Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mới chỉ tập trung vào công việc chuyên môn hoặc sản xuất, kinh doanh, chưa quan tâm đúng mức đến đời sống tinh thần của người lao động...
Để phát triển phong trào, Công đoàn Các khu công nghiệp luôn nỗ lực duy trì giải thể thao
Hiện nay, hầu hết các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thường chỉ tập trung vào công tác chuyên môn hoặc sản xuất, kinh doanh mà ít quan tâm tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao lành mạnh, giúp người lao động nâng cao đời sống tinh thần.
Nghèo nànTheo đánh giá của Liên đoàn Lao động tỉnh, hiện nay việc đầu tư kinh phí cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tuy đã được quan tâm nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động. Một số cơ quan, doanh nghiệp thành lập được các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao nhưng hình thức, lãng phí, không phát huy hiệu quả thực sự. Các khu công nghiệp trong tỉnh đang thu hút khoảng 150 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh với hơn 74.000 công nhân, lao động nhưng chỉ có khoảng 10 đơn vị xây dựng được sân thể thao và có đến 27,3% số doanh nghiệp không tổ chức được bất kỳ một cuộc giao lưu liên hoan, hội diễn văn nghệ nào. Chị Nguyễn Thị Dung làm việc ở Công ty TNHH Samil Hà Nội được gần 3 năm nay cho biết: "Dù làm đã khá lâu nhưng tôi chưa được tham gia bất kỳ hoạt động văn nghệ, thể thao nào do công ty tổ chức. Có thời gian công ty ít việc, chúng tôi được về sớm nhưng muốn tham gia hoạt động gì đó để nâng cao đời sống tinh thần cũng khó vì công ty không có sân bãi tập, không có thư viện, về xóm trọ cũng thế".
Làm việc trong một cơ quan nhà nước nhưng chị Nguyễn Ngọc Lan (phường Bình Hàn, TP Hải Dương) cho biết các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao ở cơ quan chị cũng rất mờ nhạt. Cơ quan có bàn tập bóng bàn nhưng chỉ có mấy người biết đánh là thường xuyên chơi. Những nhân viên nữ như chị thì chẳng tham gia gì vì cả năm cơ quan chỉ giao lưu văn nghệ 1-2 lần, mà thành phần tham gia là một vài thành viên nòng cốt.
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ dành cho công nhân, lao động cần được quan tâm tổ chức thường xuyên hơn
Cần tăng cường từ cơ sởViệc tạo các sân chơi văn hóa, văn nghệ, thể thao cho người lao động không chỉ nâng cao đời sống tinh thần mà còn góp phần thúc đẩy hiệu quả công việc chuyên môn. Càng được tham gia nhiều hoạt động, người lao động càng có điều kiện hiểu biết và quan tâm đến nhau. Môi trường làm việc thân thiện, đoàn kết là yếu tố để phát huy khả năng chuyên môn. Được tạo điều kiện tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao ngoài giờ làm việc cũng giúp người lao động tránh xa tệ nạn xã hội, thêm gắn bó với nơi công tác.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) về "Xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" nhấn mạnh phải xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Năm 2014, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có Nghị quyết "Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của công nhân, lao động khu công nghiệp, khu chế xuất"... Việc nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần xây dựng các thiết chế văn hóa, quan tâm tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao từ cơ sở.
Thực hiện chủ trương này, trong năm 2014, các công đoàn cấp trên cơ sở trong tỉnh đã tổ chức được 38 cuộc liên hoan văn nghệ và giao lưu, thi đấu thể thao thu hút trên 9.668 công nhân, viên chức, lao động tham gia. Các công đoàn cơ sở trong tỉnh tổ chức 767 cuộc giao lưu văn nghệ thu hút hơn 54.000 lượt người lao động tham gia; 676 cuộc thi đấu, giao lưu thể thao thu hút hơn 67.000 lượt người. Tuy nhiên, nếu nhìn vào số lượng gần 7.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh với khoảng gần 27 vạn công nhân, lao động thì lực lượng lao động được tham gia các hoạt động trên mới chỉ như "muối bỏ bể", bởi con số trên còn tính cả người lao động thuộc các đơn vị hành chính sự nghiệp trong toàn tỉnh.
Để phong trào phát triển cả chất và lượng, yếu tố quan trọng nhất chính là các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Liên đoàn Lao động tỉnh đã đề xuất với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần có kế hoạch, đầu tư kinh phí cho các hoạt động văn nghệ, thể thao, chú trọng xây dựng các câu lạc bộ với nội quy và quy chế hoạt động rõ ràng; đầu tư kinh phí để xây dựng các thiết chế văn hóa như sân bãi luyện tập, thư viện, tủ sách... để tất cả người lao động được nâng cao sức khỏe, đời sống tinh thần. Theo ông Phạm Hồng Hải, Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp thì các doanh nghiệp cần tạo điều kiện về thời gian, kinh phí hợp lý, đa dạng hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao nhằm thu hút đông đảo người lao động. Các cơ quan chức năng cần quan tâm xây dựng nhà văn hóa tại các khu công nghiệp nhằm tạo ra nơi vui chơi tập trung cho công nhân sau giờ làm việc.
PV