Người lao động hụt hơi vì bị ép sản lượng

05/03/2017 07:04

Lợi dụng việc trả lương theo hình thức khoán sản lượng, nhiều doanh nghiệp đã nghĩ ra "chiêu" ép sản lượng để bóc lột sức làm việc của người lao động, lấy thu bù cho việc tăng lương.



 Lý do chính khiến công nhân Công ty TNHH NamYang Delta đình công vì bị ép sản lượng quá cao

Gồng mình "chạy" sản lượng

Với cách tính lương theo hình thức khoán sản phẩm, ở nhiều doanh nghiệp đang diễn ra tình trạng công nhân phải gồng mình "chạy" sản lượng để đạt đủ chỉ tiêu giao. Liên tiếp trong các ngày từ 16-27.2, trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 cuộc đình công của người lao động (NLĐ) tại các Công ty TNHH: Nam Yang Delta (khu công nghiệp Đại An, TP Hải Dương), May mặc Phú Nguyên (Thanh Miện) và Tân Long (Ninh Giang). Điều đáng nói là NLĐ ở cả 3 doanh nghiệp trên đều có chung một bức xúc là do bị ép sản lượng quá cao.

Theo phản ánh của NLĐ ở Công ty TNHH Nam Yang Delta, để đạt được sản lượng do doanh nghiệp đề ra, buổi sáng, nhiều công nhân phải đi làm sớm hơn thời gian theo quy định. Buổi trưa, mặc dù công ty cho công nhân nghỉ 1 tiếng để ăn uống, nghỉ ngơi nhưng nhiều người ăn vội vàng rồi lại vào làm ngay. Nếu không làm đủ sản lượng sẽ bị cán bộ của công ty thúc ép, cắt giảm lương và một số khoản trợ cấp trong tháng. Công nhân Công ty TNHH Tân Long cũng cho biết cách bấm thời gian khoán sản lượng theo mã hàng của doanh nghiệp không hợp lý. Nhiều công đoạn khoán quá cao khiến công nhân phải làm việc căng thẳng, nhiều lúc không đạt chỉ tiêu giao...

Ngoài "chạy" sản lượng để đạt đủ chỉ tiêu giao, ở nhiều nơi công nhân còn phải "chạy" để không phải san sẻ mã hàng cho người khác, nếu không sẽ bị ảnh hưởng đến thu nhập. Chị Phạm Thị Nhinh ở xã Tân Phong (Ninh Giang) đang làm cho một doanh nghiệp may mặc tư nhân tại TP Hải Dương. Trước đây, công ty này tính lương cho công nhân theo thời gian làm việc. 3 năm trở lại đây, công ty chuyển đổi sang hình thức khoán sản phẩm cho công nhân. Theo chị Nhinh, mỗi khi nhiều việc, công nhân muốn thu nhập cao phải ở lại làm thêm. Những công nhân tay nghề thấp nếu không muốn bị ùn hàng hoặc người khác làm mất thì phải làm đến 8-9 giờ tối.

"Lách luật"

Thực tế hiện nay việc tính lương theo khoán sản phẩm được nhiều doanh nghiệp áp dụng. Đây là hình thức có tác dụng khuyến khích NLĐ nâng cao năng suất lao động, góp phần tăng sản phẩm. Như vậy, về thực chất việc trả lương theo hình thức khoán sản phẩm là hoàn toàn phù hợp và có tác dụng thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho NLĐ. Tuy nhiên, cách tính này cần phù hợp để không quá sức công nhân.

Theo một cán bộ công đoàn ngành công thương, việc trả lương theo hình thức khoán sản phẩm của một số doanh nghiệp còn bất cập. Khi tính thời gian hoàn thành sản phẩm, hầu hết các doanh nghiệp lại thực nghiệm trên tổ sản xuất mẫu. Những công nhân ở tổ này đều là những người có tay nghề. Vì vậy, họ sẽ thực hiện các thao tác nhanh hơn công nhân ở các tổ sản xuất bình thường. Do đó, khi áp dụng mức thời gian do tổ mẫu hoàn thành đối với toàn thể công nhân sẽ không hợp lý.

Tăng lương tối thiểu vùng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải chi thêm tiền trả cho NLĐ. Để bảo toàn lợi nhuận, doanh nghiệp đã nghĩ ra cách tăng khối lượng sản phẩm, buộc NLĐ phải làm thêm. Như vậy, danh nghĩa NLĐ được tăng lương nhưng thực tế đây là số tiền do NLĐ làm tăng sản phẩm tạo ra.

Trong trường hợp doanh nghiệp trả tiền đối với từng sản phẩm như chị Nhinh kể trên thì khi NLĐ chấp nhận làm thêm mang đến cho doanh nghiệp nhiều lợi nhuận. Do tiền trả lương cho NLĐ chỉ tính trên số lượng sản phẩm nên dù NLĐ có làm nhiều, nhất là làm vào thời gian ngoài giờ, doanh nghiệp cũng không phải trả tiền chênh lệch làm thêm theo quy định. Khi cơ quan chức năng kiểm tra, doanh nghiệp cũng không bị vi phạm mặc dù có thể NLĐ đã làm thêm quá giờ quy định. Công nhân càng làm nhiều, doanh nghiệp càng hạn chế việc tuyển công nhân mới và sẽ giảm chi phí đóng bảo hiểm xã hội… Lợi dụng việc trả lương theo hình thức khoán sản phẩm, không ít doanh nghiệp đã “lách luật” để tận dụng tối đa sức lao động của NLĐ nhằm tăng thu, giảm chi.

THANH NGA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người lao động hụt hơi vì bị ép sản lượng