Người dưng

19/03/2016 15:01



“Tòa tuyên bố, kể từ giờ phút này anh Trần Hùng và chị Nguyễn Mỹ Duyên không còn là vợ chồng…”, lời ông cán bộ tòa án vang lên rành rọt, từng tiếng lạnh lùng, khô khốc đập vào tai Duyên. Chị thấy tai mình ù đặc. Vảng vất trong đầu tiếng được tiếng mất: "…Quyền nuôi con thuộc về chị Duyên. Anh Hùng phải có trách nhiệm mỗi tháng chu cấp để chị Duyên nuôi con, số tiền là…cho đến khi con anh chị đủ 18 tuổi…Tài sản của hai vợ chồng chia đôi…”.

Chờ Hùng ở bên kia đường, đối diện tòa án là một cô gái trẻ, có lẽ chỉ lớn hơn Ngọc Mỹ - con gái của Duyên vài tuổi. Chờ chị ở nhà là cô con gái duy nhất, năm nay mười bảy tuổi, đang học lớp 11. Hai người lặng lẽ ra khỏi tòa án. Họ đi ngược đường nhau, chẳng ai chào ai câu nào. Gió mùa đông bắc thốc vào mặt Duyên, lạnh buốt. Lòng chị tê tái. Lòng Hùng thì đang phơi phới bởi anh vừa được tự do để công khai đến với tình yêu mới. Hai người đã lén lút yêu đương cả năm nay rồi. Duyên biết nhưng cũng chẳng thể níu kéo. Đánh ghen ư? Mệt mỏi lắm. Nhiều khi chị nghĩ mình sẽ làm tanh bành mọi chuyện ra, rồi thì muốn đến đâu thì đến, lành làm gáo vỡ làm muôi. Mình sẽ đến tận cơ quan của chồng để tố giác anh về tội ngoại tình, vô trách nhiệm với vợ con. Mình sẽ cào cấu cái con đàn bà dám cướp chồng mình kia. Nhưng rốt cuộc chị chẳng thể làm được điều đó. Đến chồng chị, chị còn không giữ nổi thì đánh ghen với người đàn bà xa lạ kia phỏng có ích gì. Biết đâu lại mang họa vào thân. Chị nghĩ đến con gái và muốn giữ thể diện cho con.

Duyên không dám chạy xe về nhà ngay. Chị sợ tham gia giao thông lúc này thì dễ gây ra tai nạn. Chị sợ về nhà phải đối diện với con gái. Chị không biết sẽ ăn nói với Ngọc Mỹ ra sao. Chị đã dằn vặt bao đêm vì không giữ được gia đình trọn vẹn cho con bé. Nhìn cô gái trẻ ngồi tót lên sau xe của Hùng, vòng tay ôm eo anh, Duyên giả vờ ngoảnh mặt đi như không hề biết, không hề thấy. Tim chị nhói lên, cảm giác như có bàn tay bóp nghẹt nơi lồng ngực. Chị thở dốc. Đợi hai người kia vụt đi, chị mới dắt xe tấp vào quán nước ven đường.

*


Ngày xưa, Duyên và Hùng hẹn hò nhau lần đầu cũng ở một quán nước ven đường nhưng con đường ấy không ồn ào và bụi bặm như bây giờ. Duyên nhớ con đường ấy có nhiều cây xanh, có một hồ nước nhỏ, trong vắt. Duyên thích uống nước cam và bỏ một chút đường, còn Hùng thích cà phê đen không đường. Anh bảo: “Đàn ông thì phải nếm mùi đắng cay”. Duyên cười dịu dàng: “Còn phụ nữ chúng em chỉ thích ngọt ngào”. Mới đó mà đã gần hai mươi năm rồi. Thời gian có sức tàn phá ghê gớm. Thời gian lấy đi tuổi thanh xuân của người con gái một thời làm bao chàng trai mê mẩn. Tình yêu của Hùng dành cho Duyên cũng hao mòn theo năm tháng và đến một ngày tình yêu đó lụi tắt lúc nào mà cả hai người chẳng kịp nhận ra.

Uống ngụm nước cam có đường mà Duyên vẫn thấy cổ họng mình đắng chát. Bây giờ chị mới ngộ ra rằng trên đời này chẳng có cái gì là vĩnh cửu. Hạnh phúc vợ chồng lại càng mong manh. Chị càng ra sức giữ gìn, vun đắp thì hạnh phúc lại càng vùng vẫy để vuột khỏi tầm tay của chị. Những ngày mới lấy nhau, chị chăm lo cho chồng từng miếng ăn giấc ngủ, đến cái hắt hơi của anh cũng làm chị giật mình, sốt sắng. Anh đi đâu, làm gì chị cũng dõi theo từng bước. Chị luôn chuẩn bị áo quần cho anh thật là lượt, phẳng phiu, thơm tho. Nhưng anh không vui. Anh cảm thấy mất tự do. Anh khó chịu, anh càu nhàu, anh van vỉ: “Xin em đừng giám sát anh như mẹ giám sát con, anh thấy ngột thở lắm”. Hồi ấy Ngọc Mỹ chưa ra đời. Từ khi có Ngọc Mỹ, chị dành hầu hết thời gian, công sức để chăm chút cho con. Cái sự chăm con thái quá của chị khiến anh giận dỗi. Anh trách chị vô tâm, thờ ơ với chồng. Chị sửa đổi. Chị cố gắng cân bằng giữa công việc cơ quan với việc chăm con, chăm chồng. Chị tìm tòi, đọc sách để nấu những món ăn ngon. Chị dọn dẹp nhà cửa sạch bong để đón anh trở về sau mỗi ngày làm việc căng thẳng. Chị đã từng bán đến chỉ vàng cuối cùng mà mẹ đẻ chị cho để “phòng thân”, dồn tiền vào lo cho anh một vị trí tốt trong cơ quan. Chị quên cả chăm sóc bản thân mình cho đến khi bạn thân nhắc nhở: “Thi thoảng phải biết làm đẹp kẻo chồng chán. Đàn ông không thích nhìn vợ mình luộm thuộm đâu”. Chị giật mình, soi gương, thấy da dẻ không còn căng mịn như trước. Chị bắt đầu học cách trang điểm, thay đổi quần áo theo mốt. Chị tự làm mới mình. Chị tự tin rằng mình vẫn đáng yêu, vẫn quyến rũ như thuở đôi mươi. Nào ngờ…

*


Duyên đứng lên, trả tiền nước rồi quyết định phóng xe về nhà. Đầu óc chị đã tỉnh táo hơn, không còn ù ù như lúc ở tòa án. Ngôi nhà hai tầng, khang trang ở giữa một khu phố đông đúc đã hai năm nay thiếu vắng tiếng cười. Giàn hoa ti gôn nở hồng rực, bò lan khắp ban công. Chả hiểu sao lúc xây ngôi nhà này xong, chính tay chị lại thích trồng loại hoa dịu dàng và kiêu sa đó. Tim chị bây giờ cũng như vỡ ra giống hình bông hoa ti gôn kia. Chị lấy hết can đảm, đẩy cửa bước vào nhà.

Ngọc Mỹ đã dọn cơm chờ sẵn. Nó đang ngồi chống cằm bên chiếc lồng bàn đậy thức ăn. Từ khi biết bố và mẹ ly thân, con bé trở nên lầm lì, ít nói hẳn. Nó không thể trở thành trung gian hòa giải giúp bố mẹ. Nó thầm ước giá mình là con trai, rắn rỏi, mạnh mẽ, quyết đoán thì có lẽ bố mẹ sẽ không đổ vỡ. Nhưng nó lại là con gái, mà lại là con gái rất nhạy cảm. Hễ nghe bố mẹ to tiếng với nhau là nó đã khóc rồi. Chính vì Ngọc Mỹ yếu đuối, hay cả nghĩ nên chuyện ly hôn giữa vợ chồng Duyên mới bị trì hoãn đến tận bây giờ. Chị tha thiết cầu khẩn Hùng: “Anh cố chờ con bé đỗ đại học thì chúng ta sẽ ra tòa. Lúc ấy chúng ta giải thoát cho nhau vẫn chưa muộn”. Nhưng chính chị đã không thể chờ được đến lúc Ngọc Mỹ đỗ đại học bởi chị không thể chịu đựng được cái cảnh hai người ở chung nhà mà không ai nói với ai một lời nào. Mang tiếng là vợ chồng nhưng chị và anh ăn vào hai giấc khác nhau. Khi nào cần ngủ thì Hùng ngủ ở phòng khách hay phòng làm việc, thậm chí có hôm anh lên tận phòng thờ trải chiếu nằm một mình. Muốn gì, cần gì Hùng đều nhắn tin qua điện thoại. Duyên cũng trả lời qua điện thoại. Cuộc sống như vậy chẳng khác nào địa ngục nên Duyên chủ động nộp đơn ra tòa. Trước đó, chị làm công tác tư tưởng với con gái: “Mẹ xin lỗi con nhưng con đừng giận bố mẹ. Tình cảm vợ chồng đã không còn thì chẳng thể gượng ép được mãi. Dù bố mẹ có thế nào thì mẹ sẽ mãi ở bên con”. Ngọc Mỹ ngồi im như hóa đá. Con bé đã chuẩn bị tinh thần để đón nhận tin dữ này từ lâu rồi nhưng chẳng hiểu sao nó không thể an ủi mẹ. Nó cũng không khóc như mỗi lần chứng kiến bố mẹ cãi nhau. Nó làm Duyên sợ. Chị hiểu trong lòng con bé đã bị xáo trộn khủng khiếp. Bây giờ nó đang ngồi bên bàn ăn, cũng với dáng điệu lặng im, hóa đá như thế. Thấy mẹ về, con bé cất tiếng, giọng tỉnh queo:

- Mẹ về ăn cơm! Con đói lắm rồi.

Duyên ngồi vào bàn ăn, cố gắng ăn hết đồ ăn mà con gái đã nấu cho chị mặc dù chị không cảm thấy đói. Suốt bữa cơm, Ngọc Mỹ thao thao kể cho chị nghe chuyện ở trường, ở lớp. Nó còn nói về dự định tương lai, mơ ước trở thành nhà báo để được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người. Duyên mừng thầm vì con gái đã lớn, biết suy nghĩ. Chị cứ lo bố mẹ ra tòa thì con bé sẽ bị tổn thương, sẽ khóc lóc, sẽ bỏ bê việc học hành, sẽ hờn trách bố mẹ. Vậy là chị thở phào nhẹ nhõm. Chị chỉ buồn vì không thể sinh cho Ngọc Mỹ một đứa em. Có lẽ mối quan hệ vợ chồng giữa chị và anh bị rạn nứt từ đó.

Sau ba lần bị thai chết lưu, Duyên không thể có con được nữa. Bác sĩ kết luận: “Chị bị vô sinh thứ phát”. Mẹ đẻ chị biết chuyện đã sụt sùi khóc bao ngày. Bố mẹ chồng thì hụt hẫng. Trong lúc buồn rầu, mệt mỏi, bị áp lực tứ phía, khủng hoảng tinh thần, chị đổ lỗi cho anh: “Tại anh suốt ngày nhậu nhẹt. Tại rượu bia làm cho anh không còn khả năng làm bố”. Như bị hắt gáo nước lạnh vào mặt, Hùng điếng người trước những lời buộc tội của vợ. Anh trở nên bẳn gắt. Tính tình đổi thay, không muốn quan tâm đến vợ và cũng không muốn vợ quan tâm đến mình. Từ đó anh hay về nhà muộn, thậm chí đi qua đêm. Duyên trách móc, tra khảo cũng chỉ nhận được câu trả lời dửng dưng, gay gắt: “Tôi không còn khả năng làm bố thì tôi có đi đâu, làm gì, ngủ ở đâu cô cũng không phải bận tâm nữa”. Chị mắc bệnh trầm cảm một thời gian dài, phải nghỉ việc ở cơ quan, đi khắp nơi chữa bệnh. Người chị như cái xác không hồn, gặp người quen, người ta cất tiếng chào hỏi cũng không hề đáp lại. Phải vay mượn để chữa trị cho vợ, anh trở nên mệt mỏi, chán nản hơn bao giờ hết. Anh cố gồng mình lên để làm việc, để kiếm tiền, để trả nợ, để chăm vợ ốm. Nhưng chị ốm chẳng ra ốm, khỏe chẳng ra khỏe. Nằm cạnh chị anh tưởng mình nằm cạnh khúc gỗ. Tình yêu nhạt dần và chết yểu. Đến khi chị khỏe lại thì đã có một người con gái khác đến bên anh. Cô ấy yêu anh, thần tượng anh và hấp dẫn hơn chị. Chị biết mình đã thất bại trong hôn nhân nhưng dù sao chị vẫn còn Ngọc Mỹ. Con bé là niềm an ủi duy nhất đối với chị trong lúc này.

Ăn cơm xong, Ngọc Mỹ lẳng lặng bê mâm bát đi rửa. Duyên lên phòng, tháo bức ảnh cưới của hai vợ chồng đút vào gầm giường. Chị phủi tay, nhủ thầm: “Thế là xong”. Chị ngả lưng xuống giường, vắt tay lên trán, nghĩ ngợi lung tung. Chị thiếp đi lúc nào không hay…

Tiếng Hùng ở dưới nhà, gay gắt và chát chúa: “Tài sản chia đôi. Căn nhà này chia đôi. Cô thích tầng một hay tầng hai? Nồi niêu xoong chảo, bát đũa cũng chia đôi”. Duyên hấp tấp chạy xuống: “Sao lại chia đôi? Anh đã bảo sẽ để lại căn nhà này cho mẹ con em cơ mà? Anh là đàn ông mà hẹp hòi thế, đòi chia cả bát đũa, nồi niêu là sao?”. Anh vẫn gân cổ lên quát to: “Tôi đã bảo chia đôi là chia đôi, cả mấy cái chậu thau nữa. Cả cái giường cưới nữa, cô không trả tiền tôi, tôi sẽ dựng nó lên”. Chị lắp bắp: “Em xin…xin anh, đừng dựng giường lên. Anh cần…cần bao nhiêu, em trả hết, trả hết”. Anh vẫn nói oang oang: “Ngọc Mỹ! Ngọc Mỹ! Chia đôi! Chia đôi”. Chị hét lên: “Không! Không!” và choàng tỉnh. Thì ra chị nằm mơ. Giữa lúc trời rét căm căm mà mồ hôi chị vã ra. Ngọc Mỹ từ phòng bên cạnh nghe tiếng thét của mẹ chạy vội sang:

- Mẹ làm sao thế?

- Không sao! Mẹ ngủ mơ thôi! - Duyên lấy khăn lau mồ hôi trên trán. Chị muốn ôm con gái vào lòng thật chặt nhưng lại sợ con bé lo lắng, bèn giục:

- Con về phòng đi! Mẹ ngủ tiếp đây.

Con bé nhìn mẹ dò xét rồi quay ra. Duyên không tài nào ngủ lại được nữa. Giấc mơ vừa rồi cứ ám ảnh tâm trí chị.

Một tuần sau, căn nhà được định giá. Để được sở hữu nó, Duyên phải trả cho Hùng số tiền trị giá một nửa căn nhà đó. Năm lần bảy lượt anh đòi tiền mà chị vẫn chưa chồng đủ. Chị khất anh thư thư vài bữa cho chị có thời gian xoay xở. Anh chả bận tâm xem chị kiếm đâu ra mấy trăm triệu một lúc, anh chỉ cần tiền như đã thỏa thuận. Anh không thèm đến gặp chị mà nhắn tin để đòi tiền chị  như đòi một con nợ. Anh dọa nạt và ra điều kiện: “Nếu cô không chồng đủ tiền thì phải dọn ra khỏi nhà”. Chị biết anh cần tiền để thuê nhà, để trang trải cuộc sống, để xây dựng lại tổ ấm từ đầu nên anh quên hết cả tình nghĩa. Nhìn người đàn ông ngoại tứ tuần, tóc đã điểm hoa râm, một thời ngọt ngào với chị, yêu thương chị, giờ đây ăn nói thô lỗ, cục cằn và thực dụng, Duyên thất vọng ê chề. 

Chị chạy vạy khắp nơi, cuối cùng cũng đủ số tiền trả anh. Cho bọc tiền vào cốp xe, anh rồ ga đi thẳng. Mẹ chị cất tiếng chửi đổng: “Tiên sư nó…”. Chị vội ngắt lời mẹ: “Con xin mẹ! Ngọc Mỹ mà nghe thấy thì nó lại buồn. Lỗi là tại con!”- giọng chị van vỉ khiến mẹ chị im bặt. Từ đó căn nhà của chị trở nên trống trải. Lần nào anh muốn gặp con cũng hẹn nó ở cổng trường chứ không bước chân vào nhà nữa. Lần thì anh đưa Ngọc Mỹ về thăm ông bà nội, lần thì anh chở nó đi mua sắm quần áo mới hoặc hai bố con đi ăn nhà hàng…Anh không dẫn theo người đàn bà kia nên con bé vui vẻ nghe lời bố. Nhưng chị biết sớm hay muộn, anh cũng sẽ cưới vợ mới. Có lúc lòng ích kỷ nổi lên, chị định cấm đoán Ngọc Mỹ gặp bố song nghĩ đi nghĩ lại, chị với anh giờ là người dưng còn anh và Ngọc Mỹ là tình cảm cha con. Chị không nỡ lòng nào ngăn cách họ.

Một hôm, Ngọc Mỹ thủ thỉ, giọng lo âu:

- Mẹ ơi! Bà nội ốm! Mẹ có đi thăm bà không?

Duyên giật mình vì câu hỏi bất ngờ của con:

-  Bà ốm có nặng không? Con tự đi thăm bà trước đi. Còn mẹ… - chị ngập ngừng, không nói nữa. Trong lòng ngổn ngang cảm xúc. Ngọc Mỹ như đọc được suy nghĩ của mẹ, con bé tỏ ra người lớn:

-  Con đi một mình cũng được mẹ ạ!

Chị chuẩn bị quà cho Ngọc Mỹ mang biếu bà nội của nó. Trở về nhà, Ngọc Mỹ đóng chặt cửa phòng và bỏ ăn. Chị lo lắng. Chưa bao giờ con bé có biểu hiện lạ lùng như vậy. Giọng chị cương quyết:

- Ngọc Mỹ! Con hãy mở cửa ra, nếu không mẹ sẽ gọi thợ phá cửa ngay lập tức.

Nó tự nguyện mở cửa, đổ gục vào lòng chị khóc tức tưởi, giọng ngắt quãng:

- Bà nội bảo…tháng sau, bố con…sẽ cưới…người đàn bà kia…Bà dặn hai mẹ con…tự chăm sóc…cho nhau…

Chị nhẹ nhàng lau những giọt nước mắt trên gương mặt con gái. Chị an ủi con mà như an ủi chính bản thân mình:

- Thôi nào! Đừng khóc nữa! Con lớn rồi cơ mà! Hãy để bố tìm được hạnh phúc đích thực.

Đêm ấy, Duyên trằn trọc, không tài nào chợp mắt được. Đã nhủ rằng từ khi ra tòa là coi nhau như người dưng, vậy mà nghe tin anh sắp cưới vợ mới, tim chị vẫn nhoi nhói như bị ngàn mũi kim châm vào. Chị thấy ngột ngạt, bèn mở cửa ra ban công hít thở khí trời. Nhìn những cánh hoa ti gôn khoe sắc, lòng chị bồi hồi nghĩ đến ngày mai.

Truyện ngắn củaTRẦN THÚY LÀNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người dưng