<b>Tại một số bệnh viện tuyến tỉnh, việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (NCT) những năm gần đây đã có nhiều thay đổi tích cực.</b><br>
Nhiều người cao tuổi phát hiện bệnh muộn do ít đi khám sức khỏe định kỳ
Một số bệnh viện đã thành lập Khoa Lão khoa chuyên chăm sóc sức khỏe NCT. Tuy nhiên, nhiều NCT hiện chưa quan tâm đúng mức tới việc khám sức khỏe định kỳ. Chỉ khi trở bệnh, đau ốm mới đi khám và phát hiện nhiều bệnh lý khác kèm theo.
Khoa Lão khoa (Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh) trung bình mỗi năm điều trị cho 1.400 NCT. Khoa Lão khoa (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cũng điều trị cho gần 2.000 NCT. Hầu hết bệnh nhân đều có bảo hiểm y tế và mắc các chứng bệnh mạn tính liên quan đến tim mạch, huyết áp, xương khớp, đột quỵ, phổi tắc nghẽn, rối loạn chuyển hóa...
Theo các bác sĩ, NCT đến điều trị tại bệnh viện với nhiều vấn đề về sức khỏe. Đó là đa bệnh lý, các bệnh phức tạp, biểu hiện không điển hình, dùng nhiều thuốc, hội chứng dễ tổn thương, hội chứng sa sút trí tuệ, suy dinh dưỡng, giảm khả năng vận động, giảm hoạt động chức năng. Một số trường hợp nhiều năm liền không đi khám sức khỏe định kỳ và khi đến viện thì đã phát hiện mình mắc nhiều bệnh.
Bà Lâm Bích Ngọc (74 tuổi) ở số 55 phố Bắc Kinh (TP Hải Dương) cho biết hơn 40 năm nay bà rất hiếm khi đến các bệnh viện để khám và chữa bệnh. Thời gian gần đây sức khỏe giảm nên bà mới thường xuyên đi khám bệnh và thấy được giá trị của việc theo dõi khám sức khỏe định kỳ.
Bà Phạm Thị Xuân ở thôn Vũ Xá, phường Ái Quốc (TP Hải Dương) cũng có tâm lý ngại khi đi khám bệnh. Chỉ khi thấy tức ngực, khó thở, có đờm, bà mới đi khám thì được biết mình đã mắc bệnh phổi. Điều trị bệnh phổi đỡ một thời gian, đi khám lại bà được chẩn đoán mắc thêm bệnh về tim. Từ đó đến nay, bà Xuân và nhiều thành viên trong gia đình đã thấy rõ được lợi ích việc đi khám thường xuyên để kịp thời phát hiện, điều trị bệnh.
Bác sĩ Hà Thị Huệ, Phó Trưởng Khoa Lão khoa (Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh) cho biết thực tế phần lớn bệnh nhân cao tuổi là cán bộ hưu trí và ở các thành phố, thị xã, thị trấn sẽ chăm lo tới sức khỏe của bản thân nhiều hơn so với những NCT ở nông thôn. Nhiều NCT có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, một số gia đình con cháu chưa quan tâm sức khỏe của những NCT nên không đưa họ đi khám định kỳ. Nhiều bệnh nhân có thói quen tự ý mua thuốc điều trị tại nhà sau nhiều ngày không khỏi, bệnh có biểu hiện nặng mới đến bệnh viện điều trị. Khá nhiều NCT vô tình phát hiện bệnh của mình trong những đợt khám chữa bệnh tình nguyện, khám nhân đạo. Khi phát hiện thì bệnh đã diễn biến nặng, điều trị rất khó khăn, tốn kém, thậm chí để lại di chứng nặng nề.
Để chăm sóc NCT toàn diện hơn, các cấp, các ngành liên quan cần phát triển mô hình y học gia đình; củng cố hệ thống bệnh viện chuyên về lão khoa. Nghiên cứu và thí điểm mô hình nhà dưỡng lão phù hợp với truyền thống văn hóa. Đẩy mạnh phát triển y tế cơ sở bởi các trạm này giúp việc chăm sóc, điều trị và quản lý các bệnh mạn tính cho NCT được tốt hơn.
ĐỨC THÀNH