Trong những ngày gian khó nhất của nghề gốm, khi không một gia đình nào trong làng kiên nhẫn theo nghề thì vẫn còn một người lặng lẽ, cần mẫn giữ cho lò nung gốm Cậy luôn đỏ lửa...
Nghệ nhân Vũ Xuân Năm luôn đau đáu giữ nghề gốm Cậy truyền thống
Vang bóng một thời
Về làng Cậy, xã Long Xuyên (Bình Giang) bây giờ không dễ tìm được dấu tích nghề gốm đã từng vang bóng một thời. Những lò bầu, lò đứng luôn đỏ lửa nung gốm đã mất. Thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng san sát, những cửa hàng, cửa hiệu tấp nập kẻ bán người mua. Âm thanh của tiếng máy xay xát gạo, tiếng xe tải chở hàng ầm ầm khắp làng trên xóm dưới. Một khu phố sầm uất đã thay thế cho hình ảnh làng nghề trên bến dưới thuyền thơ mộng thuở nào. Ngồi trong dãy nhà xưởng mới xây trên khu đất chuyển đổi nằm sát làng, ông Vũ Xuân Năm, nghệ nhân duy nhất còn lại của làng nghề trầm ngâm nhớ về thời kỳ huy hoàng của gốm Cậy. "Chỉ vài chục năm trước thôi, cả làng có 4 lò bầu và vài chục lò đứng cùng đỏ lửa nung gốm suốt ngày đêm. Ngày đó, nồi, niêu, ấm chén, bát đĩa, bình hoa rồi tiểu sành, bát hương... của làng có mặt khắp chợ lớn, chợ bé trong và ngoài tỉnh. Gốm Cậy ít tiền, dân dã, đáp ứng hầu hết nhu cầu trong sinh hoạt hằng ngày của người dân nên được nhiều người ưa chuộng", ông Năm hồi tưởng.
Thời bao cấp, nhiều hộ dân làng Cậy vào HTX sản xuất gốm. Nghề gốm tạo công ăn, việc làm cho hàng trăm lao động trong làng. Thợ thủ công ở đây còn được triệu tập xây dựng lò gốm trên thị xã Hải Dương. Có lẽ đó là thời kỳ huy hoàng nhất của gốm Cậy. Nhà nào cũng có người làm gốm. Nhiều thợ gốm đã trở thành những nghệ nhân bậc thầy trong nghề. Nhờ đó, gốm Cậy được nhiều người biết đến.
Trong bản đồ gốm Việt Nam, từ lâu gốm Cậy được xếp ngang hàng cùng những làng gốm nổi danh như Chu Đậu, Bát Tràng, Thổ Hà, Phù Lãng... với một lịch sử lâu đời và những nét đặc trưng riêng có. "Thời Hậu Lê, làng Cậy còn có tên chữ là làng Kệ Gián thuộc tổng Bình Giã, huyện Đường An nằm ngay bên con sông Sặt thơ mộng. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, nghề gốm của làng đã xuất hiện cách nay gần 500 năm. Dù trải qua bao thăng trầm và hiện nay không còn nhiều người theo nghề nhưng dòng chảy gốm Cậy chưa bao giờ bị đứt quãng", nghệ nhân Vũ Xuân Năm nói đầy vẻ tự hào. Anh Vũ Xuân Hùng, con trai út của nghệ nhân Vũ Xuân Năm góp chuyện: “Trước đây làng nằm ngay bên bến đò Cậy nên tên bến sông trở thành tên làng từ bao giờ không ai biết. Và cũng chính cái tên này đã gắn với nghề truyền thống của làng mấy trăm năm qua. Các lớp trầm tích dày được tìm thấy khắp làng chứng tỏ sự phát triển liên tục, không ngừng nghỉ của gốm Cậy trong dòng chảy của lịch sử gốm Việt”.
Đau đáu giữ nghề
Anh Vũ Xuân Hùng, con trai ông Năm là một trong hai người trẻ trong làng còn theo nghề
Bước vào thời kỳ đổi mới, khi cả nước được "cởi trói" thì gốm Cậy lại bước vào thời kỳ suy thoái. Người nghệ nhân già buồn bã nói: “Đau nhất là ở chỗ đó. Có lẽ người làm gốm Cậy chậm bắt nhịp với thời cuộc. Sản phẩm làm ra không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, không cạnh tranh được với hàng nhập ngoại. Các lò gốm cứ tắt dần rồi lụi hẳn lúc nào chẳng ai biết. Cả làng bỏ nghề. Những người thợ già như lớp chúng tôi đau đớn nhìn nghề truyền thống của làng dần biến mất”.
Ngoài 70 tuổi, với gần 60 năm gắn bó với gốm, nghệ nhân Vũ Xuân Năm đã nắm được hết các bí quyết của nghề, hiểu được giá trị của gốm Cậy. Vì thế, nhìn làng nghề dần mai một, nỗi đau của ông tăng lên bội phần. Không chấp nhận mất nghề, ông Năm cùng một vài nghệ nhân cao tuổi quyết tâm giữ lửa làng nghề. Thế nhưng, việc giữ nghề không hề đơn giản khi đồ gốm, sứ sản xuất hàng loạt, mẫu mã đẹp, giá rẻ của Trung Quốc tràn ngập thị trường. Nhận thấy việc sản xuất hàng loạt theo kiểu công nghiệp sẽ không thể cạnh tranh được với sản phẩm gốm sứ cùng loại, ông Năm quyết định giữ nguyên cách sản xuất gốm cổ truyền của cha ông.
Theo ông Năm: “Giữ nghề là phải giữ được hồn cốt của gốm Cậy, để gốm Cậy không lẫn với các loại gốm khác đầy rẫy trên thị trường. Cái riêng có của gốm Cậy là sản phẩm được chuốt bằng tay, hoa văn đắp nổi, men hoàn toàn tự nhiên”. Là người gắn bó với gốm từ nhỏ, lại được học hành bài bản tại Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội rồi trở về quê hương cùng gia đình khôi phục nghề cổ truyền, anh Vũ Xuân Hùng hiểu được những đặc trưng làm nên giá trị gốm Cậy. Theo anh Hùng, ngoài kỹ thuật đắp nổi, men gốm Cậy mới là thứ tạo nên sự khác biệt của dòng gốm này. Men được làm từ sét cao lanh, vôi, tro trấu, tro củi lọc kỹ trộn đều với nhau. Do được đốt bằng củi lại sử dụng men tự nhiên nên nước men gốm Cậy sâu hơn, “thấu” men hơn so với các sản phẩm khác. Màu sắc chủ đạo của gốm Cậy là lam nhạt. Ngoài ra, bằng kỹ thuật pha chế đặc biệt và khả năng điều chỉnh ngọn lửa, người làng Cậy còn tạo ra được nhiều màu sắc đặc trưng khác như đỏ, hồng, nâu đất…
Bên chiếc bàn xoay, người nghệ nhân già khéo léo sử dụng đôi bàn tay chuốt từng chi tiết sản phẩm rất tỉ mỉ, chính xác. “Gốm chuốt bằng tay, các họa tiết đắp nổi cũng do đôi bàn tay làm ra nên mỗi sản phẩm lại mang hồn cốt khác nhau. Người thợ lành hay dữ, rộng rãi hay keo kiệt đều thể hiện trên những sản phẩm họ làm ra. Cái đó người ta gọi là thổi hồn vào gốm. Chỉ có gốm làm bằng phương pháp thủ công mới có đặc trưng này”, ông Năm chia sẻ.
Để giữ nghề, giữ hồn của gốm Cậy, gia đình nghệ nhân Vũ Xuân Năm vẫn duy trì việc làm gốm bằng tay, nung gốm bằng củi trong lò bầu truyền thống. “Sản phẩm làm ra tốn nhiều công sức, thời gian. Mỗi mẻ đốt kéo dài hàng tuần nên gốm Cậy rất kén khách. Chỉ những người thực sự am hiểu về gốm mới chơi được dòng gốm này”, ông Năm cho biết thêm. Thay vì sản xuất những sản phẩm gia dụng như trước kia, ông Năm và các con tập trung làm những sản phẩm theo lối cổ như gạch, ngói, hoa văn chân tháp phục vụ trùng tu di tích; chân đèn, độc bình, bát hương, bình vôi, bộ tam đa… cho những người có sở thích chơi đồ theo lối cổ. Nhiều sản phẩm của gia đình nghệ nhân Vũ Xuân Năm được giới nghệ nhân trong nghề đánh giá cao như phỏng chế tháp đất nung Đậu An (Hưng Yên); hai tháp đất nung thời Trần ở Bảo tàng Quảng Ninh; tháp Trần ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam; tháp, giếng thời Trần ở Bảo tàng Hải Dương; bức phù điêu ở tượng đài Trần Hưng Đạo (Kinh Môn)... Với đôi bàn tay tài hoa và những đóng góp không ngừng nghỉ nhằm duy trì nghề gốm cổ, năm 2013 ông Vũ Xuân Năm đã được Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân nghề tiểu thủ công nghiệp". Năm 2015, nghệ nhân Vũ Xuân Năm đã được Chủ tịch nước công nhận là "Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể".
Ít người trẻ muốn gắn bó với gốm
Gốm được nung bằng củi trong lò truyền thống
Giữ được nghề là một chuyện, truyền nghề cho lớp kế cận lại là vấn đề nghệ nhân Vũ Xuân Năm đau đáu nhiều năm nay. Bây giờ, cả làng gốm nổi danh một thời chỉ còn ông và 2 người con trai giữ nghề. Trong khi anh Vũ Xuân Tuấn, con trai thứ của ông Năm chuyên làm gạch, ngói, hoa văn chân tháp phục vụ trùng tu di tích thì ông Năm và cậu út Vũ Xuân Hùng lại chuyên về các sản phẩm theo lối cổ đặc trưng của gốm Cậy. Nghề gốm đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ và sáng tạo nên cần người thực sự tâm huyết, đam mê mới có thể theo và làm nghề. Ông Năm trăn trở: "Bây giờ, vợ chồng tôi và 2 con trai đang theo nghề nên gốm Cậy còn được gìn giữ. Thế nhưng, việc mở rộng quy mô sẽ rất khó khăn. UBND huyện Bình Giang và xã Long Xuyên cũng đã quan tâm mở những lớp truyền nghề nhưng chưa có nhiều người trẻ thực sự yêu và muốn gắn bó với nghề. Mấy đứa cháu trai của tôi hằng ngày vẫn ở xưởng xem ông và bố làm gốm. Hy vọng các cháu sẽ ngấm tình yêu với gốm Cậy để giữ lấy nghề truyền thống của cha ông".
Anh Vũ Xuân Hùng cũng băn khoăn: "Làm gốm Cậy đòi hỏi nhiều công sức và sự sáng tạo. Rất may mắn là tôi được tiếp xúc với gốm từ nhỏ nên có đam mê với gốm. Với vốn kiến thức học được trong Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, tôi về quê kế tục nghề truyền thống của gia đình với mong muốn nâng tầm gốm Cậy. Bây giờ, ngoài gia đình tôi còn giữ nghề, không ai trong làng theo nghề nữa nên thanh niên không được tiếp xúc với gốm, không hiểu hết giá trị của gốm Cậy. Chưa kể các bạn trẻ bây giờ có rất nhiều lựa chọn nên việc tìm được người trẻ học nghề, theo nghề sẽ rất khó khăn".
Giữ, khôi phục và mở rộng nghề truyền thống là ước mơ cháy bỏng của nghệ nhân Vũ Xuân Năm để gốm Cậy trở lại thời hoàng kim đã từng vang danh trong lịch sử.
VỊ THỦY