hai-duong-hieu-hoc.jpg

Hải Dương - miền đất hiếu học, nơi tinh thần ham học, trọng tri thức đã ăn sâu vào tiềm thức và trong dòng chảy lịch sử của dân tộc. Và chính truyền thống ấy sẽ mãi lưu truyền, trở thành động lực để thế hệ tương lai tiếp tục vươn cao, vươn xa, làm rạng danh quê hương, đất nước.

tit1.png
van-mieu-mao-dien(1).png
Văn miếu Mao Điền là biểu tượng rõ nét nhất của đất học xứ Đông

Trong dặm dài lịch sử, Hải Dương nổi tiếng với truyền thống hiếu học và khoa bảng khi có 486 tiến sĩ (thời phong kiến) đứng đầu cả nước. Sự học và truyền thống thi cử của vùng đất văn hiến này không những được ghi chép trong sử sách mà còn lưu lại ở nhiều di tích lịch sử tiêu biểu. Trong đó, Văn miếu Mao Điền là biểu tượng rõ nét nhất của đất học xứ Đông. Qua nhiều triều đại, nơi đây đã trở thành trường thi của cả vùng, góp phần giáo dục và đào tạo nhiều bậc hiền tài, khoa bảng xuất sắc cho đất nước.

Với truyền thống hiếu học, Hải Dương là nơi sinh dưỡng và hội tụ nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng. Những nhân vật này không chỉ làm rạng danh vùng đất xứ Đông mà còn góp phần quan trọng vào lịch sử văn hóa dân tộc. Điển hình như: Tư nghiệp Quốc Tử giám Chu Văn An, Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, Đại danh y, Thái học sinh Tuệ Tĩnh, Thần toán Việt Nam Vũ Hữu, Nhập nội Hành khiển Phạm Sư Mệnh, nữ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ... Ngoài ra, người xứ Đông còn tự hào khi có "Làng tiến sĩ Mộ Trạch" ở xã Tân Hồng (Bình Giang) hay huyện có nhiều tiến sĩ nhất cả nước - Nam Sách.

hai-duong-hieu-hoc2(1).png
Học sinh được trải nghiệm tái hiện trường thi Trạng nguyên tại Văn miếu Mao Điền (ảnh 1). Rước kiệu tại Làng tiến sĩ Mộ Trạch (ảnh 2). Tục xin chữ tại Đền Chu Văn An (ảnh 3). Lăng Quan Trạng, nơi an táng Mạc Hiển Tích, Mạc Kiến Quan và Mạc Đĩnh Chi (ảnh 4)

Theo Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Nguyễn Văn Nhang, trong bề dày lịch sử dân tộc, Hải Dương nổi tiếng là vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Ở bất cứ thời đại nào, xứ Đông đều sản sinh ra các bậc hiền tài có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Trải qua nhiều thế hệ, tinh thần hiếu học và khát vọng vươn lên vẫn luôn là niềm tự hào của con người xứ Đông. Ngày nay, tinh thần ấy vẫn còn vẹn nguyên. Bởi đây là bản sắc văn hoá, là giá trị con người Hải Dương được gìn giữ trong hàng nghìn năm qua.

TD nhang
tit2.png

Trưởng thành trong gian khó nên bà Nguyễn Thị Thanh ở thôn Kim Bảng, xã An Phú (Nam Sách) hiểu rõ tầm quan trọng của việc học tập. Bà luôn răn dạy con cháu phải siêng năng rèn luyện, cố gắng học tập để góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Tiếp nối truyền thống cha ông, cả 3 thế hệ trong gia đình bà Thanh đều gắn bó, cống hiến sức mình cho y học. Hiện bà có 2 người con trai đang giữ những chức vụ cao tại các bệnh viện lớn.

Để tạo nền tảng cho thế hệ tương lai, bà đã đề xuất lập Quỹ khuyến học ở 2 dòng họ Nguyễn Lâm Xuyên (họ ngoại) và Lê Kim Bảng (họ nội) tại xã An Phú (Nam Sách). Từ nguồn quỹ trên, mỗi năm có hàng chục học sinh được biểu dương, khen thưởng, động viên kịp thời. Hiện nay, 2 dòng họ này nổi tiếng với đức tính hiếu học, đỗ đạt cao ở địa phương.

hai-duong-hieu-hoc3(1).jpg
Con cháu dòng họ Vũ - Võ ở khắp nơi trên cả nước về dâng hương, dâng hoa tại nhà thờ tổ ở làng Mộ Trạch (ảnh 1). Ông Phạm Văn Hát ở thôn Kim Đôi, xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ) có hàng nghìn sáng chế liên quan đến nông nghiệp (ảnh 2). Bà Nguyễn Thị Thanh ở thôn Kim Bảng, xã An Phú (Nam Sách) luôn quan tâm đến việc học tập của con cháu (ảnh 3). Cụ Bùi Thị Loan (90 tuổi) ở thôn Hậu Bổng, xã Quang Đức (Gia Lộc) vẫn chăm chỉ đọc sách, nghiên cứu tài liệu (ảnh 4)

Bản thân bà Thanh ở tuổi 75 vẫn là tấm gương sáng về sự chăm chỉ học tập. Để theo kịp sự phát triển của nền y khoa hiện đại, bà không ngừng tìm tòi, học hỏi những phương pháp chữa bệnh mới. Nhờ đó, bà không chỉ giỏi về y học hiện đại mà còn rất thạo y học cổ truyền. Trong cả sự nghiệp hành nghề, bà luôn đặt chữ "tâm" lên hàng đầu để cứu chữa bệnh nhân. Cũng vì thế, người dân thường gọi bà với cái tên đầy thân thương "Lương y Nguyễn Thị Thanh".

"Học tập không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công nhưng đây sẽ là con đường chắc chắn và an toàn nhất. Tôi luôn động viên con cháu chăm chỉ học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức để phục vụ nhân dân, đất nước", bà Thanh cho biết.

TD thanh

Nếu như gia đình bà Thanh là gia đình hiếu học thì ông Phạm Văn Hát ở thôn Kim Đôi, xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ) lại là đại diện của sự khát vọng vươn lên. Dù chỉ học hết lớp 7 nhưng ông Hát đã tự nghiên cứu, tìm tòi để chế tạo ra hàng nghìn chiếc máy nông nghiệp hiện đại. Máy móc do ông sản xuất không chỉ được sử dụng trong nước mà còn xuất khẩu. Năm 2015, ông được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba. Năm 2024, ông là nông dân đầu tiên ở Hải Dương được đưa vào sách giáo khoa lớp 4.

Kho báu lớn nhất của cụ Bùi Thị Loan (90 tuổi) ở thôn Hậu Bổng, xã Quang Đức (Gia Lộc) là những cuốn sách lịch sử và truyện viết về Bác Hồ. Cụ có thể kể tên từng triều đại, từng vị vua qua các thời kỳ phong kiến của Việt Nam cũng như nhớ từng mẩu truyện về Bác. Để làm được điều này, mỗi ngày cụ dành từ 4 - 5 giờ để đọc sách và cập nhật tin tức thời sự. Đặc biệt, dù tuổi cao nhưng cụ vẫn sử dụng thành thạo điện thoại thông minh để nghiên cứu tài liệu. Những năm qua, cụ Loan luôn là tấm gương sáng cho con cháu học tập, noi theo.

Cụ Loan chia sẻ: “Xã hội phát triển từng ngày và học tập cũng vậy. Tôi không muốn bản thân là người lạc hậu trong xã hội nên dành nhiều thời gian để đọc sách, cập nhập tin tức và nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Những nguồn thông tin mới không chỉ giúp tôi có cái nhìn bao quát về cuộc sống mà còn là người bạn tâm giao lúc về già".

TD Loan
tit3.png

Có thể khẳng định các phong trào hiếu học, khuyến tài đã giúp Hải Dương gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp "trồng người". Những năm qua, các mô hình học tập như "Dòng họ học tập", "Gia đình học tập", "Cộng đồng học tập", "Đơn vị học tập", "Công dân học tập"... ngày càng được nhân rộng và phát huy hiệu quả, góp phần đưa Hải Dương trở thành xã hội học tập. Nhờ đó, những năm gần đây, Hải Dương luôn nằm trong tốp đầu cả nước về chất lượng giáo dục. Tiêu biểu như tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2024 - 2025, Hải Dương xếp thứ 5 toàn quốc về số lượng học sinh đoạt giải.

hai-duong-hieu-hoc4.jpg
Từ năm 2020 đến nay, các cấp hội trong tỉnh đã trao học bổng, khen thưởng gần 1 triệu lượt học sinh và giáo viên với tổng số tiền khoảng 110 tỷ đồng

Theo báo cáo của Hội Khuyến học tỉnh, từ năm 2020 đến nay, các cấp hội trong tỉnh đã trao học bổng cho khoảng 110.000 lượt học sinh hoàn cảnh khó khăn, khen thưởng khoảng 785.000 lượt em và khoảng 35.000 lượt giáo viên với tổng số tiền khoảng 110 tỷ đồng. Hiện toàn tỉnh có 12 Hội Khuyến học cấp huyện, 235 hội cấp xã; 2.142 chi hội khuyến học, 9.256 ban khuyến học dòng họ… Hải Dương phát triển được trên 821.000 hội viên, chiếm 42,1% số dân. Quỹ Khuyến học toàn tỉnh đạt hơn 148 tỷ đồng, bình quân 76.000 đồng/người dân, vượt gần gấp đôi chỉ tiêu Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam giao.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương cho biết, xã hội học tập là một mô hình giáo dục mở, trong đó mọi công dân đều có quyền lợi và nghĩa vụ học tập suốt đời. Xã hội học tập tạo mọi cơ hội, điều kiện để tất cả công dân được bình đẳng và công bằng trong học tập. Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền ở Hải Dương đã không ngừng khuyến khích phong trào học tập suốt đời. Nhiều thư viện, trung tâm học tập cộng đồng, lớp học miễn phí được thành lập, tổ chức, mở ra cơ hội tiếp cận tri thức cho mọi người. Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, người dân Hải Dương có thể học tập qua các khóa học trực tuyến, tiếp cận kho tàng tri thức của nhân loại chỉ bằng một cú click chuột.

hai-duong-hieu-hoc5.jpg
Em Nguyễn Phương Trang, lớp 10B, Trường THPT Nam Sách giành giải nhì quốc gia Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 53 (ảnh 1). Em Nguyễn Hải An, học sinh lớp 12 chuyên tin học Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi lọt vào đội tuyển quốc gia dự thi Olympic tin học châu Á - Thái Bình Dương (ảnh 2). Em Đoàn Tuấn Nghĩa, học sinh lớp 6M, Trường THCS & THPT Marie Curie đoạt huy chương vàng tại Kỳ thi Olympic toán học quốc tế TIMO năm học 2024 - 2025 (ảnh 3)

Học tập suốt đời không chỉ là chìa khóa mở cánh cửa tri thức, mà còn là động lực để Hải Dương phát triển, để con người nơi đây không ngừng đổi mới, sáng tạo và tiến về phía trước. Hưởng ứng tinh thần học tập suốt đời của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã tổ chức hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện nội dung bài viết “Học tập suốt đời”. Tại hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Hiệu yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng trong tỉnh tổ chức quán triệt, triển khai bài viết bằng các hình thức phù hợp, đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các nội dung học tập suốt đời tương ứng với từng nhóm đối tượng trong phạm vi quản lý.

Các cấp ủy cơ sở đưa nội dung bài viết của Tổng Bí thư vào các buổi sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt định kỳ, sinh hoạt chuyên đề của chi bộ. Đồng thời, lãnh đạo cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo về học tập suốt đời thành chương trình, kế hoạch công tác của cơ quan, đơn vị. Ban Thường vụ Tỉnh ủy phát động phong trào học tập suốt đời trong tỉnh đối với cán bộ, đảng viên; tiếp tục triển khai sâu rộng các mô hình học tập như “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cơ quan học tập”, “Cộng đồng học tập”; ứng dụng công nghệ, đổi mới phương pháp học tập…

Với giá trị cốt lõi của truyền thống hiếu học, những người con của Hải Dương nay - xứ Ðông xưa sẽ luôn tự hào về những truyền thống văn hoá tốt đẹp của mảnh đất “địa linh, nhân kiệt”. Lớp lớp thế hệ tương lai sẽ tiếp tục noi theo truyền thống khoa bảng vẻ vang để “ánh mặt trời miền duyên hải” luôn toả sáng.

Nội dung: ĐỖ QUYẾT - TRẦN HIỀN

Trình bày: TUẤN ANH

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người Hải Dương hiếu học, khát vọng vươn lên