Người khuyết tật khó có việc làm

07/10/2015 06:29

Rất nhiều người khuyết tật vẫn còn khả năng lao động nhưng dù đã nỗ lực họ vẫn không thể tìm được những công việc phù hợp để có thể tự lập trong cuộc sống.




Dù đã có nhiều chính sách quan tâm đến người khuyết tật nhưng cơ chế hỗ trợ việc làm cho họ chưa hiệu quả


Ít cơ hội

Lúc lên 2 tuổi, anh Nguyễn Văn Quân (sinh năm 1991) ở xã Đông Xuyên (Ninh Giang) đột nhiên bị sốt cao. Sau khi đến cơ sở y tế thăm khám, được chỉ định phải tiêm thuốc thì nửa trên cánh tay phải của anh cứ dần dần teo đi rồi liệt hẳn. Người bình thường đi học vất vả một thì anh Quân đi học vất vả gấp mấy lần vì anh phải tập viết bằng tay trái; đoạn đường đến lớp cũng nhọc nhằn hơn bởi sau bao lần vấp ngã anh mới có thể đi vững trên chiếc xe đạp cà tàng... Trải qua bao khó khăn như thế, tưởng như niềm vui sẽ đến khi năm 2012, anh cũng tốt nghiệp Khoa Điện dân dụng Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hải Phòng. Cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay, anh đến gõ cửa rất nhiều doanh nghiệp đăng tin tuyển dụng lao động. "Lúc đầu tôi háo hức lắm vì nghĩ mình tốt nghiệp loại khá thế nào cũng xin được việc. Mình lại là người khuyết tật nên có khi còn được ưu tiên. Vậy mà ngược lại, đi đến đâu biết tôi là người khuyết tật họ cũng lắc đầu, từ chối khéo", anh Quân buồn bã cho biết. Mất cả năm trời ròng rã đi xin việc không được, anh Quân nản lòng. Cất tấm bằng tốt nghiệp vào tủ, anh theo người quen đi làm phu hồ. Vì chỉ có thể làm được bằng tay trái nên nhiều đêm cánh tay này của anh mỏi rã rời không sao ngủ được.

Vẫn ấp ủ ước mơ được làm những công việc phù hợp với sức khỏe của mình, đầu năm 2015, theo chương trình tuyển sinh dạy nghề cho người khuyết tật (NKT) của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, anh Quân đăng ký học lớp tin học trong vòng 6 tháng. Vừa qua anh đã nhận chứng chỉ tốt nghiệp, nhờ người quen, bạn bè giới thiệu nhưng vẫn chưa có nơi nào nhận vào làm. Cuối cùng, theo sự giới thiệu của Trung tâm Bảo trợ xã hội, anh đến làm việc cho một xưởng may ở Gia Lộc. Mỗi ngày, lương của anh chỉ được vài ba chục nghìn đồng. Không đủ chi phí để anh đi lại hằng ngày nên làm được 2 ngày anh Quân đành phải xin nghỉ. Anh bảo: "Tôi lại tiếp tục hành trình xin việc của mình. Lần này nhờ một cán bộ Hội NKT tỉnh giới thiệu tôi đến xin làm phục vụ ở một quán ăn". Cũng theo anh Quân, học tin học tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh cùng với anh còn có 2 NKT khác nữa. Một người hiện vẫn ở nhà. Một người đành phải lên tận Cao Bằng làm việc cho người thân.

Ở một số chợ và khu dân cư đông đúc ở TP Hải Dương nhiều người đã quen thuộc với hình ảnh hằng ngày có một cậu thanh niên chân đi tập tễnh mời mua tăm bông và một số hàng hóa lặt vặt khác. Đó chính là anh Nguyễn Văn Hữu, 27 tuổi, quê ở Hà Tây (cũ). "Sao anh không xin vào một cơ sở sản xuất dành cho NKT mà làm, chứ đi lại thế này thì mệt lắm", chúng tôi hỏi. Được lời như cởi tấm lòng, anh Hữu trút bầu tâm sự với chúng tôi. Mấy năm trước anh đã từng học nghề mộc theo một dự án dành cho NKT. Sau khi có chứng chỉ anh nhờ một người quen ở Hải Dương xin việc, nhưng đến bất cứ đâu cũng bị từ chối. Có nơi nhận anh vào làm một thời gian ngắn rồi họ cũng tìm mọi cách cho anh nghỉ việc bởi anh không thể làm nhanh như người bình thường hay những lúc phải bưng vác nặng thì anh lại không làm được. Mãi không tìm được nơi làm ổn định, bất đắc dĩ anh đành phải đi bán hàng rong kiếm sống. Thậm chí anh còn không dám nói công việc hiện giờ mình đang làm với gia đình vì sợ mọi người lo lắng.

Cần hỗ trợ

Theo bà Nguyễn Thị Nha, cán bộ Hội NKT tỉnh, hiện nay, Hải Dương có hơn 35.000 NKT. Trong đó hơn một nửa là NKT ở trong độ tuổi lao động. Rất nhiều người vẫn có thể làm những công việc phù hợp mang lại giá trị kinh tế. Tuy nhiên, thực tế hiện nay những NKT được tạo điều kiện vào làm trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh còn rất ít. Chủ yếu NKT vẫn làm những công việc do gia đình tạo ra hoặc do sự nỗ lực của bản thân mang lại. Nguyên nhân chính là do NKT gặp rất nhiều khó khăn khi đi xin việc, kể cả khi họ đã được đào tạo một nghề. Hội NKT tỉnh đang nỗ lực giới thiệu việc làm cho một số NKT nhưng vẫn phải theo cách là đến gõ cửa từng doanh nghiệp để vận động họ nhận chứ trên thực tế không có doanh nghiệp nào đăng ký với hội tự nguyện nhận NKT vào làm.

Cơ sở sản xuất, kinh doanh dành riêng cho NKT trên địa bàn tỉnh hiện nay chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đây hầu hết là những cơ sở tư nhân có số lượng lao động chỉ khoảng vài chục người. Một chủ cơ sở dành riêng cho NKT ở Thanh Hà cho biết: "Mặc dù Nhà nước đã có một số cơ chế ưu tiên như cho vay vốn lãi suất thấp, miễn giảm thuế đối với những cơ sở mang tính đặc thù này nhưng vẫn không có nhiều người mặn mà thành lập vì nhiều lý do. Đó là vì phát triển sản xuất theo hướng này lợi nhuận thu về không nhiều; việc làm các thủ tục để hưởng chế độ ưu tiên rất cầu kỳ, tốn kém về thời gian và nhân sự...".

Hiện nay, ở Hải Dương các ngành, đoàn thể như Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội Chữ thập đỏ, Hội Phụ nữ... cũng đã quan tâm mở các chương trình đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho NKT. Tuy nhiên, số lượng người được học chưa nhiều và công tác giới thiệu việc làm cũng chưa thực sự hiệu quả. Điển hình như Dự án "Hỗ trợ hòa nhập kinh tế - xã hội và việc làm cho NKT" do Hội Chữ thập đỏ Tây Ban Nha tài trợ trong các năm 2014-2015 cũng chỉ đào tạo nghề cho 90 NKT ở 2 huyện Cẩm Giàng và Thanh Hà. Sau khi học xong chỉ có số ít NKT vào làm tại các cơ sở sản xuất được giới thiệu. Hằng năm, Trung tâm 8-3 của Hội Phụ nữ tỉnh cũng mở các lớp dạy nghề may, tin học, thủ công mỹ nghệ cho khoảng 80 NKT. Nhưng sau khi học xong chỉ có chưa đầy 50% số người làm việc theo đúng chuyên ngành đào tạo...

Điều 14, Nghị định 81 của Chính phủ có quy định các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, mọi hình thức sở hữu phải nhận một tỷ lệ lao động là NKT vào làm việc với mức từ 2-3% (tùy vào lĩnh sản xuất đã được quy định cụ thể). Doanh nghiệp nào không thực hiện sẽ phải nộp một khoản kinh phí vào quỹ hỗ trợ việc làm NKT. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, một số doanh nghiệp sẵn sàng nộp tiền chứ không nhận NKT vào làm vì lo ngại ảnh hưởng đến sản xuất.

Những NKT vốn đã chịu rất nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Vì vậy, họ rất cần sự giúp đỡ, sẻ chia của cộng đồng. Các cấp, các ngành cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực hơn nữa, cần quan tâm đến công tác hỗ trợ việc làm cho NKT. Sau khi mở ra các chương trình, dự án đào tạo nghề cho NKT thì cần đặt mục tiêu giới thiệu, hỗ trợ cho họ có việc làm ổn định để vừa không lãng phí nguồn lực đào tạo vừa thiết thực đối với NKT. Ngoài ra, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có điều kiện sản xuất, kinh doanh hãy mở lòng bằng những việc làm cụ thể như sẵn sàng nhận NKT, bố trí cho họ những công việc phù hợp để họ có điều kiện được đứng vững trên đôi chân của mình, không là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người khuyết tật khó có việc làm