Trong kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, người đứng đầu có vai trò rất quan trọng, là nguyên nhân quyết định việc kiểm điểm, phê bình có kết quả hay không.
Đó là vì trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác, người đứng đầu (NĐĐ) có mối liên hệ rất rộng rãi dưới trên, ngang dọc; từ trong nội bộ tổ chức đảng đến các tổ chức quần chúng và nhân dân. Quá trình ấy, những ưu điểm, thành tích của NĐĐ đều được khẳng định, song những sai lầm, khuyết điểm về quan điểm lập trường, tư tưởng, đạo đức, lối sống... cũng được làm rõ. Vì thế, nếu NĐĐ thành khẩn, tự giác cao, nghiêm túc kiểm điểm, phê bình thì sẽ là tấm gương để cấp dưới làm theo. Ngược lại, nếu NĐĐ không khiêm tốn, chỉ thích phô trương thành tích trong khi thiếu cầu thị, nghiêm khắc nhìn nhận thiếu sót khuyết điểm, đổ lỗi cho người khác hoặc hoàn cảnh khách quan... thì sẽ hạn chế nhiều đến sự nghiêm túc của cấp dưới và đảng viên, cũng như ý kiến của quần chúng nhân dân tham gia xây dựng Đảng.
Mặt khác, nếu NĐĐ không gương mẫu kiểm điểm, phê bình thì cũng khó phát động được cấp dưới và đảng viên hưởng ứng. Tình huống đó có thể xảy ra nhiều hệ luỵ như mất đoàn kết nội bộ, niềm tin của nhân dân càng giảm hơn.
Dư luận xã hội đang trông đợi vào kết quả của việc kiểm điểm, phê bình từ cấp trên đến cơ sở và cũng không khỏi băn khoăn về những hạn chế, như một số đồng chí lãnh đạo Đảng đã nhắc nhở. Đó là "đóng cửa kiểm điểm, kiểm điểm rồi để đấy", không cụ thể được vấn đề, sự việc, con người và trách nhiệm. Thước đo kết quả của việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình không chỉ là làm việc thời gian bao nhiêu, bản kiểm điểm viết đi, sửa lại... mà quan trọng hơn là phải chỉ ra được địa chỉ cụ thể và thực hiện "sai đâu, sửa đấy", những vấn đề có thể làm trước mắt và biện pháp khắc phục lâu dài.
NGUYỄN THẾ(TP Hải Dương)