Nghỉ hưu, ông về với làng. Khác với nhiều người chọn làm kinh tế, ông đem sức còn lại để viết sách, lưu giữ lịch sử văn hóa làng.
Đại tá Trịnh Quang Lạc, thôn Nhân Lư, xã Cẩm Chế (Thanh Hà) đã dày công sưu tầm để viết về văn hóa làng
Ông là đại tá cựu chiến binh Trịnh Quang Lạc ở thôn Nhân Lư, xã Cẩm Chế (Thanh Hà). Ông đã tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nghỉ hưu, ông về với làng. Khác với nhiều người chọn làm kinh tế, ông đem sức còn lại để viết sách, lưu giữ lịch sử văn hóa làng.
Sinh ra từ làngỞ tuổi 84 nhưng ông vẫn còn hăng hái lắm. Làng xã có việc lớn nhỏ gì là ông có mặt. Ông bảo, ông sinh ra từ làng, dù có đi đâu, làm gì rồi sẽ về lại với làng. Ông đã đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ nên hiểu rõ cái giá trị của làng quê với cuộc sống sinh hoạt văn hóa ấm áp tình làng, nghĩa xóm, tình người.
Năm 1946, ông tham gia Việt Minh rồi vào bộ đội. Các chiến dịch chống càn của giặc Pháp ở vùng Thanh Hà, Tứ Kỳ với những trận chiến oanh liệt đều có công của ông. Phục vụ trong quân ngũ suốt thời gian chống Mỹ, ông tham gia chiến dịch Ðắc Tô, Tân Cảnh và dọc vùng Tây Nguyên. Mấy lần bị thương phải điều trị ở các binh trạm nhưng ông vẫn hướng ra mặt trận. Năm 1975, ông hòa vào đội ngũ hùng binh xốc tới giải phóng Sài Gòn, cùng dòng người đón chào ngày thống nhất đất nước.
Năm 1992, ông về hưu từ một hiệu trưởng trường quân đội. Ông về với làng đúng như mong ước của mình.
Ngôi nhà nhỏ ở giữa làng Nhân Lư nơi ông đã sinh ra, lớn lên và cũng từ nơi này, ông ra mặt trận và rồi lại từ mặt trận trở về. Ngôi nhà ấy giờ hai vợ chồng già sống hạnh phúc với nhau cuối đời. Từ ngày về nghỉ, khác với nhiều người chọn việc làm giàu kinh tế, ông chọn cho mình đam mê làm giàu bằng kiến thức tìm hiểu cội nguồn văn hóa của làng. Ông nói: "Có dân mới có làng. Làng quần tụ nên từ xóm. Xóm làng thiêng liêng hình thành nên đơn vị hành chính xã. Mình sinh ra từ làng, vì vậy hãy trân trọng những giá trị của làng". Say sưa với công việc, ông đạp xe đi khắp các ngõ ngách của làng. Làng có việc, ông cùng với bà con khi thì lên kế hoạch xây dựng nhà văn hóa thôn, khi thì đề xuất vấn đề xây di tích, làm đường, cất chợ. Làng xã có việc lớn, thế nào cũng mời ông đóng góp ý kiến tham gia. Biết đến đâu, "tâu" đến đấy, nhưng đều là ý kiến xây dựng. Chẳng hạn như kế hoạch xây dựng trường chuẩn, xây dựng nông thôn mới, ngày hội đoàn kết toàn dân, đón danh hiệu đơn vị Anh hùng... Là người chứng kiến các giai đoạn lịch sử lại có kiến thức nên ông còn tích cực đóng góp vào các cuốn lịch sử Ðảng bộ xã, Ðảng bộ huyện và lịch sử lực lượng vũ trang của tỉnh.
Lưu giữ văn hóa làngLàng là nơi cha mẹ sinh ta. Làng ngàn đời thấm vào đất, vào cỏ cây và làng có tâm hồn. Lưu giữ những giá trị văn hóa của làng là lưu giữ lịch sử. Ghi chép để viết về làng là giữ hồn cốt cho làng. Ông Lạc nghĩ vậy và dành cả cuộc đời còn lại để sưu tầm và viết về làng. Hỏi đến ông Lạc, cả làng từ già đến trẻ đều biết ông làm công tác văn hóa hơn là một đại tá cựu chiến binh. Ông đã bỏ nhiều thời gian sưu tầm về làng và viết lịch sử văn hóa làng. Cuốn sách "Nhân Lư những nét xưa" dày hơn 400 trang do Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc xuất bản năm 2015 như một món quà tặng cho làng. Cuốn sách đề cập đến mọi khía cạnh của đời sống vật chất và tinh thần của làng được hình thành qua các giai đoạn lịch sử. Nó phong phú hấp dẫn và đã khái quát được tính chân thực hồn cốt văn hóa lịch sử làng, hồn cốt Việt.
Nhân Lư là vùng đất lịch sử, hình thành từ miền phù sa phía bắc dòng sông Hương (Thanh Hà). Vùng đất ấy hình thành nên xóm nên làng. Nơi ấy có ruộng có vườn, đường sá, sông ngòi, ao chuôm, giếng nước, cầu ao, giống như bao làng quê khác, nhưng lại đậm nét văn hóa cộng đồng của một làng đặc trưng. "Nhân Lư những nét xưa" là khắc họa trung thực nét sinh hoạt văn hóa của đất, người, ngành nghề, tổ chức xã hội, giáo dục văn hóa của một làng qua bao đời. Tên xóm, tên người, dòng họ, thủ tục, ăn mặc, cách sống, ngôn ngữ... mang đậm những nét xưa. Những người của làng và những công việc, thời gian, những mất mát và cả những ghi dấu của chiến tranh hiện lên ở cuốn sách. Ðọc, thấy ký ức tràn về đúng như tâm trạng ông đã từng chia sẻ qua vần thơ trong cuốn sách: Quê hương một chốn đi về/Nửa đời xa vắng tái tê cõi lòng/Người đi bao nỗi nhớ mong/Nhớ từng bến nước dòng sông con đò/Ðồng xanh điểm trắng cánh cò/Gốc đa vườn vải rặng dừa hàng cau.
Một rặng dừa, một ngôi miếu cổ, một nghề làm hàng xáo, con cá con cua, cái ao đình, dòng họ, những vật dụng hằng ngày rồi đến những cái tên chức sắc lý dịch ngày xưa gợi nhớ những ký ức không phai mờ cho những ai đã sống qua thời đó. Bằng cách thuật chuyện, có minh họa bằng ảnh và những bài vè của làng được lưu truyền nên cuốn sách càng hấp dẫn,thu hút được nhân dân trong làng chuyền tay nhau đọc để hiểu rõ hơn ngược dòng lịch sử ông bà tổ tiên ta sống và sinh hoạt thế nào. Cuốn sách như một bức họa lịch sử thật có ý nghĩa với làng. Còn làng thì còn nước, cuốn sách là công trình văn hóa dân gian đúng như Hội Khoa học lịch sử đã đánh giá.
Ðể lưu giữ hồn cốt văn hóa của làng, ông Lạc còn cùng với nhiều người trong xã phát động phong trào viết về làng, cùng biên soạn các tập thơ "Nhân Hòa" ca ngợi làng, ca ngợi quê hương, đất nước. Ông nhận mình là người của "thơ làng" và đọc tham luận tại các cuộc hội thảo thơ của huyện, của tỉnh chỉ nói về làng và mới đây ông cho ra mắt tập thơ mới với hơn 100 bài đậm chất làng quê đáng trân trọng.
Sinh ra từ làng, đi kháng chiến chống giặc, giữ làng giữ nước rồi lại về với làng. Cuối cuộc đời còn có những việc làm thiết thực, lưu giữ lịch sử hồn cốt văn hóa của làng. Ðiều đó thật có ý nghĩa và đáng quý ở một cựu chiến binh Trịnh Quang Lạc.
TIÊU HÀ MINH