Nhà báo Nguyễn Viết Hiện vừa cho ra mắt bạn đọc tuyển tập thơ - tản văn
"Mùa đông cho em". Cuốn sách xinh xắn, nhẹ nhàng dễ đọc dễ nhớ.<br>
Ở “Lạc lối ca dao”, Hải Đăng chọn bài thơ này làm tên sách, làm tư tưởng chủ đạo. Ông đắm đuối cùng vía hồn dân tộc. Ông đề cao chất trữ tình, chất thi sĩ trong thơ. Thơ ông không cầu kỳ ở cách nhìn, ở phát kiến, lý giải. Thơ chảy trên cái nền của bờ bến mát lành. Thơ đi từ vị ngọt của hồn mình mà cất lên thi tứ.
Viết về quê hương, về mẹ, về vợ con, về “Lục bát - Lời ru”, về chiều cuối năm, về Điện Biên, về quê hương Kinh Bắc... Những tự sự, giãi bày, sáng tạo để có được thế giới thứ hai trước thế giới hiện thực ngắm nhìn... Hải Đăng thường lấy sự bộn bề để gánh gồng, giải tỏa cái trực giác đầy nặng. Lấy thi ảnh, thi liệu để chưng cất, để bộc bạch niềm mê đắm, suy tư. Lấy cái “sự” để “sự sinh ra cảnh, cảnh sinh tình”. Tình sinh ra bao nhiêu liên tưởng khác.
Ví như: “Trập trùng núi, trập trùng mây/Tóc em hòa lẫn tóc mây bềnh bồng/…" Hoặc: "Đồng khoai tây củ hồng lên mặt luống/Vùng ngô đông bắp vàng lên sắc nắng/Bèo dâu xanh dẫn lối lúa vào đòng…”
Đấy là chút thi vị hóa, nó có từ cái đẹp của cõi hồn thi sĩ. Còn đây là chiều sâu, có từ độc thoại. Mặc dù ở “Lạc lối ca dao”, Hải Đăng luôn mải mê phác họa cái bên ngoài, cái bức tranh thế sự. Nhưng phía loang động chiều sâu đôi khi cũng lắng thấm thế này: “Câu quan họ đưa tôi về Kinh Bắc/Để một đời thổn thức nửa vầng trăng"… Hoặc: "Tóc bạc trắng quầng thâm đôi mắt/Chỉ nụ cười, trẻ hơn mười năm qua…”
Có thể thấy, ở “Lạc lối ca dao”, thơ Hải Đăng luôn chảy trên một dòng, luôn đồng hiện trên đường băng ở tuyến, chiều sẵn mở. Luôn tựa vào cái gốc của cảm xúc (cảm xúc và tự tình là cái đế nâng dậy mọi hiệu quả, hiệu ứng, nơi chân trời thơ vươn tới).
Ở “Lạc lối ca dao”, để biến đổi khác mình, để thơ kia thực sự là mình khi tuổi đời đã ở vào buổi ứ đầy những sâu xa, trải nghiệm, Hải Đăng viết nhiều, tự cắt nghĩa nhiều, cái làm cho cuộc đời ta thêm "những lần mở mắt". Hải Đăng nghĩ về biển, về rễ, về phép luân hồi, về Thị Màu, Thị Kính, về "hai phía", về "một mình"... Để rồi, ông có những câu thơ tia nắng. Thơ thắp lên cái ý thức trước khoảng tối mung lung của vô thức gọi về:
Ví như: “Tháng Ba hoa gạo đỏ làng/Cuốc kêu cuối hạ đã khan giọng tình…" Hoặc: "Hình như thăm thẳm đất dày/Nhỏ nhoi cái kiến mà lay động trời…" Hoặc: "Còn đâu chín hẹn, mười chờ/Thoắt ban mai, đã bây giờ hoàng hôn…"
Ở “Lạc lối ca dao”, dẫu người đồng hành còn muốn tìm thấy nhiều hơn nữa ở Hải Đăng, ở cái riêng, ở giọng điệu, ở cách khai thác, ở những câu thơ thật khái quát, điển hình, thật ám ảnh khi người viết đẩy về tận cùng chớp sáng...
Thơ ông thật đáng nâng niu và quý ở hồn thơ mang mạch nguồn mát tươi và loang thấm.
KIM CHUÔNG