Người lao động bị “vắt chanh bỏ vỏ”

08/03/2017 07:08

Làm thủ tục để người lao động nghỉ hưu sớm, chỉ ký hợp đồng 2-3 năm rồi không ký tiếp... là những mánh khoé được nhiều doanh nghiệp sử dụng để loại người lao động...



Càng lớn tuổi, lao động phổ thông trong các doanh nghiệp càng dễ bị sa thải


Một số doanh nghiệp tìm cách "lách luật" trong việc thanh lý hợp đồng lao động để tận dụng tối đa sức lực của người lao động (NLĐ) và sa thải những công nhân đã lớn tuổi. Đây thực chất là kiểu "vắt chanh bỏ vỏ" đối với NLĐ.

Nhiều mánh khóe sa thải công nhân

Chỉ ký hợp đồng 2 - 3 năm rồi không tiếp tục ký nữa là mánh khóe được nhiều doanh nghiệp sử dụng để thải loại NLĐ. Làm như vậy công ty sẽ không phải trả tiền thâm niên, tăng lương cho công nhân cũ. Thay vào đó, họ tuyển lượt công nhân mới với mức lương khởi điểm thấp hơn, được lợi thêm 2-3 tháng thử việc không phải đóng bảo hiểm xã hội cho NLĐ. Về mặt lý, các công ty không vi phạm pháp luật lao động. Song cách làm này khiến NLĐ rất khó khăn khi phải kiếm việc mới, bị gián đoạn thời gian đóng các loại bảo hiểm vì không phải ai cũng tìm được việc làm ngay sau đó.

2 năm trước, anh Đinh Thế Phương ở phường Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương) vào làm việc cho một doanh nghiệp tại thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng). Sau thời gian thử việc, anh Phương được công ty ký hợp đồng lao động thời hạn 1 năm. Hết năm thứ nhất, công ty tiếp tục yêu cầu anh ký lại hợp đồng cũng với thời gian làm việc 1 năm. Vừa qua, khi bản hợp đồng lao động thứ 2 hết hiệu lực, công ty thông báo không tiếp tục ký hợp đồng lao động nữa mặc dù anh luôn hoàn thành các công việc được giao, bản thân anh cũng mong muốn được tiếp tục gắn bó với việc đang làm.

Ở một số nơi, NLĐ khi đã “hết đát” còn bị công ty tìm mọi cách thanh lý hợp đồng lao động. Chị Ngô Thị Duyến ở xã Minh Đức (Tứ Kỳ) làm việc cho một doanh nghiệp may tại địa phương. Khoảng 1 năm trước, chị Duyến đã rất bức xúc trước quyết định cho nghỉ việc của công ty. Theo chị, thấy chị và một số người khác có biểu hiện giảm sút sức lao động do tuổi tác ngày càng cao, công ty đã tìm lý do sa thải. Chị và nhiều người đã làm đơn kiến nghị, nêu rõ sẽ nhờ cơ quan chức năng can thiệp. Có thể do lo ngại, công ty đã chấp nhận ký tiếp hợp đồng lao động với chị Duyến và nhiều công nhân khác nhưng lại cố tình sắp xếp vào những vị trí việc làm với mức thu nhập thấp hơn hẳn. Điều này khiến một số người nản chí, làm được một thời gian rồi cũng phải nghỉ việc.

Làm thủ tục để NLĐ nghỉ hưu sớm cũng là một cách giúp doanh nghiệp thải loại lao động lớn tuổi. Chị Nguyễn Thị Xuyền (phường Bình Hàn, TP Hải Dương) đang làm việc cho một công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại khu công nghiệp Đại An cho biết trong năm 2016, công ty chị đã thanh lọc và cho tất cả những công nhân đã đủ 20 năm tham gia bảo hiểm xã hội về hưu. Trong đó có người mới chỉ khoảng 40 tuổi, còn sức khỏe và muốn gắn bó thêm với nghề, bởi khi nghỉ việc với đồng lương hưu ít ỏi cuộc sống của họ gặp rất nhiều khó khăn.

Theo Bảo hiểm xã hội huyện Cẩm Giàng, trên địa bàn huyện còn có tình trạng công ty ngầm thỏa thuận với nữ lao động trước khi ký hợp đồng lao động phải cam kết sẽ nghỉ việc vào thời điểm chuẩn bị sinh con. Vì “miếng cơm manh áo”, nhiều lao động nữ chấp nhận làm việc và sẵn sàng tự nguyện viết đơn nghỉ việc nên công ty không hề vi phạm pháp luật. Việc làm này giúp công ty tận dụng tối đa sức lực và không phải chịu thời gian thai sản kéo dài 6 tháng của lao động nữ.

Lỗ hổng

Cách đây 3 năm, một công ty tại khu công nghiệp Tân Trường (Cẩm Giàng) trong khoảng thời gian ngắn đã thanh lý hợp đồng lao động với hàng nghìn công nhân. Trong khi đó công ty vẫn đăng biển tuyển thêm lao động mới. Cơ quan chức năng đã phải vào cuộc kiểm tra. Công ty không vi phạm vì không ký tiếp hợp đồng với NLĐ đều trong khuôn khổ cho phép của pháp luật. Tuy nhiên, đây là dấu hiệu muốn đào thải công nhân đã qua sử dụng lâu năm của công ty, nhằm cắt giảm chi phí tiền lương theo thâm niên và mức đóng bảo hiểm xã hội ngày càng cao của NLĐ. Vì là nhóm ngành công nghệ giản đơn, làm việc theo dây chuyền không cần tay nghề nên công ty thường xuyên muốn tuyển dụng người mới để tận dụng thời gian thử việc và trả lương với mức khởi điểm thấp, nhằm giảm tối đa chi phí về nhân công. Tuy không vi phạm pháp luật nhưng công ty này cũng bị cơ quan chức năng khiển trách, yêu cầu nhận lại một số lao động có nguyện vọng và đáp ứng tốt công việc.

Một bộ phận lớn NLĐ làm việc tại các doanh nghiệp ở khu, cụm công nghiệp đã được khoảng 10 năm nay. Một số chuyên gia y tế lo ngại rằng công nhân làm việc lâu năm có nguy cơ phải đối mặt với một số căn bệnh nghề nghiệp và càng lớn tuổi càng suy giảm khả năng lao động. Đây cũng là một trong những lý do doanh nghiệp muốn sa thải NLĐ lớn tuổi. Do đó, các cơ quan chức năng cần nắm bắt, kiểm tra, từ đó có biện pháp xử lý nhằm bảo đảm quyền lợi cho NLĐ.

VIỆT THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người lao động bị “vắt chanh bỏ vỏ”