Người lao động bến phà Gùa đang "đậu" nhờ

29/06/2013 10:48

Đã gần 3 năm nay, hơn chục công nhân phà Gùa cùng nhiều trang thiết bị đang "bơ vơ" chưa biết tương lai sẽ về đâu...



Cặp phà, ca-nô đang hoen rỉ từng ngày


Sau khi dự án cầu Hợp Thanh hoàn thành vào tháng 7-2010, bến phà Gùa (phương tiện giao thông nối liền 6 xã khu Hà Đông với trung tâm huyện Thanh Hà trước đây) không còn phù hợp với thực tế phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, ngày 7-9-2010, UBND tỉnh có Quyết định 2314/QĐ-UBND cho phép giải thể bến phà Gùa.

Sau khi giải thể bến phà Gùa, huyện Thanh Hà đã làm các thủ tục cần thiết để thanh lý 2 ca-nô (HD 0175 và HD 0229), 1 phà thép 30 tấn (HD 0194) và 1 phà mi-ni (HD 0228) cùng toàn bộ nhà đất và các tài sản văn phòng khác. Đối với 40 lao động của phà Gùa thì có 7 lao động được nghỉ hưu trước tuổi và 21 người được hưởng chế độ thôi việc theo Nghị định số 132/2007/NĐ-CP ngày 8-8-2007 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế. Quyết định 2314 của UBND tỉnh nêu rõ, để lại 1 phà thép 30 tấn, ca-nô có số hiệu HD 0178 và 12 lao động để phục vụ việc xây dựng và đưa phà Giải vào hoạt động sau này. Tuy nhiên, đã 3 năm nay, do biến động về kinh tế, huyện Thanh Hà vẫn chưa có kinh phí xây dựng bến phà Giải, đã làm cho người lao động mòn mỏi chờ đợi và tài sản thì xuống cấp nghiêm trọng.

Trong quá trình chờ đợi bến phà Giải đi vào hoạt động, 12 lao động được chuyển về làm việc tại Hạt Quản lý đường bộ của huyện. Sau đó, có 2 người được chuyển chính thức về hạt, còn 10 lao động khác chỉ thuộc diện "ở nhờ". Hằng năm, tỉnh vẫn cấp kinh phí cho UBND huyện Thanh Hà để trả lương cho lực lượng này bình quân 3,4 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, do không được biên chế chính thức ở đây nên các lao động này chưa yên tâm công tác. Anh Tăng Bá Thủ, một trong 10 lao động cho biết: "Trước đây, tôi là máy trưởng. Từ khi bến phà Gùa giải thể, tôi cùng các anh em khác phải đi phát quang cây cối, khơi thông cống rãnh... theo sự hướng dẫn, phân công của Hạt Quản lý đường bộ. Nhìn chung, công việc không khó khăn, chỉ hướng dẫn qua là chúng tôi có thể làm được. Tuy nhiên, điều băn khoăn nhất của tôi hiện nay cũng như của những anh em khác là không biết đến khi nào bến phà Giải mới đi vào hoạt động. Còn nếu bến phà Giải không được thành lập thì cũng cần cho chúng tôi đi học một lớp nào đó về đường bộ để chúng tôi được biên chế về Hạt Quản lý đường bộ của huyện. Có như vậy mới bảo đảm được các chế độ của chúng tôi khi nghỉ hưu".

Hằng ngày, 10 lao động này vẫn chia thành 3 ca để trông coi cặp phà, ca-nô đang để tại bến phà Gùa. Anh Tăng Bá Thủ cho biết thêm: "Do lâu ngày không được vận hành, bảo dưỡng nên cặp phà, ca-nô đã bị xuống cấp nghiêm trọng: bình ắc-quy hỏng, máy ca-nô không nổ, phà thép hoen rỉ, nhiều chỗ đã bị thủng... Thế nhưng, chúng tôi vẫn phải trông bởi chỉ cần ngơi mắt ra một chút là kẻ gian đến lấy trộm dây xích, sắt... trên phà. Bình thường ban ngày chỉ có 1 người, nhưng ban đêm cần có 3 người. Chúng tôi đã tự bỏ tiền thuê một quán bán hàng cũ trước đây bên cạnh phà để sử dụng”.

Ngày 7-6 vừa qua, liên ngành gồm các Sở: Tài chính, Nội vụ, Giao thông vận tải và huyện Thanh Hà đã có buổi làm việc về giải quyết lao động và tài sản tại bến phà Gùa. Sau khi đã thảo luận tất cả các phương án, liên ngành và UBND huyện Thanh Hà thống nhất đề nghị tỉnh cho phép thanh lý tài sản còn lại của bến phà Gùa. Về con người, đề nghị tỉnh cho phép nâng cấp một số tuyến đường xã lên đường huyện quản lý, một số đường huyện lên đường tỉnh quản lý (cho phù hợp với số km/lao động của Hạt Quản lý đường bộ) sau đó chuyển 10 lao động đó về Hạt Quản lý đường bộ để bảo đảm quyền lợi của người lao động.

Để giải quyết triệt để những khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý tài sản và lao động sau giải thể phà Gùa, đề nghị tỉnh sớm chấp thuận các kiến nghị của liên ngành.

THỦY NGUYÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người lao động bến phà Gùa đang "đậu" nhờ