Cuộc giải cứu thành công 33 thợ mỏ Chi-lê bị mắc kẹt dưới lòng đất đượccoi là một kỳ tích, bản trường ca về tinh thần "tất cả vì sự sống củacon người".
|
Tổng thống Chi-lê Xê-ba-xtriên Pi-nê-ra (ngồi giữa) chụp ảnh chung cùng các thợ mỏ
|
Cuộc giải cứu thành công 33 thợ mỏ Chi-lê bị mắc kẹt dưới lòng đất được coi là một kỳ tích, bản trường ca về tinh thần "tất cả vì sự sống của con người". Đây cũng là cuộc giải cứu chưa từng xảy ra trong lịch sử loài người, thể hiện sức chịu đựng kiên cường của những người thợ mỏ, sự kiên trì, bền bỉ của đội quân cứu hộ và nghĩa tình cao cả của nhân dân Chi-lê.
32 thợ mỏ người Chi-lê và 1 thợ mỏ người Bô-li-vi-a đã bị mắc kẹt ở độ sâu gần 700m dưới lòng đất từ ngày 5-8-2010 sau vụ sập hầm mỏ Xan Giô-xê trên sa mạc, cách Thủ đô Xan-ti-a-gô của Chi-lê 850km về phía bắc. Ngay khi nhận lời nhắn của các thợ mỏ từ một mẩu giấy trắng được nhân viên cứu hộ tìm thấy: “Chúng tôi vẫn sống và hiện ở trong hầm trú ẩn”, Chính phủ và cả nước Chi-lê đã dốc toàn lực cứu hộ.
Đó chưa phải là điều kỳ diệu duy nhất. Sự sống của những người thợ mỏ vẫn được duy trì trong lòng đất, khi nước, thực phẩm và những nhu yếu phẩm khác được chuyển qua một lỗ khoan nhỏ. Thậm chí, họ vẫn khoác tay nhau cùng hát quốc ca bên lá cờ tổ quốc để tổ chức lễ kỷ niệm 200 năm quốc khánh Chi-lê vào ngày 18-9 vừa qua. Các nhà lãnh đạo, nhân viên cứu hộ Chi-lê và cả những kỹ sư nước ngoài tham gia giải cứu, cũng đã làm được những điều phi thường. Nhóm cứu hộ ban đầu dự kiến phải đến lễ Giáng sinh (25-12), mới có thể đưa được những người thợ mỏ lên mặt đất. Tuy nhiên, công việc cứu hộ đã tiến triển nhanh hơn. Các nhân viên giải cứu đã thành công khi mở đường và đưa được thiết bị cứu hộ tới hầm lánh nạn của các thợ mỏ. Việc đưa các thợ mỏ lên mặt đất từ các lồng cứu hộ cũng được chuẩn bị hết sức tỉ mỉ, cụ thể, từ kỹ thuật, an toàn tới công tác y tế, kiểm tra và chăm sóc sức khỏe. Cuộc giải cứu bắt đầu từ sáng 13-10, tới trưa 14-10, toàn bộ 33 thợ mỏ đã được đưa lên mặt đất sau gần 23 giờ làm việc liên tục của lực lượng cứu hộ.
Hơn 1.000 phóng viên trong nước và quốc tế có mặt tại khu mỏ cùng hàng triệu người trên khắp thế giới xem truyền hình trực tiếp và qua các trang báo trên mạng in-tơ-nét được chứng kiến người thợ mỏ đầu tiên, Phlo-ren-xi-ô A-va-lốt, 31 tuổi, được đưa lên mặt đất. Thời khắc mà theo họ, chưa từng có trong lịch sử khai thác mỏ và giải cứu trên thế giới. Đó là thời điểm không bao giờ quên đối với mỗi người dân Chi-lê. Niềm vui càng lớn khi cứ mỗi giờ trôi qua, lại thêm một thợ mỏ được giải cứu.
Hành trình trở lại mặt đất của 33 thợ mỏ thấm đẫm mồ hôi, nước mắt, không chỉ của từng người thợ, mà của cả dân tộc Chi-lê. Hơn thế nữa để có được sự hồi sinh đó là nhờ nghĩa tình cao cả của Chính phủ Chi-lê và sự giúp đỡ của chuyên gia nhiều nước trên thế giới đã nỗ lực hết sức để giữ gìn, bảo vệ sự sống cho những người thợ mỏ. Đúng như Tổng thống Xê-ba-xtriên Pi-nê-ra nói: khi đất nước Chi-lê đoàn kết, khi chúng ta luôn luôn vì sự sống của mọi người, chúng ta sẽ làm được những điều phi thường...
Sau khi cuộc giải cứu kết thúc, những người thợ mỏ được trở lại cuộc sống bình thường. Họ và cả đội quân cứu hộ xứng đáng là những người anh hùng, bởi đã giữ và bảo vệ thành công sự sống, điều quí giá nhất của con người.
(Nguồn: VOV)