Ðam mê văn nghệ, ông Bùi Bình Trọng ở thôn Ngọc Cục, xã Thúc Kháng (Bình Giang) đã góp phần làm sống lại nghệ thuật hát trống quân của quê hương từng bị mai một.
Ông Bùi Bình Trọng gõ nhịp, ngẫu hứng một đoạn trống quân
Thùng thình trống đập bờ sông
Về Ngọc Cục hỏi thăm, mấy người dân tát nước bên đường hỏi lại: “Ông Trọng trống quân” hả? Rồi họ chỉ chúng tôi đi thẳng vào trong làng, đến chợ rẽ trái là tới. Cái cách mà người dân gọi đã đủ thấy sự gắn bó của người nghệ nhân dân gian chúng tôi sắp gặp với môn nghệ thuật này.
Ông Trọng đã già, dáng người nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn. Bên ấm chè, chuyện trống quân, chuyện đời ông cứ thế tuôn trào cùng làn khói bay.
Hồi nhỏ, ông được cha mẹ cho ăn học tử tế. Học xong, ông tham gia làm thư ký đội sản xuất. Sau đó ông được điều lên đảm trách công tác tuyên truyền và văn hóa ở xã. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông đã dạy bổ túc văn hóa cho người dân 14 năm liên tục, thành lập đội văn nghệ của xã phục vụ phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”. Ông tự mày mò viết kịch bản, đạo diễn các vở diễn cho đội văn nghệ. Bao năm lăn lộn, lúc về nghỉ, ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhì.
Tâm huyết cả đời của ông là cuốn sổ chép tay những bài hát trống quân đã ố mực
Về chuyện trống quân, ông Trọng bảo: “Từ hồi còn bé, mỗi khi làng mở hội, tôi đã theo người lớn ra sông nghe hát trống quân. Vào những ngày đó, các gia đình trong làng đều cơm nước từ sớm. Buổi tối, chỉ nghe tiếng trống quân thùng thình đập ở bờ sông là cả làng kéo nhau ra đê xem hội”.
Theo ông Trọng, trống quân là môn nghệ thuật truyền thống lâu đời của làng Ngọc Cục bắt nguồn từ thời Hai Bà Trưng. Thi hát trống quân ở đây được tổ chức thành hội, mở từ mồng 10 đến 20-8 âm lịch hằng năm tại sông Cửu An giữa đội Ngọc Cục, Tào Khê với đội thôn Đào Xá, Ân Thi (Hưng Yên). Tất cả trước là một làng. “Những ngày hội, bờ sông Cửu An rất náo nhiệt. Hai bên, hàng chục đội hát trống quân kéo dài trăm mét để thi tài. Người đến xem và nghe hát chật hai bờ sông”, ông Trọng bồi hồi nhớ lại.
Để hát được trống quân phải có trống. Cách làm trống cũng rất đặc biệt. Trên một đám đất, người ta đào một hố sâu khoảng 50 - 60 cm rỗng hàm ếch, dưới đáy đổ vỏ ốc nhồi để khuyếch đại âm thanh. Trên miệng đặt một mâm gỗ bít cho thật khít, chôn hai chiếc cọc ở hai bên mâm và căng một sợi dây tết bằng lạt giang. Ở giữa sợi dây có một que gọi là quân trống, đầu dưới tì vào mặt mâm, đầu trên tì vào sợi dây. Khi hát dùng dùi gỗ gõ lên dây, quân trống sẽ đánh vào mặt trống, âm thanh truyền xuống hố và tạo nên tiếng thùng thình, cách xa hàng trăm mét vẫn nghe thấy. Hát trống quân được chia làm 4 phần: hát chào hỏi, hát gọi bạn, hát giao duyên và hát giã bạn. Khi vào cuộc chơi, hai bên dùng thơ, ca dao để vận, không dùng những lời thô tục. Sự hấp dẫn trong nghệ thuật hát trống quân chính là hát đố, thể hiện sự thông minh, uyên bác của những người tham gia. Thường thì một bên ra vế đố và bên kia phải trả lời. Nếu bên nào không kịp ứng khẩu sẽ bị thua. Trong hát trống quân phải có “người xui”, tức người tìm ra những câu đối để mách cho người hát. Cuộc hát thường bắt đầu từ chập tối cho đến quá nửa đêm thì chuyển sang hát giao duyên. Đã có nhiều cặp trai gái nên duyên vợ chồng từ những đêm hát trống quân như vậy.
Thèm tiếng hát đêm trăng
Hầu hết các thành viên trong câu lạc bộ hát trống quân thôn Ngọc Cục được ông Trọng truyền thụ di sản
Thời đi học, ông Trọng nổi tiếng hay chữ. Ông thuộc làu từ Truyện Kiều đến Tống Trân Cúc Hoa, Cung oán ngâm khúc, tục ngữ, ca dao… Tuy chưa đến tuổi được tham gia hát nhưng ông đã được kéo vào nhóm “xui hát” khiến đối thủ nhiều phen điêu đứng…
Nhưng sau Cách mạng Tháng Tám 1945, do chiến tranh liên miên, hội hát trống quân của Ngọc Cục bị gián đoạn, không còn được tổ chức. Mỗi năm, vào dịp rằm Trung thu, nhìn khúc sông Cửu An náo nhiệt năm nào im lìm, những người yêu mến hát trống quân không khỏi tiếc nuối. Thế là năm 1960, khi đảm nhiệm công tác văn hóa ở xã, ông Bùi Bình Trọng liền nghĩ ngay đến việc khôi phục lại hội hát trống quân. Ông cùng cán bộ thôn Ngọc Cục họp với các cụ cao niên trình bày ý định và kêu gọi những người biết hát giúp đỡ. Tưởng sẽ khó khăn, không ngờ già trẻ lớn bé trong làng ủng hộ nhiệt tình. Vận động xong ở thôn Ngọc Cục, ông Trọng lặn lội sang Tào Khê, Đào Xá để vận động tiếp. Có lẽ hát trống quân đã ăn sâu vào máu thịt, ám ảnh trong cả bữa ăn, giấc ngủ nên các bậc cao niên cả hai thôn này cũng hăng hái hưởng ứng. Và thế là sau hơn 10 năm gián đoạn, hội hát trống quân trên sông Cửu An xưa đã được khôi phục trong niềm vui mừng, phấn khích của người dân. Chưa hội hát trống quân năm nào mà người dân các thôn lại về xem đông đảo như lần đó.
Ông Trọng cho biết: “Lúc đó tôi chưa nghĩ đến trách nhiệm phục dựng, bảo tồn di sản của ông cha mà chỉ đơn giản nghĩ làng mình có hội hát, giờ mai một thấy thiếu vắng, tiếc nuối. Cứ mỗi rằm Trung thu, nhìn trăng sáng vằng vặc trên sông lại thèm được nghe tiếng hát xưa, bởi vậy nên tôi tìm cách khôi phục cho vui xóm, vui làng”.
Từ đó, hội trống quân được duy trì hằng năm theo đúng nghi thức truyền thống. Bản thân ông Trọng nhờ thuộc nhiều ca dao, các tác phẩm văn học, lại ứng đối nhanh nhẹn nên nổi danh cả vùng với tài nghệ hát trống quân. Ông từng nhiều lần cứu thua cho đội làng Ngọc Cục trong các hội hát có các “cây hát” tài danh từ vùng khác đến. Ông kể một kỷ niệm: Hội hát trống quân năm đó đã khá khuya, ông đang ở nhà thì thấy một cậu thanh niên tất tả chạy về nằng nặc mời ra gỡ bí vì bên Đào Xá có mấy cô gái ở Dạ Trạch xuống hát hóc búa lắm. Nhà ông cách sông chừng 600 m. Lúc đó trên đê, hội hát cắm ô để che sương. Khi ông vừa đi lên mặt đê, bên Đào Xá biết có đối thủ mới liền nổi trống hát phủ đầu: “Hỡi anh che cái ô đen/Em trông vừa lạ vừa quen dễ nhầm/Hôm qua em mất váy thâm/Hôm nay em thấy anh cầm ô đen/Anh chị hạ xuống mà xem/Ôi thôi đích thực váy em đây rồi”. Mọi người hướng vào ông. Bản thân ông cũng hơi bối rối bởi cách hát hóc búa nhưng ý nhị, kín đáo của đối phương. Ông nghĩ: "Nếu mình đáp lại sỗ sàng họ cho rằng mình cộc cằn, thô lỗ. Nhưng nếu họ đánh 3 hồi trống mà mình không hát được thì thua". Thế rồi ông bảo người trong đội đánh trống rồi gieo hát yêu cầu họ hát lại nhằm kéo dài thời gian. Ông đã tìm được lời hát đối: “Hôm qua đến nhà cô chơi/Ra về gặp đúng lúc trời nắng to/Cha cô cho mượn chiếc ô/Hôm nay may quá mượn cô cầm giùm”. Lời hát đáp lại của ông cũng hóc búa, thâm sâu không kém đã buộc đối phương phải im lặng chịu thua.
Đến hội hát năm 1994, một số thanh niên thôn Tào bơi thuyền sang bờ bên kia giao lưu cùng thanh niên Đào Xá nhưng thuyền bị lật khiến hai người chết đuối. Từ đó, hội hát trống quân không còn được tổ chức ở bờ sông Cửu An nữa mà dời về hát ở đình làng Ngọc Cục. Trống quân truyền thống cũng được thay bằng loại trống con thông thường, khiến cho lễ hội trống quân không còn náo nhiệt, vui vẻ như xưa. Những người trẻ biết hát trống quân cũng vì thế mà ít đi.
Về phần mình, ông Trọng vẫn cần mẫn làm những việc ông cho rằng mình phải làm. Ông tìm tòi để nắm vững làn điệu, cách hát, chế tác và sử dụng thành thạo nhạc cụ trống quân truyền thống. Ông còn sưu tầm các bài hát trống quân cổ từ thời các cụ chép lại vào sổ. Dựa trên các bài hát cổ, ông còn sáng tác thêm nhiều bài hát trống quân mới để phổ biến trong lễ hội, các dịp sinh hoạt văn hóa tại địa phương. Đến nay, các bài hát do ông sưu tầm và sáng tác đã lên đến 112 bài, được Bảo tàng tỉnh và Phòng Di sản (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tập hợp thành 2 cuốn.
Không chỉ sưu tầm, sáng tác các bài hát, với kiến thức sâu về hát trống quân, từ năm 2002 đến nay, ông Trọng còn trực tiếp truyền thụ cho 86 "học trò" là những người cao tuổi của 2 thôn Ngọc Cục và Tào Khê, góp phần xây dựng các câu lạc bộ hát trống quân của xã Thúc Kháng. "Học trò" của ông có người đã mất, có người hơn cả tuổi thầy nhưng vẫn tiếp nối mang nghệ thuật hát trống quân truyền thụ cho các thế hệ sau.
Đưa cho tôi xem cuốn sổ chép tay những bài hát trống quân đã ố mực, ông Trọng bảo: "Tâm huyết cả đời tôi chỉ có vậy. Nó vừa là vốn di sản của một loại hình nghệ thuật, vừa là phương tiện để truyền thụ cho học trò". Rồi ông mở sách, gõ nhịp xuống bàn ngẫu hứng: “Nghe anh chữ tốt văn hay/Em đố câu này anh giảng cho mau/Truyện Kiều anh đã thuộc làu/Đố anh tìm được một câu sáu chày?”…
Càng nghe, tôi càng cảm phục sự đắm đuối và tâm huyết với nghệ thuật ông cha của người nghệ nhân già này. Mong rằng rồi đây, trống quân ở Ngọc Cục sẽ có lại được thời hoàng kim xưa.
NGỌC HÙNG