Người lập ra Bình Hải quân thời Trần

28/04/2013 17:00

Phó đô tướng quân, Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư là một vị tướng lỗi lạc thời Trần.


Nhà sử học Phan Huy Chú, trong "Lịch triều hiến chương loại chí", xếp ông chỉ sau Trần Quốc Tuấn, Trần Nhật Duật, Phạm Ngũ Lão. Và như thế, tài năng và công trạng của ông trong mắt nhà sử học lớn Phan Huy Chú, trên cả Trần Quang Khải, Trần Bình Trọng và các danh tướng con của Hưng Đạo Đại Vương, mà tiêu biểu là Trần Quốc Nghiễn và Trần Quốc Tảng.

Ông tham gia cả 3 cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, trong đó việc đánh chìm 17 vạn thạch lương của Trương Văn Hổ trên vùng biển Vân Đồn - Cửa Lục (ở vùng sông Mang, không phải ở Bãi Cháy bây giờ như nhiều người lầm tưởng) vào ngày 13-2-1288 là chiến công có ý nghĩa rất lớn. Không có chiến công đó, chắc không có cuộc rút lui chiến lược của giặc Nguyên, dẫn giặc đến trận đại bại trên sông Bạch Đằng tháng 4-1288, một trong những trận hải chiến vĩ đại nhất của lịch sử quân sự thế giới.

Ông là con Thượng tướng Trần Phó Duyệt, dòng dõi Trần Thủ Độ, do có công nên được vua Trần Thái Tông nhận làm con nuôi, được phong Phiêu kỵ đại tướng quân, chức chỉ dành cho hoàng tử. Sau vì thông dâm với công chúa Thiên Thụy, chị ruột vua Nhân Tông, vợ Trần Quốc Nghiễn, con trưởng Trần Quốc Tuấn, nên bị kết án “đánh chết”, nhưng vua Nhân Tông thương tài, lại nghĩ chị ruột mình cũng hư đốn, nên dùng vàng bạc lót tay cho đội thi hành án yêu cầu chỉ đánh đau thôi. Rồi Trần Khánh Dư bị cách tất cả các chức tước, tịch thu toàn bộ gia sản, đuổi về thái ấp của cha, nay là xã Nhân Huệ (xã mang tên tước của ông),  huyện Chí Linh, Hải Dương.

Theo "Đại Việt sử ký toàn thư", tại hội nghị Bình Than năm 1282, họp ở khoảng sông làng Trần Xá, trên sông Kinh Thầy (nay thuộc huyện Nam Sách), ông chèo thuyền ngang qua, được vua Nhân Tông gọi vào, xoá tội cũ, ban cho áo ngự, cho ngồi dưới các vương, trên các công, hầu, cùng bàn việc quân. Vua Trần phong ông làm Phó Đô tướng quân (là tướng thứ 4, sau Đô nguyên soái, Phó đô nguyên soái và Đô tướng quân), được giao cho toàn quyền cai quản toàn bộ vùng Đông Bắc, như một vị Đô tướng, tính từ đảo Cát Bà đến Cẩm Phả, Vân Đồn, Móng Cái bây giờ, cho đến khi ông mất, năm 1339. Theo sách "Trần triều hiển thánh" và "Truyện cổ Nam Sách", Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng, anh vợ vua Nhân Tông, bố vợ vua Anh Tông, mất năm 1313, ở khu Vườn Vải, làng Trắc Châu, huyện Thanh Lâm, nơi đóng quân cũ, nay thuộc ngoại thành Hải Dương, trước ông 26 năm (1213-1239). Trần Khánh Dư làm quan suốt 6 đời vua: Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông, Anh Tông, Minh Tông và Hiến Tông của nhà Trần, cũng là một trường hợp rất hiếm có.

Để bảo vệ vùng đất liền ven biển và biển đảo chiến lược hiểm yếu của Tổ quốc, ngoài quân bộ (bộ binh, kỵ binh mà nay ta chưa biết là bao nhiêu), ông tổ chức một đội quân thuỷ tinh nhuệ, đặt tên là Bình Hải quân, đóng đại bản doanh ở vùng bây giờ là khu vực đảo Quan Lạn (Vân Đồn). Theo tư liệu khoa học của sách "Di tích lịch sử - văn hoá Vân Đồn", do Ban Quản lý các di tích trọng điểm Quảng Ninh và Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản năm 2010, thì đội quân thuỷ chiến mang tên Bình Hải này có 30 đô, biên chế mỗi đô 80 người lính, toàn quân có 30 chiến thuyền, mỗi thuyền có 30 lính chèo thuyền. Như vậy, ta có thể tính ra, toàn bộ đạo quân thuỷ chiến của Nhân Huệ Vương có khoảng 3.300 người. So với số dân lúc bấy giờ, số quân đó là đủ mạnh để bảo vệ cả một vùng biển đảo Đông Bắc rộng lớn.

Năm 1312, cùng với Trần Quốc Chẩn và Đoàn Nhữ Hài trên bộ, Trần Khánh Dư còn mang thuỷ quân từ Vân Đồn vào tận bờ biển phương Nam để đánh Chiêm Thành. Trong trận này, với sự phối hợp thuỷ bộ tài giỏi, vua Trần thắng lớn, bắt được vua Chiêm là Chế Chí, vì Chí phản trắc, phong cho em ruột Chí làm Á hầu để giữ nước Chiêm... Sau lại phong Hiệu Thuận Vương cho Chí để Chí triều cống.

Với chiến công đó, đạo quân Bình Hải của Nhân Huệ Vương ở Vân Đồn đã chứng tỏ được vị thế của mình trong việc bảo vệ không chỉ vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc.

TRẦN NHUẬN MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người lập ra Bình Hải quân thời Trần