Những ngày qua, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xuất hiện trong tỉnh làm nhiều hộ chăn nuôi bị thiệt hại rất lớn. Họ rất mong Nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ để giảm bớt khó khăn.
Mức hỗ trợ cho người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy do dịch bệnh trên địa bàn tỉnh là 38.000 đồng/kg. Trong ảnh: Số lợn phải tiêu hủy của gia đình ông Hoàng Văn Chinh ở xóm Trại Mới, thôn An Thủy, xã Hiến Thành (Kinh Môn) lên tới gần 6,4 tấn
Thiệt hại nặng
Đến ngày 7.3, toàn tỉnh đã xuất hiện 5 ổ dịch tại các xã Minh Hòa, Hiến Thành, Hiệp Sơn (Kinh Môn), Đại Đồng, Đại Hợp (Tứ Kỳ). Đã có 253 con lợn bị tiêu hủy với trọng lượng trên 13,5 tấn. Bệnh DTLCP rất nguy hiểm do hiện nay chưa có vaccine điều trị, trong khi đó bệnh dễ lây lan qua các vật trung gian như chuột, chim, nguồn nước, thức ăn... nên khi phát hiện lợn bệnh bắt buộc phải tiêu hủy tất cả số lợn. Tại những hộ đã có lợn bị DTLCP, hiện tất cả số lợn trong chuồng đều bị tiêu hủy nên thiệt hại rất lớn.
Ông Vũ Đình Vinh ở thôn Độ Trung, xã Đại Hợp (Tứ Kỳ) vẫn chưa hết bàng hoàng vì toàn bộ đàn lợn 31 con đã bị tiêu hủy. Theo ông Vinh, ngày 1.3, con lợn nái hậu bị 3 tháng tuổi ông mua từ Vĩnh Phúc về có biểu hiện phát ban, ăn ít. Nghi lợn bị mắc bệnh tai xanh, ông đã mua thuốc về chữa nhưng các triệu chứng xuất hiện ngày càng nặng và có dấu hiệu lây lan sang các con khác. Chữa không khỏi, ông báo cho cơ quan thú y lấy mẫu gửi đi xét nghiệm. Sau khi có kết quả dương tính với virus DTLCP, ngay trong tối 6.3 cơ quan chuyên môn và địa phương đã tiêu hủy toàn bộ đàn lợn.
"Trang trại xây từ cuối năm 2016, vào đúng thời điểm giá lợn xuống thấp, khiến gia đình bị thua lỗ. Gần đây, giá mới nhích đôi chút thì lại bị DTLCP, phải tiêu hủy toàn bộ, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Nợ cũ chưa trả hết nay lại chồng thêm nợ mới. Tôi mong sớm nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước để có kinh phí trang trải nợ nần và tìm hướng sản xuất mới chứ cũng không dám tái đàn nữa", ông Vinh nói.
Là hộ chăn nuôi đầu tiên của tỉnh bị bệnh DTLCP và buộc phải tiêu hủy 129 con lợn, tổng trọng lượng gần 6,4 tấn, ông Hoàng Văn Chinh ở xóm Trại Mới, thôn An Thủy, xã Hiến Thành (Kinh Môn) rất mong nhanh chóng nhận được sự hỗ trợ. Ông Chinh cho biết: "Tôi cũng chỉ mới chăn nuôi từ năm 2016. Ngoài số vốn gia đình có tôi phải đi vay thêm để đầu tư. Giờ lợn to nhỏ đều bị tiêu hủy hết, tôi coi như đã trắng tay. Tôi chỉ mong cơ quan chức năng sớm đưa ra các chính sách hỗ trợ để chúng tôi bớt khó khăn".
Ông Vũ Đình Vinh ở thôn Độ Trung, xã Đại Hợp (Tứ Kỳ) vệ sinh chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi sau khi đàn lợn bị tiêu hủy
Hỗ trợ 38.000 đồng/kg
Nhằm giảm bớt khó khăn cho người chăn nuôi, sau khi bệnh DTLCP xuất hiện trong tỉnh, liên ngành Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính đã ban hành văn bản hướng dẫn một số nội dung chi cho công tác phòng chống bệnh DTLCP. Việc hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại khi có lợn buộc phải tiêu hủy thực hiện theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9.1.2017 của Chính phủ. Mức hỗ trợ được điều chỉnh sau khi có hướng dẫn của Trung ương là 38.000 đồng/kg. Kinh phí hỗ trợ được trích từ nguồn ngân sách dự phòng phòng chống thiên tai, dịch bệnh cấp huyện và theo phân cấp của Luật Ngân sách. Các nội dung chi khác phục vụ cho việc phòng chống bệnh DTLCP gồm: hỗ trợ chi phí tiêu hủy, kinh phí cho người trực tiếp tham gia phòng chống dịch bệnh… thực hiện theo Quyết định số 602/QĐ-UBND ngày 5.3.2014 của UBND tỉnh. UBND cấp huyện chủ động trích từ nguồn dự phòng ngân sách cấp huyện để kịp thời bảo đảm cho việc tiêu hủy và dập dịch. Trường hợp kinh phí phát sinh lớn, ngân sách huyện không có khả năng bảo đảm, UBND cấp huyện khẩn trương báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để sở phối hợp với Sở Tài chính báo cáo UBND tỉnh tạm ứng ngân sách tỉnh.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kinh Môn, mức hỗ trợ đối với những hộ có lợn bị tiêu hủy do mắc bệnh DTLCP ở huyện được thực hiện theo các quy định hiện hành. Bên cạnh đó, huyện đang xem xét, cân đối kinh phí để hỗ trợ thêm cho những người làm công tác phòng chống dịch bệnh.
Theo một số người chăn nuôi, lợn thịt đang bán trên thị trường có giá từ 40.000 - 42.000 đồng/kg nên mức hỗ trợ như trên tương đối phù hợp. Thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, tránh tình trạng người chăn nuôi không nắm được chính sách hỗ trợ mà giấu dịch hoặc bán chạy lợn bị bệnh. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần sớm hướng dẫn hồ sơ, thủ tục đối với những hộ có lợn bị tiêu hủy để họ nhanh chóng nhận được hỗ trợ.
Để được hỗ trợ, người dân cần có hồ sơ đề nghị gồm: đơn đề nghị hỗ trợ thiệt hại chăn nuôi do dịch bệnh, biên bản tiêu hủy gia súc của từng hộ. Sau khi xử lý dập dịch, UBND cấp huyện tổng hợp tình hình thực hiện và quyết toán kinh phí đã xử lý, báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để báo cáo UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí theo phân cấp |
NGỌC THỦY- TRẦN HIỀN