Ngày ấy, tôi và Quyên yêu nhau say đắm. Cái tình yêu đầu đời ai mà chẳng thế. Lúc nào trong cơ thể cũng như đang có ngọn lửa rừng rực.
Ngày ấy, tôi và Quyên yêu nhau say đắm. Cái tình yêu đầu đời ai mà chẳng thế. Lúc nào trong cơ thể cũng như đang có ngọn lửa rừng rực. Xa nhau một ngày mà như tưởng dài một thế kỷ. Cũng chính vào lúc đó tôi nhận được giấy gọi nhập ngũ. Bình thường thôi. Thời đạn bom đã qua từ rất lâu rồi. Tôi vui vẻ lên đường. Nhưng hai gia đình và cả Quyên nữa, đều muốn tổ chức lễ cưới trước khi tôi nhập ngũ. Tôi bảo: "Bố mẹ làm như hồi còn chiến tranh không bằng. Hai năm nhanh lắm. Khi ấy con mới 27 tuổi, lập gia đình là vừa đẹp". Biết không thể lay chuyển được quyết tâm của tôi, ông bà thở dài im lặng. Quyên cũng buồn lắm. Yêu nhau mấy năm rồi, người con gái nào mà chẳng mong đến ngày lên xe hoa. Mỗi tuổi nó đuổi xuân đi. Tôi an ủi nàng: "Hãy chờ thêm hai năm. Chỉ hai năm thôi. Anh sẽ về cưới em". Nàng vùng vằng nhưng cũng phải chấp nhận. Vào bộ đội, tôi được phân công ra đảo ngay. Một hòn đảo cách xa đất liền gần hai trăm hải lý. Chỉ có sóng gầm và gió mặn làm bạn. May mắn là sóng điện thoại nơi đây rất tốt nên những cuộc trò chuyện của người lính chúng tôi với gia đình không khi nào bị đứt đoạn. Đêm nào tôi cũng tâm sự với Quyên. Khi bàn về hiện tại, lúc nói về tương lai. Chuyện nào cũng đẹp, cũng đáng yêu. Như có tiếng chim reo, có câu thơ khúc hát. Gần một năm sau, Quyên khoe với tôi được công ty cử đi tu nghiệp tại Đức một năm. Mừng cho em. Hình như sau chuyến tu nghiệp này Quyên sẽ được thăng chức, nâng lương. Rồi Quyên bảo: "Anh đừng lo em vất vả. Ở bên này mọi người thương yêu nhau lắm. Anh có biết anh Hảo không? Người bên công ty X. đó. Thật là một con người tuyệt vời. Hào hoa phong nhã, lịch lãm ga lăng". Công ty X. và công ty tôi cùng nằm trong một Tổng công ty, nhưng tôi chỉ nghe tên thôi, không biết mặt. Anh chàng này nghe đâu là trợ lý hay thư ký riêng gì đó. Rất hay đi Tây đi Tàu, tháp tùng lãnh đạo. Một dạo nghe đâu đã "thất sủng", nên bị đẩy đi với cương vị trưởng đoàn tu nghiệp. Lần khác Quyên lại khoe: "Cô gái nào phải tu mười kiếp mới lấy được người chồng như anh Hảo. Anh cười à? Này nhé, thông minh, giỏi giang, nhiệt tình giúp đỡ mọi người, nhất là chị em. Bao nhiêu công việc nặng nhọc anh Hảo gánh hết". Rồi Quyên thầm thì: "Em kể chuyện này anh không được suy diễn nhé. Một hôm chỉ có hai người, anh Hảo bảo em: Hình như ông trời không cho anh lấy vợ, chắc là để chờ em đó, Quyên ạ. Ối trời, thật lãng mạn phải không anh?".
Hai năm trôi nhanh, tôi hoàn thành nghĩa vụ, Quyên cũng học xong. Chúng tôi làm lễ cưới. Đúng như tôi dự đoán, Quyên lên chức phó phòng, rồi trưởng phòng chăm sóc khách hàng. Thời buổi thương trường là chiến trường, có khi còn ác liệt hơn cả chiến trường ấy chứ. Việc Quyên vắng mặt ở nhà đôi ba ngày là chuyện thường. Tôi sẵn sàng làm mọi việc để Quyên yên tâm phấn đấu. Tôi là kỹ sư cơ khí. Sự khác nhau về giờ giấc, việc làm, tự nhiên nảy sinh sự phân công việc nhà. Thôi thì ai về trước phải làm nhiều hơn. Thời gian Quyên mang bầu, tôi giành hết việc nhà, chịu khó bồi dưỡng cho vợ. Nhưng cũng có lúc máy móc xảy ra sự cố thì thật mệt. Giờ giấc không còn tuân theo nữa. Nhiều lần về đến nhà mệt quá, tôi chẳng buồn cởi bộ bảo hộ lấm lem dầu mỡ, cứ thế lăn ra sàn nhà. Quyên càu nhàu: "Sao ngày xưa anh dại thế? Học thì giỏi lại đâm đầu vào ngành cơ khí, vừa vất vả vừa bẩn thỉu. Lẽ ra anh phải chọn cái nghề gì đó vừa nhàn nhã sang trọng, vừa kiếm ra nhiều tiền. Nhất là thường xuyên được ra nước ngoài. Như... như...". Cứ nhìn vào đôi mắt và nghe giọng đầy luyến tiếc của vợ, là tôi hiểu trong đầu nàng đang nghĩ đến ai. Đây không phải lần đầu nàng mang cái anh chàng Hảo nào đó ra để so sánh với tôi. Mới nghe thì thấy hay hay. Nghe mãi phát nhàm. Chẳng phải Quyên không yêu chồng yêu con, mà tính nàng thế. Thích so sánh cái này với cái khác, người này với người khác. Tôi không phải người nhỏ nhen để ghen tuông những chuyện vu vơ. Một đôi lần chạm lòng tự ái, tôi nhắc xa xôi: "Ngày xưa là của ngày xưa. Hôm nay là của hôm nay. Em nên nhớ quá khứ chỉ là một loại axít ăn mòn hạnh phúc". Nhưng hôm nay nàng mang nghề nghiệp của chồng ra để chê bai, miệt thị thì không thể được. Quyên thừa biết nghề cơ khí là ước mơ của tôi từ ngày còn đang học ở trường phổ thông. Nó là đam mê, là niềm tự hào của tôi. Tôi từng đoạt danh hiệu "Bàn tay vàng" cấp quốc gia. Hồi còn yêu nhau, Quyên cũng bảo: "Em yêu anh vì khâm phục ý chí phấn đấu cũng như tài năng của anh". Nghề nghiệp và quyết tâm của tôi không chỉ mang lại thu nhập cao mà còn mang lại biết bao tình cảm quý mến, khâm phục của hàng xóm, đồng nghiệp. "Cha mẹ chẳng cần con phải đi đâu, học ai, chỉ theo được một phần của anh Đạo là mừng lắm rồi". Nhiều phụ huynh thường khuyên răn con cái họ như thế. Lẽ nào Quyên không nhìn thấy điều đó. Dù yêu thương vợ hết lòng, tôi cũng không thể bỏ nghề, không thể thay đổi cách làm việc của mình được.
Để kỷ niệm 10 năm ngày cưới, tôi muốn làm một điều gì đó khiến vợ bất ngờ. Ngay từ buổi chiều, tôi về sớm lặng lẽ chuẩn bị một bữa tiệc nhỏ trong phạm vi gia đình. Cũng hoa tươi, cũng bánh ga tô, cũng thổi nến. Sắp xếp mọi thứ đâu ra đấy, tôi lại tất tả đi đón hai thằng cu. Ba bố con tôi ngồi chờ Quyên về. Lòng tôi tràn ngập niềm vui, hân hoan như một diễn viên vừa biểu diễn xong, chờ tràng pháo tay nồng nhiệt của khán giả. Bẩy giờ, rồi tám giờ. Ngoài đường người đi lại như mắc cửi. Nhưng không hề có bóng dáng Quyên. "A lô, em đang ở đâu đấy? Có biết hôm nay là ngày gì không? Không nhớ à? Kỷ niệm 10 năm ngày cưới của chúng mình đấy. Bận lắm à? Mấy giờ về? Anh và các con đang đợi. Rồi, rồi...". Nỗi buồn tự nhiên rũ xuống. Tôi đành cho hai thằng con ăn trước. Gần chín giờ Quyên mới về, vẻ mệt mỏi. Các con tôi ùa ra ríu rít: "Chúc bố mẹ hạnh phúc". "Mẹ cảm ơn các con". Tôi tiến lại trao Quyên một bông hoa hồng đỏ thắm: "Chúc vợ anh luôn xinh đẹp". Chợt Quyên nheo mắt nhìn tôi và hỏi: "Chỉ có vậy thôi ư?". Nghĩ nàng đùa, tôi cũng đùa vui: "Anh tặng em luôn cả cuộc đời mình cộng thêm hai đứa con yêu quý này nữa". Quyên đặt vội bông hoa xuống bàn, giọng nàng khang khác: "Không cần. Ngày còn ở bên Tây, hoa đắt kinh khủng, anh Hảo còn mua hẳn một bó hoa to tướng, kèm theo bao nhiêu là quà đắt tiền nữa. Ai nhìn thấy cũng phải ghen tỵ. Mà bó hoa mới đẹp làm sao, mê ly làm sao. Mê luôn cả người tặng". Trời ơi, sao Quyên nhẫn tâm đến thế? Tình yêu và niềm vui của ba bố con tôi vừa nhen nhóm, mong sưởi ấm cái hạnh phúc nhỏ nhoi sau nhiều ngày tất bật với công việc, đã bị Quyên dội cho thùng nước lạnh. Cố nén giận, tôi bảo: "Đừng bao giờ nhắc lại chuyện cũ nữa. Nhất là vào những ngày này. Có được không em?". Quyên tỏ vẻ ngạc nhiên: "Anh ghen à? Toàn chuyện vui đấy chứ". Tôi bực không để đâu cho hết: "Không ghen. Nhưng chuyện em nói rất dở. Em mê người tặng hoa, sao ngày ấy không ở luôn với người ta?". Quyên vô tư: "Suýt đấy". Hai đứa con tôi ngơ ngác. Chúng không hiểu chuyện gì đang xảy ra với cha mẹ chúng. Nhìn con mà lòng tôi thắt lại. Không thể gieo vào trong đầu chúng những mâu thuẫn vợ chồng. Tôi dàn hòa: "Hãy dừng lại ở đây cho các con vui ngày kỷ niệm đặc biệt của cha mẹ chúng". Dường như Quyên vẫn chưa muốn thôi. Nàng đay nghiến: "Anh là kẻ ki bo keo kiệt vô tâm, không đáng mặt đàn ông. Đúng là... là dân... nhà quê". Tôi trả miếng: "Tôi là tôi. Tôi không thể là một ai đó như cô mong mỏi đâu". Quyên tím mặt: "Ngày đó không vì danh dự của hai bên cha mẹ thì...". Tôi cắt ngang: "Cô ân hận à? Chưa muộn đâu". Quyên bật khóc. Nước mắt nàng lã chã trên khuôn mặt rất khả ái. Không biết Quyên khóc vì lấy tôi, hay vì điều gì khác. Không thể biết được. Lòng tôi bỗng chùng xuống. Khổ. Như mọi bận, tôi đã dặn lòng cố nhường nhịn vợ cho vui cửa vui nhà, mà sao hôm nay lại thế. Các cụ xưa từng dạy: "Một điều nhịn, chín điều lành" quả không sai chút nào. Tôi đứng lên đi vào phòng ngủ. Cuộc khẩu chiến chấm dứt. Chấm dứt luôn cả buổi lễ kỷ niệm đặc biệt. Hai đứa con tôi, mặt buồn rượi, lặng lẽ rời bàn ăn.
Một ngày chủ nhật đẹp trời, cả nhà tôi đi siêu thị. Cũng chẳng mua bán gì đâu. Đi để thay đổi không khí, để thư giãn. Những chuyện xảy ra vừa qua như những cái bát khi xếp cạnh nhau vậy thôi. Khi chạm nhau thì kêu lanh canh, lúc nằm im hiền dịu. Có vẻ Quyên chưa hết bực. Không sao. Rồi nàng sẽ hiểu hạnh phúc gia đình là vô giá. Cả nhà tôi mê mải ngắm các loại mặt hàng được bày la liệt. Cái gì cũng đẹp cũng tốt. Hai thằng con tôi khỏi phải nói, chúng vui như Tết. Bất chợt tôi nghe tiếng gắt bẳn khá to ở phía sau: "Mua gì mà lắm thế? Cô tưởng tôi in được tiền à?". Tiếng người đàn bà nhỏ nhẹ: "Có gì nhiều đâu anh. Cái này biếu ông bà nội, cái này cho cô út. Mấy gói này làm quà cho các cháu. Đã lâu rồi mình chưa về quê thăm ông bà". Lại tiếng người đàn ông: "Sĩ diện hão. Toàn vung tay quá trán". Vợ chồng tôi đi chậm lại. Cặp đôi kia vượt lên. Họ cùng trạc tuổi vợ chồng tôi. Phải công nhận họ rất đẹp đôi. Người đàn ông hầm hầm nét mặt, sải những bước dài giận dữ. Người đàn bà bụng to vượt mặt, chị đang mang thai, tay xách nách mang, gần như phải chạy gằn theo chồng. Trông chị có vẻ buồn và mệt mỏi. Quái lạ. Nhìn người đàn ông kia tôi thấy quen quen. Hình như tôi đã gặp ở đâu rồi. Tôi quay sang Quyên thầm thì: "Thằng cha kia tệ thật, đã không giúp vợ lại còn quát mắng". Mặt vợ tôi đột nhiên tái dại, lúng túng. Tự nhiên trí óc tôi bật mở như cái hộp. Tôi nhớ ra rồi. Người đàn ông kia chính là Hảo. Ngày mới lấy nhau, Quyên đã mang tập ảnh chụp thời gian tu nghiệp ở nước ngoài. Nàng giới thiệu với tôi từng người một, không quên kèm theo "lý lịch trích ngang" và tính nết. Rất kỹ. Nhất là Hảo. Thì ra "mẫu người lý tưởng" của vợ tôi đây. Người mà vợ tôi rất hay mang ra so sánh với tôi đây. Bước chân Quyên có vẻ như bập bõm, mồ hôi vã ra. Tôi vội hỏi: "Em làm sao thế? Thôi, để anh gọi taxi đưa em và con về trước nhé". Quyên xua tay yếu ớt: "Đừng. Em không sao cả. Tự nhiên hơi choáng một chút thôi. Khỏi ngay rồi". Tôi hiểu trong lòng Quyên đang đổ vỡ. Nàng đi sát người tôi, cầm tay tôi bóp nhẹ. Chỉ cần bấy nhiêu thôi cũng khiến lòng tôi nhẹ nhõm. Người xưa bảo: "Con cá sảy là con cá to" hẳn phải có nguyên cớ của nó chứ. Điều quan trọng là từ nay tôi sẽ không phải nghe những so sánh mình với ai đó trong cuộc sống này.
Truyện ngắn của NGUYỄN SỸ ĐOÀN