên chưa có thời gian để tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ cho người dân. Vì thế, huyện chưa thực hiện được việc hỗ trợ".

Nhiều địa phương thì gặp khó khăn do ngân sách dự phòng đã hết, không có kinh phí. "Ngân sách dự phòng của huyện chỉ còn 1,6 tỷ đồng, trong khi huyện đã sử dụng số tiền này để mua vật tư, phương tiện phòng chống dịch nên hiện không còn để hỗ trợ cho người dân. Chúng tôi cũng đang hoàn thiện hồ sơ và đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ", ông Vương Đức Dũng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Giàng cho biết.

Dịch bệnh xảy ra, thiệt hại lớn nhất thuộc về người chăn nuôi. Chính vì thế, để người chăn nuôi giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống, sản xuất, các huyện, thành phố cần nhanh chóng hoàn thiện thủ tục hỗ trợ cho người  dân. Đây là nguồn lực rất quan trọng để các hộ có vốn tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi hoặc chuyển sang các ngành, nghề khác.

    PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người nuôi lợn thêm khó