Người dân Hưng Đạo “cứu” đất trồng màu

22/08/2021 10:03

Sản xuất không ngừng nghỉ, đất đai thoái hóa, bà con nông dân xã Hưng Đạo đã phải trả giá bằng những ruộng cây trồng chết hàng loạt. Nhìn thấy những bất cập này, nông dân đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, chủ động bảo vệ đất trồng màu.


Nông dân Hưng Đạo hướng tới sản xuất an toàn để bảo vệ đất trồng màu     

Vốn là địa phương thâm canh rau màu có tiếng của tỉnh với nhiều hộ dân đi lên từ đất nhưng gần đây nông dân xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) đứng ngồi không yên khi phải cầm cự gieo trồng vì đất đai thoái hóa, bạc màu. Trước thực tế này, người dân đã chủ động "cứu" đất, gìn giữ tư liệu sản xuất bền vững.

Sản xuất đi xuống

Trước đây, nông dân Hưng Đạo luôn tự hào vì là nơi trồng dưa hấu, dưa lê cho sản lượng lớn nhất, chất lượng tốt nhất trong vùng. Được ưu đãi đất đai màu mỡ lại đón đầu giống mới của Viện Cây lương thực và cây thực phẩm nên thương lái thường ví von dưa trên đất Hưng Đạo to đẹp sánh ngang với dưa trồng nghiên cứu ở "viện ông Của". Không chỉ có dưa mà nhiều loại rau màu khác như cải bắp, su lơ, su hào... ở nơi đây cũng rất được lòng người mua. Vì vậy, khi nhiều nơi khác chuyển hướng sản xuất để nâng cao giá trị kinh tế thì nông dân Hưng Đạo vẫn dành tâm huyết với rau màu.

Thế nhưng vài năm trở lại đây, người dân đành bất lực khi nhìn loại cây chủ lực, cây làm giàu héo dần trên ruộng mà không có cách cứu vãn. Bà Nguyễn Thị Hoa ở thôn Ô Mễ thở dài: "Ngày trước đầu tư 1 sào dưa hết 2 triệu song bà con cầm chắc lãi ít nhất cũng phải từ 4-5 triệu. Còn hiện tại, vật tư đầu vào cái gì cũng tăng chỉ có năng suất dưa và giá bán đi xuống. Nhà nào chăm khéo thì mới được vài tạ/sào trong khi trước đây phải thu tới 1,5 tấn. Các loại rau vụ đông cũng kém hơn xưa. Người dân càng tích cực chăm bón thì lại càng xôi hỏng bỏng không".

Kinh tế gia đình anh Phạm Xuân Mạnh ở thôn Xuân Nẻo phụ thuộc vào hơn 1 mẫu ruộng vừa của nhà vừa đi thuê. Từ diện tích này, anh Mạnh thâm canh tăng vụ, quay vòng 4 vụ/năm, hết trồng 2 vụ dưa lại tới rau ăn lá rồi cây vụ đông. Nhưng vài vụ nay sản xuất không thuận, cây cứ trồng lại chết, nhiều ruộng không được thu. "Cây trồng, nhất là dưa hấu, dưa lê cứ bén rễ thì lại héo rũ rồi chết. Trồng trọt không tránh khỏi việc cây hỏng, cây chết nhưng chết hàng loạt và lại diễn ra trong nhiều vụ khiến mọi người ai cũng sốt ruột, lo lắng. Hết lo cứu vụ này rồi lại thấp thỏm cho vụ sau. Đấy là mới chạy từng vụ chứ về lâu về dài thì rất khó", anh Mạnh bày tỏ.

Quyết tâm cải tạo

Xã Hưng Đạo có 280 ha chuyên canh rau màu, chia thành 2 vùng sản xuất ở thôn Ô Mễ và Xuân Nẻo. Nếu canh tác thuận lợi, mỗi năm nông dân sẽ thu lãi từ 150-200 triệu đồng/ha. Cũng chính vì giá trị kinh tế cao mà người dân đã vắt kiệt đất đai, sản xuất không ngừng nghỉ. Có diện tích đất người dân gieo trồng tới 5 vụ/năm. Trồng cố định một vài loại cây trong nhiều năm, lại lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật mà ít chú trọng cải tạo đã làm cho đất ngày càng cằn cỗi. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, khi thấy cây trồng có biểu hiện chậm phát triển, người dân thường cứu vãn bằng cách tập trung chăm bón nhưng điều này lại càng làm giảm sức đề kháng của cây. Gặp thời tiết bất thuận, sâu bệnh sẽ bùng phát dẫn tới tình trạng rau màu chết hàng loạt. Ông Nguyễn Ngọc Khắc, đại diện HTX Dịch vụ nông nghiệp xã cho biết mới đầu người dân chỉ nghĩ rau màu thất thu do yếu tố khách quan nhưng qua vài vụ mọi người đã nhận ra nguyên nhân chính là do lối sản xuất cực đoan. Phải trả giá bằng lợi ích kinh tế nên nông dân đã thay đổi cách nghĩ chủ động bảo vệ đất trồng màu.

Vụ này nhiều nông dân đã chuyển từ trồng rau màu sang gieo cấy lúa. Chuyên canh cây trồng cạn nhiều năm, độc tố từ phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật tích tụ lâu ngày trong đất. Nếu cấy lúa, người dân phải điều tiết nước ra vào, chất độc hại cũng theo đó trôi đi. Ngoài ra, một số hộ cũng chấp nhận thu lợi ít hơn để chuyển sang trồng ngô và các loại cây họ đậu. Đây là những cây trồng có khả năng cải tạo đất, giúp đất tơi xốp hơn. Đồng thời người dân cũng chú trọng sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học. Xã Hưng Đạo còn liên kết với doanh nghiệp tư vấn, hỗ trợ nông dân sản xuất sạch, liên kết bao tiêu sản phẩm để người dân yên tâm canh tác. Thay đổi trong tư duy sản xuất của người dân đã tạo ra cuộc cách mạng xanh trên đồng ruộng. "Tới đây, ruộng đồng tại địa phương sẽ có chuyển biến lớn khi mà người dân chú trọng tới sản xuất an toàn nhiều hơn", ông Nguyễn Xuân Tuyên, Chủ tịch UBND xã Hưng Đạo khẳng định.

Xã Hưng Đạo chỉ là một trong nhiều địa phương có thế mạnh thâm canh rau màu của tỉnh. Những nỗ lực "cứu" đất của người dân nơi đây sẽ là bước khởi đầu để nông dân trong tỉnh cởi mở hơn trong việc tiếp nhận cách làm mới, vừa khai thác vừa cải tạo theo đúng mục tiêu tăng trưởng xanh mà tỉnh đang hướng tới.

DŨNG CƯỜNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người dân Hưng Đạo “cứu” đất trồng màu