Hơn 20 năm theo nghề trùng tu, tôn tạo di tích, nghệ nhân Vũ Văn Lưa (sinh năm 1963) ở thôn Ứng Mộ, xã An Đức (Ninh Giang) đã phục chế di tích lịch sử trong tỉnh.
Ông Vũ Văn Lưa đã được UBND tỉnh phong tặng danh hiệu nghệ nhân nghề tiểu thủ công nghiệp mộc đình, chùa
Nghề chọn người
Chúng tôi gặp ông Lưa khi ông đang miệt mài đục bức cốn cho công trình lầu thờ Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát chùa Côn Sơn. Trầm ngâm bên phiến gỗ đã thành hình, ông tỷ mỉ chạm từng chi tiết nhỏ trong bức cốn, nét tinh hoa của mẫu hoa văn đời Trần dần hiện lên sinh động.
Ông Lưa bảo, lầu thờ Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát là công trình tạo điểm nhấn cho quần thể di tích ở chùa Côn Sơn nên ông rất vui khi được tham gia xây dựng công trình.
Tổng thể công trình được làm theo lối phương đình, cấu trúc 2 tầng, 8 mái vững chắc thì những cấu kiện gỗ càng phải tinh xảo để thấy được nét hài hòa, độc đáo của kiến trúc. Ở công trình này, ông đảm nhận 3 bức cốn, gồm 2 bức ở chân nóc mái và một bức chạm hoa sen sơn son thếp vàng dựng trên nóc lầu thờ.
Sinh ra trong gia đình có cha từng làm nghề mộc ở Ninh Giang nên từ nhỏ ông Lưa đã được tiếp xúc với nghề. Năm 12 tuổi, ông theo cha đi làm thợ mộc ở nhiều vùng, rồi nghề ngấm vào máu lúc nào không hay.
Dù có đam mê nhưng ông tự nhận nghề chọn mình và cảm thấy mình có năng khiếu với nghề. Những kỹ thuật đục, đẽo... của nghề mộc, ông chỉ nhìn qua là làm được. Năm 18 tuổi, ông được cha chỉ dạy hết các ngón nghề và bắt đầu tham gia thi công, tôn tạo các công trình đình chùa.
Ông đã cùng nhiều tay thợ lành nghề của tỉnh thành lập đội mộc chuyên nhận các công trình tu bổ di tích ở trong và ngoài tỉnh. Nhưng bước ngoặt thực sự đến khi ông đầu quân cho Công ty TNHH Tu bổ di tích Thanh Bình chuyên trùng tu, tôn tạo di tích.
Không nhớ rõ mình đã từng tham gia trùng tu, tu bổ bao nhiêu di tích nhưng điểm mặt những công trình lớn ông tự hào vì đã được góp công tôn tạo như đền thờ Trần Nguyên Đán, đền Bắc Đẩu, đền Kiếp Bạc thuộc khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc (TP Chí Linh); đền Quát (Gia Lộc); văn miếu Mao Điền (Cẩm Giàng); đình Bồ Dương (Ninh Giang); đình Huề Trì (Kinh Môn); đình Bình Liêu, Đầm Hà (Quảng Ninh)...
Làm đội trưởng tổ mộc của công ty, ông Lưa được tín nhiệm thực hiện nhiều hạng mục quan trọng, đòi hỏi tay nghề cao. Hiện ông là một trong số ít người thành thạo kỹ thuật lấy mực thước trong cấu kiện gỗ của kiến trúc cổ, bậc thầy trong chạm khắc hoa văn và lắp dựng... Với những đóng góp ấy, năm 2018 ông được UBND tỉnh phong tặng danh hiệu nghệ nhân nghề tiểu thủ công nghiệp mộc đình, chùa.
Không giỏi là "giết chết" di tích
Ông Lưa bảo nguyên tắc tu bổ, tôn tạo các di tích là phải cố gắng giữ tối đa yếu tố gốc, bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, chỉ cần sai một chi tiết nhỏ là có thể phải đập đi xây lại. Bởi đây là những công trình tâm linh để lại cho hậu thế, nếu cứ làm đại khái thì về nhà ăn không ngon, ngủ không yên.
Đức tính cần thiết nhất của người làm nghề này là kiên trì vì có những chi tiết tỷ mẩn, cần nhiều thời gian. Công trình khiến ông trăn trở nhất là khi tu bổ đình Bồ Dương, xã Hồng Phong (Ninh Giang). Lúc ấy đình đã xuống cấp trầm trọng, nhiều hạng mục bị mục ruỗng nên phải hạ giải toàn bộ công trình.
Khó khăn ở chỗ Bồ Dương vốn là cái nôi của nghề mộc nên các cấu kiện gỗ của đình làng được chạm khắc cực kỳ tinh xảo. Trong khi đó, phục chế thì cái còn, cái mất nên ông cùng với các tay thợ giỏi của công ty phải cất công tìm hiểu thêm tư liệu, bàn bạc đưa ra các phương án tối ưu để chuyển tải được chuẩn xác từng chi tiết của di tích. Vật lộn suốt gần 2 năm, công trình mới được hoàn thành.
Theo ông Lưa, đa phần các công trình tu bổ di tích đều đã có các kỹ sư thiết kế theo tư vấn của các hội đồng và được kiểm duyệt nghiêm ngặt nhưng chuyển tải được nét tinh tế, giống với nguyên bản, tái hiện được cả một thời đại hay không lại là cái tài của người nghệ nhân. Ví dụ, cũng là con rồng nhưng rồng thời Lý khác với thời Trần.
Rồng thời Lý thường ngẩng đầu, miệng há to, mép trên của miệng không có mũi, răng nanh mọc từ hàm lên, chân 3 ngón giống chân chim, dọc sống lưng có một hàng vảy thấp, bụng và đốt ngắn... Rồng thời Trần uốn lượn mạnh mẽ hơn, có cặp sừng và đôi tay, có mào lửa... Nếu không nghiên cứu kỹ rất có thể làm hỏng di tích.
Hiện nay, nhiều công trình về văn hóa được phục chế nhưng không những không bảo đảm tính chính xác mà còn gây nên sự lố bịch, ông Lưa cho rằng điều đó đồng nghĩa việc "giết chết" công trình.
Thế nên, dù đã có nhiều năm trong nghề nhưng ông Lưa vẫn không ngừng học hỏi từ đồng nghiệp, từ các chuyên gia để nâng cao tay nghề.
“Bất kể làm nghề gì cũng phải có sự hiểu biết sâu sắc, nhất là nghề đặc thù như trùng tu di tích thì khối lượng kiến thức không giới hạn. Người làm nghề tu bổ, phục chế di tích ngoài cái tâm, cần am hiểu nhiều lĩnh vực, trong đó quan trọng hơn cả là lịch sử, văn hóa, nghệ thuật thì mới tạo ra các tác phẩm vừa không xa rời bản gốc, vừa có giá trị", ông Lưa nói.
HUYỀN ANH