Người giữ gìn tinh hoa nghề mộc

21/12/2015 10:12

Nghệ nhân làng nghề mộc Cúc Bồ Bùi Văn Án là người tích cực đào tạo, truyền nghề cho thế hệ kế cận, giữ gìn tinh hoa nghề mộc của ông cha.




Ông Bùi Văn Án đang tạo tác các mái đao của công trình kiến trúc cổ


Không chỉ nắm vững tri thức dân gian tạo tác các công trình kiến trúc gỗ truyền thống, Bùi Văn Án, nghệ nhân làng nghề mộc Cúc Bồ còn tích cực đào tạo, truyền nghề cho thế hệ kế cận, giữ gìn tinh hoa nghề mộc của ông cha.

Cầm đục từ thuở học trò

“Mỗi công trình, ngoài trách nhiệm gìn giữ các giá trị văn hóa của cha ông còn là nơi để người nghệ nhân làng Cúc Bồ gửi gắm niềm đam mê sáng tạo”.

Làng mộc Cúc Bồ, xã Kiến Quốc (Ninh Giang) nổi tiếng với nghề xây dựng các công trình kiến trúc gỗ truyền thống. Cả thôn có tới trên 50 nhóm thợ trải khắp các vùng miền đất nước, thậm chí sang cả nước bạn Lào hành nghề. Nhóm mộc chuyên xây dựng, tu bổ đình, chùa, các di tích lịch sử do ông Bùi Văn Án làm tổ trưởng là một trong số đó.

Chúng tôi tới thăm tổ mộc tại công trường xây dựng một ngôi chùa trên địa bàn TP Hải Dương vào lúc ông Án đang cùng các thành viên tạo tác các mái đao của công trình. Xung quanh bày la liệt các chồng đấu hoa văn tinh xảo. Ông Án dùng thước đo đạc, lấy mốc rồi dùng bút phác họa các hoa văn trên một tấm gỗ phẳng sau đó ướm lên mái đao cao ngang ngực được ghép bằng nhiều tấm gỗ lớn. Mất thêm một hồi lấy mực, ông giao lại mái đao cho thợ đục theo mẫu hoa văn vừa vẽ.

Ông Án chia sẻ: Trong kỹ thuật xây dựng, tu bổ di tích lịch sử - văn hóa, tạo tác mái đao là một trong những công đoạn phức tạp nhất. Đây là cấu kiện vừa có độ cong vừa nghiêng, hoa văn trên mái đao cũng mang những nét đặc trưng riêng với độ chìm nổi từng vị trí khác nhau nên đòi hỏi người thợ phải có tay nghề, chuyên môn và kinh nghiệm lâu năm. Nếu sơ suất, các mái đao có thể quá đứng hoặc quá lả, hoa văn kém sắc nét, không đạt giá trị thẩm mỹ. Ngoài ra, mái đao là phần chịu ảnh hưởng trực tiếp của thời tiết nên gỗ dùng tạo tác thường là loại quý hiếm, phải chọn lựa rất kỹ càng. Nếu quá trình tạo tác sai sót, toàn bộ gỗ có thể bị hỏng.

Sinh năm 1960 trong gia đình có ông nội làm nghề mộc truyền thống nên từ nhỏ, cậu bé Bùi Văn Án đã làm quen với cây đục. Sau mỗi buổi học, về nhà cậu lại phụ giúp ông và anh trai đục các hoa văn trên các cấu kiện gỗ. Bởi vậy khi trưởng thành, chàng thanh niên Bùi Văn Án đã thuần thục kỹ thuật chạm khắc hoa văn các cấu kiện gỗ từ đơn giản đến phức tạp.

Với vốn nghề trong tay, học xong phổ thông, ông Án theo anh trai rong ruổi khắp các tỉnh miền núi: Lạng Sơn, Hà Giang, Sơn La, Tuyên Quang… dựng nhà sàn cho đồng bào các vùng dân tộc. 20 năm gắn bó với miền núi, bàn tay ông đã tham gia dựng hàng trăm ngôi nhà sàn đặc trưng cho văn hóa của nhiều dân tộc khác nhau. Thời gian cũng tôi luyện ông trở thành người thợ lão luyện, nghệ nhân thành thạo các kỹ thuật xây dựng kiến trúc cổ truyền cũng như lắp dựng cấu kiện hoàn thiện công trình.

Thổi hồn cho di tích

Năm 1990, ông Án về làm việc tại Công ty TNHH Tu bổ di tích Thanh Bình (TP Hải Dương). Với những kỹ thuật, kinh nghiệm trong tạo tác các công trình kiến trúc gỗ truyền thống, ông được giao đảm nhiệm tổ trưởng tổ mộc của công ty gồm hơn chục thành viên đều là thợ từ làng Cúc Bồ. Dưới sự dẫn dắt của người thợ giàu kinh nghiệm Bùi Văn Án, 15 năm qua, tổ thợ đã tham gia tu bổ, xây dựng nhiều di tích lịch sử tại các tỉnh, thành phố trong cả nước như Quảng Ninh, Hải Phòng… Trên địa bàn tỉnh, tốp thợ đã tham gia tu bổ hàng chục di tích lịch sử, văn hóa do ngành văn hóa chủ trì, trong đó có nhiều di tích quan trọng như đình Huề Trì (Kinh Môn), đình Bồ Dương (Ninh Giang), đền Quát (Gia Lộc), đền Đinh Văn Tả (TP Hải Dương), đình Kim Trang Đông (Thanh Miện), gác chiêng, gác trống di tích Văn miếu Mao Điền (Cẩm Giàng)... Đặc biệt, năm 2012-2014, tổ thợ của ông Án đã tham gia tu bổ thành công tòa trung từ đền Kiếp Bạc (Chí Linh). Hiện đội thợ đang tham gia tu bổ một số công trình, trong đó có đình Đồng Niên, một di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng quốc gia của TP Hải Dương.

"Trong xây dựng, tu bổ di tích lịch sử, văn hóa, ngoài kinh nghiệm, kỹ năng còn phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về Luật Di sản văn hóa. Bởi vậy người thợ phải không ngừng nghiên cứu, học hỏi để nắm bắt những kỹ thuật trong nghệ thuật kiến trúc đình, đền truyền thống của ông cha. Mỗi lần có dịp tham quan một di tích lịch sử nào đó, tôi luôn mang theo máy ảnh để chụp lại những nét kiến trúc đặc sắc riêng của công trình để nghiên cứu, áp dụng", ông Án chia sẻ. 

15 năm làm công tác tu bổ, tôn tạo di tích, ông Án cũng không nhớ mình và đồng nghiệp đã thổi hồn, làm "sống lại" bao nhiêu di tích lịch sử, văn hóa. Mỗi công trình, ngoài trách nhiệm gìn giữ các giá trị văn hóa của cha ông còn là nơi để người nghệ nhân làng Cúc Bồ gửi gắm niềm đam mê sáng tạo. Trung bình mỗi năm tổ thợ ông Án phụ trách tu bổ, xây dựng 3-4 di tích lịch sử văn hóa. Có nhiều công trình, nhóm thợ phải sáng tạo, phục dựng lại những cấu kiện, hoa văn đặc trưng đã mai một do sự tàn phá của thời gian.

Cùng với công tác tu bổ di tích lịch sử, ông Án còn tích cực đào tạo, truyền nghề cho thế hệ kế cận, giữ gìn tinh hoa của ông cha. Từ khi tham gia làm mộc đến nay, ông đã trực tiếp đào tạo và truyền nghề cho 20 học trò là người thân trong gia đình hoặc những thanh niên cùng làng. Sau khi được ông truyền dạy, cho đi theo làm việc tại các di tích, nhiều người đã thành nghề, mở xưởng mộc tại địa phương hoặc theo các tốp thợ đi hành nghề khắp các vùng miền đất nước. Hiện trong tổ mộc cũng có 5 học trò đang được ông truyền nghề. Con trai lớn của ông cũng theo nghề bố.

Với sự góp sức của ông Án, Công ty TNHH Tu bổ di tích Thanh Bình đã nhiều lần được ngành văn hóa khen thưởng vì những đóng góp để giữ gìn, bảo tồn văn hóa dân tộc, việc thực hiện Luật Di sản văn hóa. Cá nhân ông được nhận nhiều giấy khen của công ty với danh hiệu “Công nhân giỏi”. Với tri thức nắm giữ về xây dựng, trang trí, tạo hình cấu kiện gỗ trong công trình kiến trúc truyền thống, ông Bùi Văn Án đã được ngành văn hóa đề nghị phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.

NGỌC HÙNG

(0) Bình luận
Người giữ gìn tinh hoa nghề mộc