An toàn trở về quê nhà từ vùng bất ổn Libya là cảm giác vui mừng của những lao động nhưng trước mắt họ là cả một núi khó khăn...
Từ khi từ Libya về nhà ngày 10-8, lúc nào anh Nguyễn Đăng Bảy cũng có nhiều người đến thăm hỏi, động viên
Xã Nam Hưng (Nam Sách) là địa phương có số người lao động trở về từ Libya trong dịp này đông nhất tỉnh. Họ vừa kết thúc một hành trình đầy hãi hùng, nhưng trước mắt họ có thể tiếp tục là những vất vả và bất ổn.
Thoát khỏi hiểm nguyMấy ngày gần đây, những thôn xóm yên bình của xã Nam Hưng xôn xao hẳn lên với những thông tin về tình hình bất ổn ở đất nước Libya xa xôi, nơi đang có 25 lao động của xã đã sang làm việc. Sau đó, những người lao động lần lượt trở về, xóa bớt những lo âu của người thân.
Từ khi về vào hôm 10-8, nhà anh Nguyễn Đăng Bảy hầu như lúc nào cũng có người tới thăm hỏi. Giống như những lao động Việt Nam khác ở Libya, anh Bảy đã về nhà sau khi bay từ một sân bay quân sự ở Libya, quá cảnh ở Ai Cập rồi mới về Việt Nam. Trước khi được trở về, anh đã trải qua chuỗi ngày bất an vì không biết được mọi việc trước mắt sẽ ra sao. “10 ngày trước chúng tôi được thông báo sẽ phải về nước, được nghỉ làm việc để chuẩn bị. Ai muốn đi làm tới gần ngày về cũng được, sẽ được trả thêm lương, nhưng ai cũng lo nên không có tâm trí đâu để đi làm nữa. Có 3 người đang bị mất tích do ra ngoài đi làm thêm càng khiến anh em lo lắng”, anh Bảy kể.
Ngồi trong căn nhà nhỏ bé của bố mẹ ở thôn Trần Xá, anh Vũ Văn Chinh, 22 tuổi, mới cảm thấy thật sự thoải mái. “Em mới sang Benghazi được 8 tháng nay. Còn anh trai em thì sang đó trước em 2 tháng. Từ khi mới sang đã biết là bên đó đang bất ổn. Thời gian đầu bọn em còn được đi ra ngoài mua sắm, thấy ngoài đường có nhiều súng đạn, không thấy có cảnh đánh nhau nhưng thường xuyên nghe tiếng súng. Những ngày gần đây thì công nhân không được ra ngoài nữa. Trước khi về em chỉ lo chiến tranh lan rộng, không về được”, anh Chinh nói. Trong khi con trai đang ở xa không biết khi nào sẽ trở về, mặc dù ở nhà vẫn thường xuyên liên lạc qua điện thoại nhưng bố mẹ anh vẫn đứng ngồi không yên. Chỉ khi nhìn thấy 2 con trai xuất hiện trước cửa nhà thì ông bà mới thở phào nhẹ nhõm.
Những lao động như anh Bảy và anh Chinh trở về nhanh chóng, an toàn do đều nhận được sự hỗ trợ từ phía Công ty Vinamex - đơn vị ký hợp đồng đưa lao động sang Libya làm việc và Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập. Từ sân bay Tân Sơn Nhất, mỗi người được hỗ trợ 1 triệu đồng để thuê xe về nhà.
Không phải ai cũng có niềm vui được gặp mặt người thân sớm như vậy. Ngồi trong căn nhà tạm bợ mà cũng chẳng phải nhà mình vì được dựng trên mảnh đất đấu thầu để canh tác, chị Loan, vợ anh Vũ Văn Hiệu chỉ biết cầu mong cho chồng mình sớm trở về. Trưa 12-8, anh Hiệu vẫn gọi điện về nhà cho vợ nhưng anh chưa biết chính xác ngày nào sẽ được hồi hương. Tính đến hết ngày 12-8, trong toàn tỉnh Hải Dương có ít nhất 7 lao động vẫn còn mắc kẹt tại Libya giống như anh Hiệu.
Mắc kẹt giữa nợ nầnAi tới thăm hỏi, động viên những người vừa trở về cũng có một câu an ủi, rằng “Người là quý nhất. Còn người là còn của”. Song niềm vui mừng vì thoát khỏi vùng chiến sự không xóa được hết nỗi âu lo về khối nợ nần đang chất chồng trước mắt.
Giấc mơ sửa sang căn nhà tạm bợ này của vợ chồng anh Vũ Văn Hiệu không biết bao giờ mới trở thành
hiện thực khi anh sắp trở về từ Lybia với hơn 20 triệu đồng tiền lãi còn gánh trên vai
Để sang được Libya làm công nhân xây dựng, mỗi lao động của xã Nam Hưng chi phí tổng cộng khoảng 45 triệu đồng. Những gia đình có người đi đều thuộc hoàn cảnh khó khăn nên họ đều phải vay mượn số vốn ban đầu này. Anh Nguyễn Đăng Bảy và Vũ Văn Chinh đều vay 30 triệu từ Ngân hàng Chính sách xã hội với mức lãi suất 0,65%/tháng, 15 triệu còn lại họ phải đi vay ngoài. Chinh sang làm việc được 8 tháng, mới trả được già nửa số tiền nợ đó, còn gần 20 triệu đồng chưa biết khi nào sẽ thanh toán hết vì anh không có công việc ổn định. May mắn hơn anh Chinh, anh Bảy sang làm việc được 11 tháng, đã trả xong được nợ ngân hàng nên không quá căng thẳng. Vợ chồng anh có 2 con đang đi học, cô con gái đang học năm thứ 2 một trường cao đẳng ở TP Hải Phòng. Ban đầu anh Bảy dự định đi 2 năm sẽ kiếm được một số vốn để mang về cho con lập nghiệp, nhưng nay ước mơ đó của anh đã tan thành mây khói. Gánh nặng chất trên vai người cha đó không chỉ là số tiền nợ chưa trả mà còn là mong muốn vun vén cho tương lai con cái đã phải tạm dừng.
Khó khăn nhất trong số những gia đình có người thân đi lao động ở Libya là gia đình anh Vũ Văn Hiệu. Lấy nhau hơn 10 năm họ vẫn chưa có nhà đất riêng mà ở trên mảnh đất đấu thầu của xã để sản xuất nông nghiệp. Không vay được tiền từ Ngân hàng Chính sách xã hội, toàn bộ 46 triệu đồng lo cho chồng đi xuất khẩu lao động chị Loan phải vay bên ngoài với mức lãi suất cao ngất ngưởng: 1,0% và 1,2%/tháng. Đến nay chị mới trả được 20 triệu đồng, số còn lại chưa biết làm cách nào để dứt nợ. Mỗi tháng phải trả vài triệu đồng tiền lãi là gánh nặng quá lớn cho gia đình chị.
Vòng quay luẩn quẩn
Đây không phải lần đầu tiên xã Nam Hưng có chuyến hồi hương ào ạt của những lao động xuất khẩu do bất ổn chính trị ở đất nước sở tại. Năm 2011 cũng đã có chuyến trở về như thế từ Libya, sau đó có nhiều người lại tiếp tục đi và trở về lần này. Lần đó, anh Nguyễn Đăng Bảy mới đi được 3 tháng, số tiền vay nợ để đi vẫn còn 10 triệu đồng chưa trả. Anh Vũ Văn Hiệu cũng là người đã từng sang Libya làm việc và phải về khi đất nước này rơi vào tình trạng bất ổn năm 2011, sau 6 tháng làm việc và số nợ còn tròm trèm 20 triệu đồng. Đó là chưa kể tới những người đi các nước rồi trở về lẻ tẻ vì bị lừa sang làm việc với hộ chiếu du lịch, làm những công việc không đúng như trong hợp đồng đã ký. Chính vợ anh Bảy cũng mới từ Đài Loan về như thế. Như vậy, làm một bài toán kinh tế, coi như họ đã có nhiều tháng làm việc không công mà lại gánh thêm mỗi người hàng chục triệu đồng tiền nợ.
Tại sao những con chim đã trúng tên một lần ấy vẫn chưa thấy sợ? Vũ Văn Chinh giải thích: “Trước khi đi em có hỏi người bên công ty về sự bất ổn bên ấy nhưng họ nói ngọt là không có gì phải lo lắng. Nhiều người hiện vẫn đang ở bên đó và họ bảo đảm là mọi sự sẽ an toàn”. Với người mới đi lần đầu như Chinh thì dễ tin vào lời hứa đó, nhưng với người đã từng phải về như anh Bảy, anh Hiệu thì việc lại sang Libya làm việc gần như giải pháp duy nhất họ nghĩ tới được để giải quyết đám nợ còn từ lần đi trước. Sự luẩn quẩn đó khiến họ giờ đây mắc kẹt trong nợ nần, nhưng hầu như ai cũng vẫn muốn đi lao động ở nước ngoài nếu như có cơ hội tiếp theo.
Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Nam Hưng cho biết, hầu hết các công ty tuyển dụng người đi lao động ở nước ngoài đều về làm việc trực tiếp với người dân chứ không thông qua xã. Vì vậy xã không có cơ hội để tư vấn cho bà con về việc này, chỉ hỗ trợ các thủ tục vay vốn, làm giấy tờ để họ đi được thuận lợi. Trước tình hình người lao động phải trở về từ Libya, Đảng ủy xã Nam Hưng đã họp để xem xét, rà soát những hộ khó khăn để có phương án hỗ trợ. Nhưng do ngân sách của xã còn hạn hẹp nên việc hỗ trợ về vật chất khó lòng được nhiều, chủ yếu vẫn là tạo điều kiện về chính sách vay vốn và thăm hỏi, động viên về tinh thần.
Hiện nay, người dân đi xuất khẩu lao động thường làm việc trực tiếp với công ty tuyển dụng, không nhận được sự tư vấn thông tin từ bên thứ ba nào là rất phổ biến. Điều này hàm chứa nhiều rủi ro, thứ nhất là chi phí người lao động phải nộp thường cao ít nhất gấp đôi so với mức quy định, thứ hai là người lao động dễ bị lừa sang nước ngoài làm những việc không đúng trong hợp đồng, thứ ba là gặp rủi ro giống những lao động sang Libya phải trở về. Để hạn chế tình trạng đi xuất khẩu lao động như đánh một canh bạc mà rất nhiều người “ngã về không”, các hoạt động tuyển dụng, đưa lao động sang nước ngoài cần được các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền quản lý chặt chẽ hơn nữa.
VIỆT HÒA - LÊ VINH