Người khiếm thị học nhạc

06/08/2011 10:30

Đối với người khiếm thị, việc học nhạc gặp rất nhiều khó khăn. Song, bằng tinh thần vượt lên chính mình, các em đã tự học để sử dụng thành thạo nhiều nhạc cụ, làm đời sống tinh thần của em thêm phong phú...



   Các học viên khiếm thị say mê với các nhạc  cụ


Có mặt tại lớp học nhạc của người khiếm thị do Hội Người mù tỉnh tổ chức, chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Lớp học được chia thành hai phòng cho hai dòng nhạc chủ đạo là nhạc dân tộc và nhạc nhẹ, thanh nhạc. Phòng học nhạc dân tộc chỉ có 3 học viên, mỗi người say mê với một loại nhạc cụ phù hợp năng khiếu và sức khỏe bản thân. Anh Nguyễn Văn Liên, quê ở xã An Đức (Ninh Giang) không ngờ rằng có một ngày niềm đam mê âm nhạc của mình được chắp cánh.  Anh chia sẻ: “Tôi vốn rất thích âm nhạc, đặc biệt là dòng nhạc dân tộc, bản thân cũng từng mơ ước được học một loại nhạc cụ dân tộc nào đó nhưng không có điều kiện. Khi Hội Người mù tỉnh mở lớp học nhạc cho người khiếm thị, tôi may mắn được chọn vào học và thấy ngày càng thích thú”. Vốn có năng khiếu bẩm sinh về âm nhạc, lại được sự hướng dẫn và tư vấn của thầy giáo, anh đã chọn cây đàn nhị và gắn bó với nó từ nhiều tháng nay. Trong Liên hoan “Tiếng hát từ trái tim” toàn tỉnh lần thứ 4 được tổ chức vào cuối tháng 7 vừa  qua,  tiết mục “Ánh sáng niềm tin” do anh tự sáng tác và biểu diễn đã đoạt giải xuất sắc.

Trong phòng học nhạc nhẹ và thanh nhạc, có 9 học viên, chủ yếu còn trẻ. Em Đào Thị Thúy, 15 tuổi, thành viên nhỏ nhất lớp học cho biết: “Từ ngày học nhạc, đời sống tinh thần của em phong phú hơn hẳn. Em đã biết đến những bài nhạc quốc tế và thú vị nhất là bản thân mình có thể chơi nhạc. Em mong muốn không những hiện tại mà trong tương lai, em vẫn tiếp tục được theo học nhạc và mang âm nhạc truyền đạt cho mọi người có chung hoàn cảnh như em”.

Đối với người khiếm thị, việc học nhạc gặp không ít khó khăn. Anh Nguyễn Văn Thuận, hội viên Hội Người mù huyện Thanh Miện cho biết: “Vào lớp học, lần đầu tiên cầm cây đàn nguyệt trong tay, tôi vừa thích thú nhưng cũng vừa lo. Trước đây, tôi chưa từng học loại nhạc cụ nào, kiến thức cơ bản về âm nhạc cũng không có. Thầy giáo nhiệt tình truyền dạy, chỉ từng động tác, tôi bắt đầu quen dần. Đến giờ tôi có thể chơi được hơn chục làn điệu dân ca, nghe nhạc nhiều cũng có thể tập đàn theo được”.

Để khơi dậy niềm say mê âm nhạc và năng khiếu của các học viên không thể thiếu sự nhiệt tình và tận tâm của đội ngũ giáo viên ở đây. Nếu như việc dạy nhạc thông thường phải tuân theo những nguyên tắc như một thầy kèm một trò, không gian rộng rãi, riêng biệt, thì ở lớp học nhạc của người khiếm thị, chỉ có 3 giáo viên kèm 12 học viên. Khắc phục những khó khăn đó, các thầy cô đã hết lòng truyền niềm say mê âm nhạc đến các học viên. Thầy giáo Nguyễn Minh Sâm, một trong những người đầu tiên gắn bó với các học viên của lớp học cho biết: “Chúng tôi phải truyền dạy những kiến thức cơ bản cho các học viên, từ dòng nhạc cổ điển, nhạc nhẹ và dân ca. Dạy từng phần một, qua truyền khẩu và chỉ tay. Tôi phụ trách dạy cả dàn nhạc nhẹ và rất bất ngờ khi khả năng tiếp thu của các em không thua kém gì những em mắt sáng. Nhiều em có năng khiếu âm nhạc, nếu được tiếp tục theo học một thời gian dài thì hoàn toàn có cơ hội trở thành những nghệ sĩ chuyên nghiệp”.

Lớp học nhạc của người khiếm thị này nằm trong dự án sử dụng nhạc cụ thanh nhạc do Tổ chức Marion của Hoa Kỳ tài trợ cho tỉnh ta. Đây cũng là khóa học nhạc dành cho người khiếm thị đầu tiên có quy mô với hy vọng đặt nền tảng cho những khóa học sau này. Anh Phạm Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết: “Dự án được tài trợ trong 2 năm với việc tổ chức 2 khóa học, mỗi khóa gồm 12 người học trong 1 năm. Các học viên là những người thực sự yêu thích và có năng khiếu về âm nhạc, được tuyển chọn từ hội viên Hội Người mù các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh. Sau khi kết thúc khóa học, Tỉnh hội sẽ thành lập một đội biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp biểu diễn trong tỉnh nhằm khuyến khích tài năng âm nhạc, vừa tạo cơ hội việc làm cho các em”. Tuy vậy, để duy trì và ươm mầm những tài năng âm nhạc trong lớp học đặc biệt này, hiện Hội Người mù tỉnh cũng đang gặp phải không ít những khó khăn. Địa điểm lớp học và sinh hoạt cho học viên phải thuê ở nhà dân nên không gian học tập của các em chưa bảo đảm, đội ngũ giáo viên còn thiếu và kinh phí chi trả còn hạn hẹp...

MINH HẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người khiếm thị học nhạc