Hiện nay, người cận nghèo vẫn còn quá thờ ơ trước những ưu đãi được Nhà nước hỗ trợ, những lợi ích từ việc tham gia bảo hiểm y tế.
Nếu không có bảo hiểm y tế, người cận nghèo khó được tiếp cận với dịch vụ y tế kỹ thuật cao
Nhiều ưu đãi Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, tính đến cuối tháng 9-2012, toàn tỉnh có 14.392 người cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), trong đó, 6.099 học sinh, sinh viên thuộc đối tượng cận nghèo và 8.293 người dân cận nghèo tham gia BHYT. Như vậy, số người cận nghèo tham gia BHYT mới chỉ chiếm 14,4% tổng số người cận nghèo, quá thấp so với tỷ lệ hộ cận nghèo trong toàn tỉnh. Người cận nghèo tham gia BHYT được hưởng các chính sách ưu đãi như được Nhà nước hỗ trợ 70% mức phí mua BHYT, được thanh toán 80% chi phí khám, chữa bệnh khi tổng chi phí lần khám, chữa bệnh cao hơn 15% mức lương tối thiểu (trường hợp khám, chữa bệnh tại tuyến xã thì không chi trả). Khi sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao chi phí lớn, họ được thanh toán 80% chi phí nhưng tối đa không quá 40 tháng lương tối thiểu cho một lần sử dụng dịch vụ. Ngoài ra, bệnh nhân là người cận nghèo được thanh toán chi phí vận chuyển từ bệnh viện tuyến huyện trở lên trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú nhưng vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở y tế. Khi toàn bộ các thành viên trong hộ cận nghèo tham gia BHYT, mức đóng sẽ được giảm trừ dần theo tỷ lệ %. Hiện nay, ngân sách nhà nước đang hỗ trợ 70% mệnh giá thẻ thì người thứ nhất đóng bằng 30% mệnh giá thẻ BHYT, người thứ hai đóng bằng 90% mức đóng của người thứ nhất, người thứ ba đóng bằng 80% mức đóng của người thứ nhất, người thứ tư đóng bằng 70% mức đóng của người thứ nhất và từ người thứ năm trở đi đóng bằng 60% mức đóng của người thứ nhất...
Đăng ký khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Minh Hạnh
Các rào cản Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng số lượng lớn người cận nghèo không mặn mà với BHYT là do khó khăn về kinh tế và nhận thức của người dân về lợi ích khi tham gia BHYT còn lơ mơ. Theo Luật về BHYT, dù hộ cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ 70% mức phí BHYT, nhưng mỗi người dân vẫn phải nộp gần 200 nghìn đồng/người/ năm để mua BHYT. Nếu một gia đình có khoảng 3-4 người, thì việc bỏ ra gần 1 triệu đồng để mua BHYT là điều rất khó so với thu nhập của họ. Chính vì vậy, rất nhiều hộ cận nghèo không thể tham gia BHYT.
Mặt khác, nhiều người dân chưa nhận thức được hết lợi ích khi tham gia BHYT. Như trường hợp của chị Phạm Thị T. ở xã An Thanh (Tứ Kỳ), là lao động tự do, thu nhập bấp bênh qua ngày, chị mắc bệnh suy thận phải thường xuyên chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa TP Hải Dương. Chị T. tâm sự: “Do không có BHYT nên tôi phải tự lo mọi khoản chi phí khám, chữa bệnh. Giá bệnh nhẹ thì gia đình còn cố gắng vay mượn chữa trị cho khỏi, còn với căn bệnh suy thận này thì quá tốn kém, dù đau ốm tôi vẫn phải cố gắng tranh thủ đi làm kiếm tiền lo chi phí chạy thận”.
Một nguyên nhân nữa khiến việc khám, chữa bệnh bằng BHYT chưa thu hút được người cận nghèo đó là do chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế chưa bảo đảm. Theo quy định, người dân đăng ký mua BHYT ở đâu thì khám, chữa bệnh ban đầu ở đó. Phần lớn, người cận nghèo đều đăng ký mua BHYT ở trạm y tế xã, phường nên đây cũng là nơi khám chữa bệnh ban đầu của người cận nghèo. Trong khi trên thực tế, hầu hết trạm y tế xã, phường vẫn còn thiếu về trang thiết bị. Nếu trong trường hợp mắc bệnh nặng, phải chuyển lên tuyến trên người bệnh sẽ rất mất thời gian, nhiều thủ tục rườm rà.
Hơn nữa, các danh mục thuốc được phát theo diện BHYT vẫn chỉ là loại thuốc thông thường, những thuốc đặc trị, đắt tiền vẫn nằm ngoài danh mục được thanh toán. Công tác tuyên truyền tới hộ cận nghèo về BHYT ở nhiều địa phương chưa được chú trọng, dẫn tới tình trạng, nhiều người trong diện cận nghèo không biết mình được hưởng lợi ích gì từ BHYT. Ông Đinh Văn Đ. ở phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) cho biết: “Là hộ được bình xét cận nghèo của địa phương, nhưng tôi chưa được nghe tới chính sách về BHYT cho người cận nghèo. Hơn nữa, kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn nên tôi không tham gia”.
Để giải quyết vấn đề này, theo ông Vũ Đức Khiên, Trưởng phòng Thu, BHXH tỉnh cho biết: Nhận thấy khó khăn của những người cận nghèo tham gia BHYT, nên BHXH tỉnh đã trình HĐND, UBND tỉnh đề nghị tiếp tục trích ngân sách hỗ trợ thêm 20% mức phí BHYT cho người cận nghèo. Nếu chính sách này được thông qua, sẽ tháo gỡ được khó khăn và nâng tỷ lệ người cận nghèo tham gia BHYT. Bên cạnh đó, ngành BHXH cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền tới những hộ cận nghèo để họ nắm được quyền lợi, trách nhiệm của bản thân khi tham gia BHYT. Trong năm nay, BHXH tỉnh cũng giao chỉ tiêu về BHXH huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh vận động được ít nhất 30% số hộ cận nghèo tại địa phương tham gia BHYT. Ngoài ra, BHXH các huyện, thị xã, thành phố cũng chủ động vận động các doanh nghiệp hỗ trợ một phần chi phí mua thẻ BHYT cho hộ cận nghèo. Như BHXH huyện Kim Thành, vận động được doanh nghiệp hỗ trợ đóng 25% mức phí BHYT cho 97 người thuộc 66 hộ cận nghèo tham gia BHYT năm 2012. Một trong những giải pháp quan trọng nữa là phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT.
TÂM PHÚC