Người nuôi cá ở Lê Lợi gặp khó

10/03/2017 06:15

Vườn cây ăn quả rộng hơn 2.000 m2 của gia đình ông Đặng Văn Ngứng nằm giữa vùng nuôi thủy sản của thôn Bùi Thượng, xã Lê Lợi (Gia Lộc).



Mỗi vụ gia đình bà Phạm Thị Lược ở thôn Bùi Thượng phải bỏ ra từ 12-13 triệu đồng
 để xử lý môi trường nước cho gần 3.000 m2 ao nuôi cá


Trước đây, trên diện tích này ông đào ao nuôi các loại cá như trắm, trôi, chép... để tận dụng cỏ, thức ăn thừa. Mỗi vụ cá ông thu lãi 20-30 triệu đồng. Tuy nhiên, nguồn nước nuôi thủy sản ngày càng bị ô nhiễm nên 3 năm nay ông Ngứng đã bỏ ao. Ông kể: "Mỗi lần bơm nước vào ao, cá lại chết rải rác. Tôi phải sử dụng nhiều loại thuốc để khử độc môi trường nước trong ao, từ rắc vôi bột đến các loại chế phẩm. Mỗi vụ cũng mất ngót chục triệu tiền mua chế phẩm mà cá vẫn chết". Nếu cứ nuôi cá thì sẽ lỗ mà bỏ ao thì lãng phí nên ông Ngứng quyết định lấp ao để trồng cây. Do chưa cải tạo được đất nên trước mắt ông trồng chuối và trồng thử nghiệm một số loại cây khác như nhãn, bưởi... Mỗi năm ông thu lãi 20 triệu đồng từ trồng chuối.

Không rơi vào tình cảnh phải lấp ao như ông Ngứng, nhưng ông Nguyễn Văn Tuyên ở thôn Già cũng lao đao vì nuôi cá. Gia đình ông có 1 ao nuôi cá giống và 1 ao nuôi cá thịt. Trước kia, sau khi trừ chi phí, mỗi vụ ông thu lãi từ 35-40 triệu đồng. Nhưng thời gian gần đây nuôi cá không còn hiệu quả như trước. Nguồn nước bơm vào ao nuôi thường xuyên có màu đen và bốc mùi hôi, cá bị chết nhiều. "Để nuôi được 1 vụ cá, tôi phải thêm nhiều khoản chi phí mà giá cá ngày càng thấp. Hiện cá trắm loại 2 kg trở lên mới bán được khoảng 45.000-46.000 đồng/kg, giảm khoảng 5.000 đồng so với trước Tết Nguyên đán, cá loại nhỏ thương lái không thu mua", ông Tuyên nói.

Xã Lê Lợi có 110 ha nuôi thủy sản, trong đó có 80 ha ao cá chuyển đổi từ vùng cấy lúa không hiệu quả sang ở các thôn Bùi Thượng, Bùi Hạ... Các vùng nuôi thủy sản đều gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng như chưa có đường giao thông, đường điện và nguồn nước nuôi cá bị ô nhiễm.

Ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Nguồn nước nuôi thủy sản được lấy từ sông Đĩnh Đào và kênh Thạch Khôi - Đoàn Thượng thường xuyên bị ô nhiễm. Người dân đã nhiều lần kiến nghị với xã, nhưng xã cũng chỉ biết kiến nghị lên UBND huyện. Bên cạnh đó, giá bán cá ngày càng thấp trong khi chi phí đầu tư cho 1 vụ cá lại tăng nhiều so với trước nên người dân càng không mặn mà nuôi. Trước đây, các hộ nuôi cá lãi 80 triệu đồng/ha, nhưng hiện các chi phí đầu tư tăng nên chỉ lấy công làm lãi. Mấy năm gần đây, một số hộ đã bỏ hoặc lấp ao để chuyển sang trồng cây ăn quả. Hiện xã cũng chưa có cơ chế nào để hỗ trợ các hộ nuôi thủy sản.

TRẦN HIỀN


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người nuôi cá ở Lê Lợi gặp khó