Người đảng viên Phú Điền với ý chí thép

25/07/2018 14:15

Mưu trí đánh địch, khiến cho kẻ thù khiếp sợ, khi sa vào tay giặc dù bị khảo tra tàn độc vẫn không khai nửa lời. Đó là tấm gương hy sinh anh dũng của liệt sĩ Lê Văn Nhân ở thôn Kim Bảng, xã Phú Điền (Nam Sách).

Thân nhân liệt sĩ Lê Văn Nhân tự hào khi nhận truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang thời kỳ chống Pháp

 Niềm tự hào của quê hương

Từ sáng sớm 22.7, người dân xã Phú Điền đã có mặt rất đông ở nhà văn hóa trung tâm để tham dự lễ truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang thời kỳ chống Pháp cho liệt sĩ Lê Văn Nhân, nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến đầu tiên của xã. Từ lâu, trong lòng mỗi người dân nơi đây, Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến Lê Văn Nhân là một vị anh hùng với những câu chuyện đánh địch như huyền thoại.

Ngày 1.1.1947, Chi bộ Đảng xã Phú Điền được thành lập với gần 50 đảng viên. Để chỉ đạo phong trào kháng chiến, Huyện ủy Nam Sách phân công ông Nhân giữ chức Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến xã. Khi đó, thực dân Pháp lập 4 đồn bốt trực tiếp đàn áp phong trào cách mạng xã Phú Điền. Chúng giết hại nhiều người hoạt động cách mạng và người thân để triệt hạ phong trào của ta. Thế nhưng những hành động tàn ác đó không làm ông Nhân và đồng đội của ông run sợ. 

Ông cùng chi bộ xây dựng đội tự vệ 35 người, vừa bám đất kháng chiến, vừa tăng gia sản xuất, đưa ra sáng kiến đào hầm bí mật hoạt động ngay chân bốt địch, trực tiếp gặp cảm hóa nhiều người làm tay sai cho giặc bỏ hàng ngũ về với cách mạng. Ông Nhân đưa hai đảng viên ra làm chánh, phó hương chủ thôn Kim Bảng để nắm tình hình địch, vận động người dân không nộp thuế cho Pháp mà nộp cho cách mạng, chủ động chỉ đạo xã ngoài lập tề, trong theo cách mạng để giảm thiệt hại cho phong trào và nhân dân.

Ông trực tiếp chỉ đạo và cùng lực lượng tự vệ tổ chức nhiều trận đánh khiến địch khiếp sợ. Cuối tháng 12.1946, địch cho hai ca nô từ Lai Vu ngược sông Kinh Thầy tiến về thôn Linh Khê. Du kích hai xã Phú Điền và Cộng Hòa phối hợp đánh địch tại bến đò Cổ Pháp. Ông Nhân chỉ đạo du kích cắm cọc ở lòng sông để ngăn ca nô rồi dùng súng trường, mã tấu, giáo mác đánh địch. Trận đánh diễn ra ác liệt gần 3 giờ, cuối cùng địch sợ hãi phá kè tháo chạy. 

Đầu tháng 2.1949, địch tổ chức trận càn lớn vào xã Phú Điền nhằm tiêu diệt chính quyền kháng chiến. Ủy ban Hành chính kháng chiến xã hướng dẫn nhân dân đào hầm chông, hố thụt, dụ địch vào nơi hiểm yếu, bố trí quân mai phục đánh trả. Như dự đoán, khi địch tiến đến bên kia cầu Lâm Xá, du kích xã phối hợp với một tiểu đội dân quân của huyện nổ súng đánh chặn. Ta vừa đánh, vừa rút lui để nhử địch vào sâu trong phòng tuyến. Thấy lực lượng du kích của ta mỏng, địch dồn lên truy kích. Đi đến đâu, chúng đốt phá nhà cửa, vơ vét tài sản của nhân dân đến đó. Khi đến thôn Cổ Pháp (xã Cộng Hòa), bọn chúng vấp phải lực lượng bộ đội, du kích của ta mai phục sẵn. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt kéo dài 1 ngày, ta tiêu diệt hơn 100 tên địch, buộc chúng phải rút chạy.

Không thể khuất phục

Đêm 9.8.1949, địch bí mật điều quân vào càn xã Phú Điền. Trời mờ sáng, địch bao vây thôn Kim Bảng, lùng sục, phát hiện 2 hầm bí mật, bắt 18 người. Biết ông Nhân là Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến xã, địch dồn người dân trong thôn Kim Bảng ra đình làng. Chúng tra tấn ông tàn độc bằng đủ mọi cực hình như dùng gậy đánh, dùng cối đá lăn lên người. Mỗi khi ngất đi, chúng té nước cho ông tỉnh rồi lại tra tấn tiếp. Thương tích đầy mình, song mỗi lần chúng hỏi về tổ chức, nơi cất giấu vũ khí, ông chỉ lắc đầu nói “không biết”.

Suốt 6 tiếng bị cực hình, biết mình không qua khỏi, không muốn nhân dân và các đồng đội nhụt chí trước đòn tra tấn dã man của kẻ địch, ông Nhân lừa bọn địch đưa ra bờ sông chỉ hầm bí mật. Biết bị lừa, chúng tức tối xả súng bắn chết ông. Noi gương ông, 17 đồng chí của ông bị chúng đưa về đồn tra tấn dã man nhưng tất cả kiên quyết không khai. Chúng đã bắn cả 17 người rồi hất xác xuống sông để uy hiếp tinh thần kháng chiến của cán bộ, nhân dân xã Phú Điền. Sau tổn thất nặng nề đó, lòng căm thù giặc của quân và dân Phú Điền càng được đẩy lên cao độ. Xã đã phát động phong trào học tập, noi gương tinh thần chiến đấu hy sinh anh dũng của đồng chí Nhân và các đồng đội của ông khiến nơi đây trở thành lũy thép - nỗi khiếp sợ của kẻ địch.

Sau giải phóng, ngày ông Nhân và đồng đội hy sinh được người dân trong xã Phú Điền lấy làm ngày giỗ trận. Hằng năm, cứ đến ngày này, bà con trong thôn, xã lại thắp hương tưởng nhớ những người đã ngã xuống vì đất nước, ôn lại quá khứ bi hùng, giáo dục con cháu về truyền thống cách mạng của quê hương.

Ngày 26.4.2018, ông Nhân đã vinh dự được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lực lượng vũ trang thời kỳ chống Pháp. Nhận tấm bằng truy tặng của cha, ông Lê Quang Thể (76 tuổi), con trai liệt sĩ Nhân xúc động nói: "Sự kiện hôm nay thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước dành cho cha tôi sau gần 70 năm ngã xuống. Đây là niềm tự hào vô bờ, động lực để gia đình tôi phát huy truyền thống cách mạng, tích cực lao động, học tập, góp phần xây dựng quê hương".

 NGỌC HÙNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người đảng viên Phú Điền với ý chí thép