Người lao động hồi hộp chờ thưởng Tết

30/12/2013 14:53

Hàng chục triệu người lao động tại các doanh nghiệp đang hồi hộp chờ thưởng tết. So với năm ngoái, một số doanh nghiệp ngành có mức thưởng khá hơn.

Ngoài mức thưởng tăng 15% so với năm ngoái, Công ty Điện Quang (TP.HCM) còn hỗ trợ 50% chi phí thuê xe cho công nhân ở xa về quê. Trong ảnh: sản xuất bóng điện tại Công ty Điện Quang - Ảnh: Đ.Dân

Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp thuộc lĩnh vực “nóng” trước đây như bất động sản, ngân hàng... vẫn khó khăn. Dấu hiệu khởi sắc nhất có lẽ thuộc về các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành dệt và điện khi lãnh đạo các đơn vị này khẳng định thưởng tết sẽ tăng 15-20%.

Tăng khoảng 20%

Ông Ngô Đức Hòa, phó tổng giám đốc Tổng công ty dệt may Thắng Lợi, cho biết số tiền thưởng cuối năm và tết của Thắng Lợi tùy theo bộ phận, nhưng bình quân 12 triệu đồng/người. So với năm ngoái, mức thưởng này tăng khoảng 20% và được công ty chuẩn bị khá sớm.

Có 1.200 công nhân, ngoài trả lương thưởng, Thắng Lợi còn thuê xe chở công nhân về quê ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung đón tết. “Riêng các công nhân quê ở miền Nam, công ty sẽ hỗ trợ tiền mua vé xe. Chúng tôi làm hết sức để công nhân có thể đón được cái tết đầy đủ, ấm cúng nhất” - ông Hòa chia sẻ.

Không sánh bằng Thắng Lợi về số lượng công nhân, nhưng ông Phùng Đình Ngọ, giám đốc Công ty may Bình Hòa -  nơi có 110 công nhân, cho biết công nhân công ty cũng được thưởng tết bằng một tháng lương, bình quân 4-4,2 triệu đồng/người.

“Không phải chật vật xoay tiền thưởng tết như mọi năm vì năm nay có đơn hàng. Mình làm nhỏ thì thưởng nhỏ, miễn sao lo đầy đủ cho công nhân là vui” - ông Ngọ nói. Ngoài phần quà cho công nhân có thành tích sản xuất tốt, ông Ngọ cũng hỗ trợ 200.000 đồng/công nhân mua vé xe về quê.

Ngành nhựa dù gặp phải khó khăn nhưng các doanh nghiệp cũng ráng giữ chân người lao động bằng các mức lương thưởng phù hợp với “sức khỏe” của doanh nghiệp. Ông Hồ Đức Lam, chủ tịch HĐQT Công ty CP nhựa Rạng Đông, cho biết đã quyết định chi mức thưởng tết cho hơn 700 công nhân, tùy theo bộ phận, nhưng bình quân 12 triệu đồng/người.

Theo ông Lam, mức thưởng bình quân này vẫn bằng năm ngoái và được chuẩn bị cách đây hai tháng. “Tôi nghĩ như vậy là phù hợp và doanh nghiệp đã nỗ lực vì kinh doanh vẫn quá khó khăn” - ông Lam chia sẻ.

Có “không khí” hơn cả là công nhân của Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang khi được thưởng hai tháng thu nhập, trung bình 13 triệu đồng/người cho tết năm nay. Ông Hồ Quỳnh Hưng, tổng giám đốc, cho biết so với năm ngoái thì mức thưởng đã tăng 15%.

“Kết quả hoạt động sản xuất năm nay rất khả quan. Công ty có lợi nhuận thì phần thưởng dành cho người lao động là hoàn toàn xứng đáng” - ông Hưng hào hứng. Không những vậy, đây là năm đầu tiên công ty hỗ trợ 50% chi phí thuê xe cho công nhân ở xa về quê.

Người lao động ở Công ty dệt may Thắng Lợi được thưởng trung bình 12 triệu đồng/người, tăng 20% so với năm ngoái - Ảnh: Thanh Đạm

Chứng khoán hồ hởi hơn

Hào hứng chia sẻ về thưởng tết năm 2014, chị Ngọc Linh, nhân viên một công ty chứng khoán có trụ sở tại Hà Nội, cho biết tết này sẽ “ấm áp” hơn. Mặc dù tiền thưởng chưa được nhận nhưng do tình hình kinh doanh năm 2013 tốt hơn năm 2012, nên công ty đã thông tin cho nhân viên sẽ được thưởng tháng lương 13 và 14.

“Tết năm trước công ty chỉ chia thưởng tháng lương thứ 13. Tết này thưởng gấp đôi. Số tháng thưởng của sếp và nhân viên bằng nhau, nhưng số tiền nhận được khác nhau tùy thuộc từng vị trí. Tính sơ bộ hai tháng thưởng, tôi sẽ nhận được 12 triệu đồng” - chị Linh cho hay.

Ông Trịnh Hoài Giang, tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán TP.HCM, cho biết phải đến giữa tháng 1-2014 HĐQT công ty mới quyết định chính thức mức thưởng tết 2014 cụ thể bao nhiêu. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh năm 2013 dự kiến tăng trưởng gần 20% so với năm trước.

“Tôi không nhớ chi tiết thưởng năm tết 2013 lắm, nhưng cũng vào khoảng 4-5 tháng lương. Năm nay nhiều khả năng thưởng tết sẽ cao hơn” - ông Giang nói.

Trong khi đó, nhiều công ty chứng khoán khác cho biết năm tài chính 2013 kết quả kinh doanh tốt hơn năm 2012 nhưng vì công ty còn có mục tiêu tăng đầu tư, muốn có “của để dành” nên mức thưởng vẫn được giữ như tết năm 2013.

Trưởng phòng môi giới thuộc chi nhánh TP.HCM của một công ty chứng khoán có tên tuổi cho biết Tết Nguyên đán tới đây sẽ nhận được tiền thưởng là một tháng lương và Tết dương lịch nhận được khoản thưởng tương đương hai tháng lương. Mức này bằng với mùa tết trước.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, tổng giám đốc Công ty CP chứng khoán SJC, cho biết vẫn chưa chốt mức thưởng tết tới đây nhưng về cơ bản sẽ giữ như tết năm trước. Năm 2013, kết quả kinh doanh của công ty có tốt hơn nhưng vẫn chưa đạt được như kế hoạch đề ra.

Ngân hàng: nửa tháng lương

Trong khi đó, Sacombank đã trả lương tháng thứ 13 cho nhân viên và tới đây sẽ thưởng kinh doanh tương đương một tháng lương.

Ông Phạm Hữu Phú, chủ tịch HĐQT Sacombank, cho biết năm nay NH vượt kế hoạch đề ra gần 2%. Do vậy trước mắt nhân viên NH sẽ có hai tháng thưởng và khoản tiền thi đua trích từ quỹ phúc lợi. Khoản thi đua này sẽ là 120% cho những đơn vị hoàn thành vượt mức kế hoạch, đơn vị không hoàn thành là 70%.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Hùng Dũng, chủ tịch HĐQT Eximbank, nói lúc này chưa thể tiết lộ gì về mức thưởng tết vì phải đến ngày 19-1 HĐQT mới họp.

Các NH cổ phần nhỏ cũng chung tình cảnh. Ông Trịnh Văn Tuấn, chủ tịch HĐQT OCB, nói sẽ liệu cơm gắp mắm và khả năng sẽ chỉ có thưởng tháng 13.

Tuy nhiên, không phải nhân viên nào cũng được nhận một tháng lương mà NH sẽ phân bố khoa học hơn, theo đó đơn vị hoàn thành chỉ tiêu mức thưởng sẽ cao hơn, ngược lại sẽ nhận thưởng ít hơn.

Với những NH mới hợp nhất, sáp nhập trong năm nay hoặc trong năm trước, mức thưởng tết dự kiến rất khác nhau. Tết năm ngoái mức thưởng của SHB sụt giảm mạnh do gánh nợ xấu từ Habubank.

Nhưng năm nay nợ xấu đã giảm xuống dưới 5% và dự kiến kết quả kinh doanh cũng đạt kế hoạch. Do vậy nơi này sẽ có lương tháng 13 và khoản thưởng khác.

“Đào đâu ra tiền để thưởng”

Lĩnh vực bất động sản cũng có một năm chật vật khi thị trường chưa khởi sắc. Một số doanh nghiệp cho biết chỉ thưởng tết tượng trưng cho nhân viên. Ông Nguyễn Văn Đực, phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, cho biết thị trường bất động sản năm 2013 tiếp tục kéo dài thêm những khó khăn từ những năm trước nên thưởng tết chắc chắn ảm đạm. “Năm nay công ty tôi chỉ có thể thưởng dưới một tháng lương, hoặc trường hợp đặc biệt mới được tối đa một tháng lương” - ông Đực nói.

Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết, nhân viên kinh doanh của một công ty bất động sản có tiếng tại TP.HCM, cho biết đến nay chỉ nghe công ty ra thông báo mức thưởng tết là 300.000 đồng đối với nhân viên làm việc dưới sáu tháng và 500.000 đồng đối với nhân viên cũ và cấp quản lý là 1.000.000 đồng. Chị Tuyết buồn nói: “Năm nay tình hình lại khó khăn hơn cả năm ngoái, thưởng tết của chúng tôi quá bèo”.

Trong khi đó, bi đát hơn cả là một số công ty thương mại, doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ còn không có thưởng. Ông T.V.D., giám đốc một công ty chuyên kinh doanh hàng nông sản trụ sở ở TP.HCM, cho biết vốn vay ngân hàng khó khăn, nông sản rớt giá cùng với nợ cũ từ năm 2012 chưa trả được tiếp tục tạo nhiều áp lực lên hoạt động kinh doanh của công ty trong năm 2013. Đến thời điểm này, phải gắng hết sức mới có thể thu xếp được tiền trả đủ 12 tháng lương cho nhân viên. Ông D. ngậm ngùi: “Đào đâu ra tiền để thưởng tết nữa. Tôi đã cố gắng hết sức. Công ty lỗ nên nhân viên cũng chia sẻ. Hi vọng sang năm 2014 sẽ thoát khỏi tình cảnh này”.


Doanh nghiệp chậm lên phương án điều chỉnh lương

Từ ngày 1-1-2014, theo nghị định 182/2013/NĐ-CP, các doanh nghiệp phải điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng cho người lao động. Theo đó, mức lương tối thiểu vùng áp dụng với doanh nghiệp như sau: vùng I là 2,7 triệu đồng/tháng, vùng II 2,4 triệu đồng/tháng, vùng III 2,1 triệu đồng/tháng và vùng IV 1,9 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương tối thiểu vùng hiện nay 250.000-350.000 đồng/tháng. TP.HCM thuộc vùng I. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp vẫn chậm trễ lên phương án điều chỉnh.

Ông Lê Anh Tuấn, phó chủ tịch công đoàn Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp (KCX-KCN) TP.HCM, cho biết hiện có 235/700 doanh nghiệp có công đoàn cơ sở tại các KCX-KCN phối hợp với người sử dụng lao động lên phương án điều chỉnh lương tối thiểu và có báo cáo bằng văn bản kế hoạch điều chỉnh.

Trao đổi về mức thưởng tết năm nay tại các doanh nghiệp trong KCX-KCN trên địa bàn TP, ông Lê Anh Tuấn cho biết năm nay do tình hình kinh tế tiếp tục khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh nên các doanh nghiệp cũng chỉ cố gắng giữ được mức thưởng tết bằng năm ngoái.

Đa số người lao động của các doanh nghiệp trong KCX-KCN ở TP.HCM được thưởng tết bình quân một tháng lương, trong đó khối đầu tư nước ngoài khoảng 4,7 triệu đồng, trong nước khoảng 3,2 triệu đồng.

Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động huyện Hóc Môn, đến ngày 18-12 mới chỉ có 83/395 công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp tư nhân có kế hoạch chi trả lương thưởng tết. Mức thưởng cao nhất tại Công ty Stada VN là 59 triệu đồng. Còn Liên đoàn Lao động Q.1 đã thống kê mức thưởng tết bình quân tại các đơn vị, doanh nghiệp từ 2,7-10,5 triệu đồng.


(Nguồn: Tuổi trẻ)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người lao động hồi hộp chờ thưởng Tết