Bà Lưu Thị Chinh (73 tuổi) ở thôn Chín Hạ, xã Bắc An (Chí Linh) miệt mài lưu truyền điệu hát Soọng Cô - một di sản văn hóa truyền thống đặc trưng của đồng bào dân tộc Sán Dìu.
Bà Lưu Thị Chinh viết và nhờ người in ra các quyển sổ ghi lại tên, nội dung hàng trăm bài hát theo điệu Soọng Cô để lưu giữ cho thế hệ sau
Làn điệu đặc trưng của đồng bào Sán Dìu
Vì không biết tiếng của bà con dân tộc Sán Dìu nên khi nghe bà Chinh và mấy phụ nữ ở thôn Chín Hạ thể hiện điệu hát Soọng Cô, chúng tôi không thể hiểu được bài hát đó có nội dung gì. Nhưng qua lời hát của họ, chúng tôi cảm nhận được điệu hát này có âm hưởng nhẹ nhàng, du dương, ấm áp, gần gũi với đời sống của bà con nơi đây...
Theo bà Chinh, Soọng Cô là điệu hát cha truyền con nối của đồng bào dân tộc Sán Dìu ở Chí Linh và Lục Ngạn (Bắc Giang). Bà không biết điệu hát của dân tộc mình có từ bao giờ mà chỉ biết từ khi còn nhỏ đã được ông bà truyền dạy. Soọng Cô trong tiếng Sán Dìu có nghĩa là điệu hát. Điệu hát này khá giống với hát đối trong dân ca quan họ Bắc Ninh. Tuy nhiên, nét đặc trưng của điệu hát Soọng Cô là chỉ có một làn điệu và nội dung của tất cả các bài rất ngắn, thường chỉ có 4 câu, 7 tiếng. Điệu hát được đồng bào tộc Sán Dìu truyền miệng từ đời này qua đời khác. Nội dung các bài có thể do ông cha truyền lại hoặc họ tự sáng tác. Có tới hàng trăm bài hát theo làn điệu Soọng Cô được bà Chinh ghi nhớ trong tâm thức. "Nội dung các bài hát theo làn điệu này xoay quanh tất cả các mối quan hệ trong cộng đồng, từ hỏi han con cái, chuyện làm ăn đến ca ngợi quê hương, tình làng nghĩa xóm, tình yêu đôi lứa... nhưng theo kiểu đối đáp. Tức là có người hỏi và người trả lời", bà Chinh cho biết.
Xưa kia, điệu hát Soọng Cô thường được các thanh niên trai gái đồng bào dân tộc Sán Dìu dùng để hát lượm (còn gọi là hát giao duyên). Hằng năm, cứ vào thời điểm tháng giêng và tháng 8 âm lịch, khi công việc nhàn rỗi, bà Chinh và hàng chục nam thanh, nữ tú ở thôn Chín Hạ lại rủ nhau đi hát lượm. Họ không hát ngay trong thôn mà vượt 40 - 50 cây số để lên Lục Ngạn - nơi cũng có đông đồng bào dân tộc Sán Dìu sinh sống cùng hát giao lưu với nhóm thanh niên trên đó. Các buổi hát lượm thường diễn ra từ 7-8 giờ tối cho tới sáng hôm sau tại một nhà nào đó trong thôn. Họ thắp đèn dầu, đốt củi, chia bè ngồi hát đối với nhau. Thông qua điệu hát Soọng Cô, các cặp đôi trai gái giữa 2 địa phương đối đáp tình tứ, tìm hiểu về con người, thân thế, tình cảm của nhau...
Mỗi lần bà Chinh lên đó hát giao duyên là phải mất gần tuần, hát 4-5 đêm liền. Ban đầu đến một nhà ai đó họ phải hát chung một bài với nội dung là cảm ơn chủ nhà đã tạo điều kiện cho có nơi ngồi hát. Tiếp đến các đội sẽ hát vào đề (gọi là bài hát đầu) để tìm hiểu qua tên tuổi, quê quán, thân thế. Khi đã hiểu nhau rồi thì bắt đầu hát giao duyên. Người tham gia hát phải hoạt bát, nhanh nhẹn chứ không sẽ rất khó đối đáp lại với những câu hát đối phương đưa ra. "Có rất nhiều đôi trai gái giữa 2 địa phương đã nên nghĩa vợ chồng qua hát giao duyên. Cái lạ là chưa có một cặp vợ chồng nào đến với nhau qua việc đi hát lượm mà bỏ nhau", bà Chinh tiết lộ.
Điệu hát Soọng Cô đôi khi cũng được đồng bào Sán Dìu dùng trong hát ru hoặc hát ở đám cưới. Ngày tổ chức hôn lễ, vào chiều tối, đoàn nhà trai khiêng một con lợn quay đến nhà gái nhưng chỉ được để ở cổng chứ chưa được vào nhà. Họ nhà gái sẽ đưa ra một câu đối bất kỳ theo điệu hát Soọng Cô và nhà trai buộc phải hát đối lại. Nếu hát đối đúng, nhà trai sẽ được vào xin dâu, còn hát chưa đúng thì tiếp tục hát đối bao giờ chỉnh mới xong. Thế nên mới có chuyện không ít nhà trai đã phải đứng ở ngõ nhà gái từ chiều tối đến tận sáng hôm sau để hát đối mới đón được dâu.
Trăn trở lưu giữ
Năm nay đã 73 tuổi nhưng bà Chinh vẫn rất nhanh nhẹn. Bà vui vì có sức khỏe, trí tuệ minh mẫn để ngày ngày vẫn có thể cất vang điệu hát Soọng Cô. Điều khiến bà trăn trở nhất hiện nay là điệu hát này đang dần bị mai một, không còn được đồng bào dân tộc mình quan tâm lưu giữ. Hiện trong thôn Chín Hạ vẫn có rất nhiều gia đình là người đồng bào dân tộc Sán Dìu nhưng không hiếm con cháu của họ không còn nói được tiếng ông cha, ít hiểu biết về văn hóa truyền thống. Sự phát triển của công nghệ và các loại hình dịch vụ giải trí đã làm cho thế hệ trẻ trong làng không còn đoái hoài đến điệu hát truyền thống Soọng Cô...
Bà Chinh hiểu được rằng bản thân sẽ chẳng thể sống mãi để lưu truyền được điệu hát của dân tộc mình. Thế nên từ nhiều năm nay, bà đã bắt đầu tự tay viết và nhờ người in ra các quyển sổ ghi lại tên, nội dung hàng trăm bài hát theo điệu Soọng Cô để lưu truyền cho thế hệ sau này. Hằng ngày, trong những buổi làm đồng hay những lúc đến nhà nhau chơi, bà Chinh thường tranh thủ trao đổi, truyền lại các bài hát cho những phụ nữ trẻ tuổi hơn mình. Trong các buổi giao lưu, sinh hoạt của các chi hội nông dân, phụ nữ, người cao tuổi thôn, bà đều đến và hát những bài theo điệu Soọng Cô cho mọi người cùng nghe. Hiện nay, bà Chinh còn tự mở 1 lớp học điệu hát Soọng Cô ngay tại nhà để truyền lại cho các cháu học sinh trong thôn. Bà chia sẻ: "Tôi dạy các cháu nói tiếng của ông cha trước khi vào học hát. Tôi vui mừng vì một số cháu đã thích hát và hát được một vài bài. Chỉ mong sau này các cháu sẽ tiếp tục gìn giữ và phát huy".
Bà Tô Thị Tư (60 tuổi) là một trong số những người được bà Chinh truyền dạy lại điệu hát Soọng Cô cho biết: "Ngày nào cũng được hát giao lưu với mấy chị em thấy người vui khỏe, tinh thần sảng khoái, lại hiểu biết thêm được nhiều điều trong cuộc sống. Chị em cùng hát có thể hiểu, cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ nhau được nhiều việc".
Tâm nguyện của bà Chinh là mong chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn hãy quan tâm giúp đỡ để điệu hát Soọng Cô của đồng bào dân tộc Sán Dìu sẽ được gìn giữ. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Quán Dương Hưng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao thị xã Chí Linh cho biết đã cùng cán bộ Bảo tàng tỉnh trực tiếp xuống địa phương để tìm hiểu. "Nếu điều kiện cho phép, thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp để hỗ trợ bà Chinh thành lập 1 câu lạc bộ dạy hát làn điệu Soọng Cô cho các cháu thanh thiếu niên đồng bào dân tộc Sán Dìu nhằm góp phần gìn giữ và phát huy di sản văn hóa truyền thống đặc trưng này", ông Hưng nói.
TIẾN MẠNH