Nếu các cơ quan chức năng không vào cuộc ngay từ bây giờ, thì chính các công trình công cộng lại trở thành rào cản cho NKT hòa nhập với cộng đồng.
Khảo sát tại trụ sở một số sở, ban, ngành và cơ quan hành chính cấp xã, cấp huyện, chúng tôi nhận thấy hầu hết những công trình này đều không có hoặc có rất ít các hạng mục trợ giúp người khuyết tật (NKT), khiến cho việc hòa nhập của NKT đối với xã hội khó khăn hơn.
Tiền sảnh dẫn lên nơi làm việc của Phòng Tiếp nhận và trả kết quả "một cửa" của TP Hải Dương quá cao và dốc, việc lên, xuống đối với NKT rất khó khăn. Công trình này lại không có lối đi dành riêng cho xe lăn, không có phòng vệ sinh dành cho NKT. Bàn giao dịch được bố trí quá cao, không có bàn làm việc riêng cho NKT. Cầu thang dẫn lên các tầng không có tay vịn (tòa nhà lại không có thang máy). Công viên Bạch Đằng cũng là một địa chỉ mà NKT rất khó tiếp cận. Đáng lẽ đây là nơi mà NKT chọn để dạo chơi, rèn luyện sức khỏe mỗi ngày. Tuy nhiên, những người quản lý công viên đã chặn các lối vào nhằm ngăn không cho xe máy, xe đạp đi tự do trong công viên và chặn luôn NKT. Những NKT, nhất là NKT vận động phải sử dụng xe lăn đành ngậm ngùi dạo chơi ở bên ngoài. Ngoài ra, hệ thống đường giao thông cũng gây rất nhiều cản trở cho NKT... Bác Nguyễn Văn Thắng, một NCT ở ngõ 12 phố Nhà Thờ (TP Hải Dương) cho biết: "Hệ thống đường giao thông và vỉa hè trong thành phố rất bất tiện cho NKT như chúng tôi. Mặc dù đi lại khó khăn, nhưng tôi thường xuyên phải đi xuống lòng đường do vỉa hè quá nhỏ và bị chiếm dụng hết. Muốn sang đường cũng khó, vì không có biển chỉ dẫn và nơi sang đường dành riêng cho NKT". Bác Trần Quý Ba ở thôn Tam Lương, xã Tân Tiến (Gia Lộc) bị khuyết tật vận động nên thường ngại đến các cơ quan hành chính để liên hệ công việc. Theo bác Ba, những cơ quan hành chính chưa chú ý đến việc xây dựng những hạng mục dành cho NKT. Vì vậy, mỗi khi có chuyện gì bác đều nhờ vợ hoặc con liên hệ giúp. Các máy ATM hiện đại cũng đang được lắp đặt gây khó khăn cho nhiều NKT.
Theo kỹ sư Tăng Bá Bay, Phòng Quy hoạch - Kiến trúc (Sở Xây dựng), thực trạng này phổ biến ở hầu hết các công trình công cộng và hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh. Trong "Quy chuẩn xây dựng công trình để đảm bảo người tàn tật sử dụng" do Bộ Xây dựng ban hành năm 2002 đã chỉ rõ: Công trình để bảo đảm NKT tiếp cận sử dụng là môi trường kiến trúc được tạo dựng mà NKT có thể đến và sử dụng các không gian chức năng trong công trình. Theo đó, các loại công trình như công trình y tế (gồm bệnh viện, các trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng, các cơ sở y tế khám, chữa bệnh, trung tâm điều dưỡng), trụ sở các cơ quan hành chính các cấp, các công trình giáo dục, thể thao, các công trình văn hóa, nhà ở chung cư, đường và hè phố... phải bảo đảm cho NKT sử dụng. Các công trình giao thông như các nút giao thông, lối vào và trục chính trong công viên, khu vui chơi giải trí... phải có đường dốc, biển báo, biển chỉ dẫn để NKT tiếp cận, sử dụng.
Vẫn theo kỹ sư Tăng Bá Bay, theo quy định tại các công trình công cộng, bất cứ nơi nào có bậc lên xuống hoặc cầu thang, chủ đầu tư phải xây kèm một đường dốc cho người đi xe lăn. Đường dẫn phải sử dụng vật liệu chống trượt, tấm che cống phải vuông góc với đường đi tránh kẹt bánh xe lăn hoặc lọt đầu gậy chống. Cầu thang phải có tay vịn, biển báo nơi nguy hiểm, có nơi nghỉ nếu đường dốc quá dài... Tuy nhiên, những quy định này hầu như không được các nhà thiết kế và chủ đầu tư công trình quan tâm. Chỉ tiêu của Bộ Xây dựng là đến năm 2020 các công trình như: trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước; nhà ga, bến xe, bến tàu; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề và các công trình văn hóa, thể dục, thể thao phải bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với NKT. Và đến năm 2025, tất cả các nhà chung cư, trụ sở làm việc, công trình hạ tầng kỹ thuật công cộng, công trình hạ tầng xã hội khác phải bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với NKT. Nếu các cơ quan chức năng không vào cuộc ngay từ bây giờ, thì chính các công trình công cộng lại trở thành rào cản cho NKT hòa nhập với cộng đồng.
Luật NKT năm 2010 quy định, NKT có quyền được sử dụng các công trình công cộng như những người bình thường khác một cách bình đẳng. Việc xây dựng các hạng mục dành cho NKT là trách nhiệm của xã hội, được quy định trong Luật NKT và các Quy chuẩn, Tiêu chuẩn do Bộ Xây dựng ban hành chứ không phải là sự ban ơn của xã hội với NKT. Tuy nhiên, vì nhiều lý do như sợ tốn kém hoặc nhận thức không đầy đủ, các chủ đầu tư thường bỏ qua các hạng mục này. |