Từ nhỏ Ngoan đã mồ côi mẹ nên lúc nào nó cũng mặc cảm vì thiệt thòi, vì thiếu thốn tình cảm.
Mặc dù bao nhiêu yêu thương, ông bà nội ngoại, cô dì chú bác, các thầy cô giáo và đặc biệt là bố Ngoan đều dành hết cho nó nhưng nó vẫn không lấp đầy được khoảng trống thiếu vắng mẹ. Ai cũng động viên bố Ngoan đi bước nữa nhưng bố nó cứ sống cảnh “gà trống nuôi con” gần chục năm trời.
Khi Ngoan bước vào cấp hai bố nó mới đồng ý đi bước nữa với một người phụ nữ cùng cơ quan. Họ hàng và đồng nghiệp ra sức vun vào. Riêng Ngoan thì không đồng ý vì nó nghĩ bố là của riêng nó mà thôi. Cô Vân thì nó còn lạ gì. Cô ấy có một đời chồng rồi nhưng nó nghe lỏm được rằng hình như cô Vân không đẻ được nên viết đơn xin ly dị để chồng cô ấy có cơ hội tìm hạnh phúc mới và có con để nối dõi tông đường. Thỉnh thoảng sinh nhật nó cô ấy vẫn mua quà đến tặng. Cô lúi húi vào bếp nấu cơm cho hai bố con nó ăn. Ngoan thích ăn cơm cô Vân nấu hơn là cơm bố nấu bởi cô nấu món nào cũng ngon còn bố thì chỉ “chém to kho mặn” thôi. Nhưng cứ nghĩ đến cảnh bây giờ cô ấy làm vợ bố, về sống chung một nhà với bố con nó thì Ngoan không thể nào chịu được. Rồi cô Vân sẽ đẻ em bé, biết đâu đấy, tự dưng nó sẽ bị ra rìa. Vì những lý do ấy nên Ngoan phản ứng ra mặt. Nó “biểu tình” bằng cách tuyệt thực một ngày. Đến khi bà ngoại nó khuyên nhủ đủ điều, nó mới chịu ăn uống trở lại nhưng trong lòng vẫn còn hậm hực. Nó bảo bà ngoại: “Thế thì con chỉ gọi cô Vân bằng dì thôi. Mẹ con mất rồi, con chỉ có một người mẹ duy nhất. Bà chả bảo mấy đời bánh đúc có xương đấy thôi…”. Bà ôm nó vào lòng, cố giấu giọt nước mắt vào trong: “Ừ! Ngày xưa thôi, bây giờ khác rồi. Bà tin cô Vân là người tốt”.
Từ ngày có cô Vân về sống chung nhà, Ngoan được cô chăm chút từng tí một. Bước vào giai đoạn chuyển biến tâm sinh lý, có lúc Ngoan sợ phát khóc, không dám nói với bố. May mà cô Vân hiểu hết những điều tế nhị, khó nói của nó nên cô bảo ban rất kỹ càng, lại mua cả sách cho nó đọc khiến nó tự tin để vượt qua. Nhưng trong suy nghĩ và cả thái độ, nhiều khi Ngoan coi cô Vân như “Ô sin” trong nhà. Mọi việc Ngoan không hề mó tay mà để cô Vân làm hết: từ quét dọn nhà cửa đến giặt giũ và nấu cơm, rửa bát… Có đôi lần bố nhắc nhở Ngoan phải giúp mẹ việc nhà thì nó nguây nguẩy giận dỗi. Hằng tháng cô Vân còn phải góp lương để chi tiêu cho gia đình rồi đối nội đối ngoại, hàng trăm khoản không tên. Ông bà nội ngoại ai cũng khen cô Vân chu đáo. Ngoan phấp phỏng chờ đợi em bé ra đời nhưng một năm, hai năm, rồi năm năm mà cô Vân vẫn thế nên trong bụng Ngoan đã từng mừng thầm.
Từ ngày có cô Vân, dịp nghỉ hè nào Ngoan cũng được đi nghỉ mát ở biển. Trước kia mỗi lần bố đi du lịch cùng cơ quan toàn gửi Ngoan cho ông bà ngoại trông giúp. Không có cô Vân, mỗi lần Ngoan ốm bố chỉ ép uống thuốc đắng ngắt và nhờ bác sĩ tiêm vào bắp tay đau buốt. Nhưng từ khi có cô Vân, hễ Ngoan ốm là cô đánh cảm, nấu cháo thật ngon. Nhiều hôm thức khuya học bài Ngoan lại được cô Vân chăm chút, tẩm bổ. Vậy mà Ngoan vẫn cứ một điều “dì”, hai điều “dì” chứ nhất định không chịu gọi cô Vân là mẹ. Ngoan biết cô buồn nhưng Ngoan vẫn mặc kệ.
Đùng một cái, bố gọi điện về thông báo: “Mẹ Vân của con bị tai nạn giao thông, đang cấp cứu ở trong bệnh viện”, Ngoan chết điếng cả người. Vừa đạp xe vào viện, Ngoan vừa cầu trời khấn Phật cho “mẹ Vân” tai qua nạn khỏi. Hàng tiếng đồng hồ Ngoan và bố đi đi lại lại trước cửa phòng cấp cứu, trong lòng nóng như lửa đốt. Đến khi bác sĩ thông báo: “Bệnh nhân đã tỉnh rồi!”, Ngoan mới thở phào nhẹ nhõm. Chạy ào vào phòng, Ngoan ôm chặt cô Vân, nức nở: “Mẹ! Mẹ ơi! Con xin lỗi mẹ!”. Nhìn cảnh ấy bố Ngoan mỉm cười, còn cô Vân cười mà hai hàng nước mắt chảy dài. Dù trong người vẫn đau ê ẩm nhưng bây giờ cô Vân mới cảm nhận được niềm hạnh phúc thực sự của người mẹ.
TRẦN THỊ LÀNH