Đằng sau những chế độ ăn với mục đích "giảm cân cấp tốc" là những nguy hiểm tiềm tàng.
Gout là gì?
Bệnh gout (gút) còn được gọi là thống phong, một dạng viêm khớp phổ biến với tỷ lệ mắc bệnh của nam cao hơn nữ 4 lần, đặc biệt từ 30 tuổi trở lên. Về cơ bản, gout là một căn bệnh di truyền nhưng thói quen sinh hoạt và ăn uống không hợp lý của nhiều người khiến tỷ lệ mắc gout dần trẻ hóa.
Gout là tình trạng rối loạn chuyển hóa liên quan đến nồng độ axit uric trong máu. Khi nồng độ này tăng cao, các tinh thể urat (muối của axit uric) được hình thành, xuất hiện chủ yếu ở các khớp gây ra viêm, sưng, đau đớn kéo dài nhiều ngày, có thể gây cứng, biến dạng khớp và khả năng vận động bị suy giảm.
Bệnh gout có thể ảnh hưởng đến bất kỳ khớp nào trong cơ thể bao gồm ngón chân cái, mắt cá, đầu gối và ít gặp ở khớp tay.
Theo GS Nội khoa Gaafar Ragab (Đại học Cairo, Ai Cập), các đợt gout cấp tính thông thường sẽ khỏi sau 3-10 ngày không cần điều trị. Tuy nhiên, tần suất triệu chứng sẽ tăng nếu không điều trị kịp thời hoặc phớt lờ bệnh. Sau khoảng 10 năm, bệnh nhân sẽ mắc gout mạn tính và phát triển tophi, một dạng khối u lớn do axit uric lắng đọng gây tổn thương vĩnh viễn cho khớp và thận.
Những tác nhân gián tiếp
Ngày nay, nhiều người trẻ hay tìm đến các phương pháp "giảm cân cấp tốc" để nhanh chóng đạt được cân nặng mơ ước. Tuy nhiên, đằng sau những chế độ dinh dưỡng khắc nghiệt đó là vô số nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe.
Một nghiên cứu được tiến hành bởi TS Sok Cheon Pak (Đại học Charles Sturt, Australia), những người thực hiện các chế độ nhịn ăn gián đoạn (Intermittent Fasting), Yo-Yo Diet và Keto có tỷ lệ axit uric, huyết áp cao hơn bình thường.
Theo PGS Nurshad Ali (Khoa Hóa sinh và Sinh học Phân tử tại Đại học Shahjalal, Bangladesh), axit uric là chất thải trong quá trình chuyển hóa purine của cơ thể, quá trình này phần lớn diễn ra ở thận và được cơ thể loại bỏ một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, cơ thể của người béo phì rất nhạy cảm với insulin và thận của họ hoạt động kém hiệu quả. Điều này ảnh hưởng đến quá trình lọc máu khiến tỷ lệ axit uric tăng, đồng nghĩa với nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn, theo Adel G. Fam (GS Y khoa tại Đại học Toronto, Canada).
Nghiên cứu trên 11.000 người của CDC Mỹ từ 2007 đến 2014 cho thấy những người béo phì trong vòng 10 năm có tỷ mắc bệnh gout cao hơn 1,65 lần. Hơn nữa, ở người béo phì trong khoảng thời gian dài hơn, con số này là 1,84 lần.
Bên cạnh đó, khảo sát cũng chỉ ra rằng triệu chứng gout ở những người bị béo phì đang trong quá trình giảm cân có tần suất thấp hơn. Có thể nói cân nặng và gout có một mốt quan hệ mật thiết với nhau.
Thực phẩm tiềm ẩn nguy cơ
Với những người mắc bệnh gout, việc có một chế độ ăn uống lành mạnh rất quan trọng. Tiêu thụ ít hoặc hạn chế các thực phẩm chứa nhiều purine sẽ giúp ngăn ngừa các triệu chứng gout.
Ngoài ra, theo Bộ Y tế và Tạp chí Y khoa Anh (BMJ), đường fructose và các đồ uống có đường cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout và các cơn đau dù chúng không giàu purine. Thực chất, chúng góp phần tăng axit uric bằng cách thúc đẩy quá trình hoạt động của một số tế bào.
Khảo sát của Viện nghiên cứu sức khỏe Canada (CIHR) với hơn 125.000 người cho thấy những người tiêu thụ nhiều đường fructose có nguy cơ mắc bệnh gout cao hơn 62%.
Đồng thời, nghiên cứu cho thấy sản phẩm từ đậu nành, sữa ít béo và bổ sung vitamin C làm giảm nồng độ axit uric trong máu, giúp ngăn ngừa các cơn gout. Bên cạnh đó, các sản phẩm sữa thông thường hầu như không ảnh hưởng đến nồng độ axit uric.
Trong giai đoạn không nhận thấy dấu hiệu của bệnh hoặc đang mắc bệnh, nên hạn chế các thực phẩm như nội tạng, thịt đỏ, hải sản (cá hồi, cá thu, sò điệp, cua, tôm, trứng cá...), sản phẩm nhiều chất béo bão hòa, nước trái cây, nước ngọt, men dinh dưỡng và rượu bia.
Các sản phẩm tinh bột đã qua chế biến như bánh mì trắng, bánh ngọt và bánh quy cũng là nguyên nhân. Mặc dù chúng không chứa nhiều purine hoặc fructose, nhưng hàm lượng chất dinh dưỡng thấp có thể làm tăng nồng độ axit uric, theo Stephen P. Juraschek (TS dịch tễ tại Đại học Harvard, Mỹ).
Chế độ ăn phù hợp
Việc loại bỏ hoàn toàn những thực phẩm như bún bò, phở với người có nguy cơ mắc gout có vẻ rất khó khăn. Tuy nhiên một chế độ ăn thích hợp, hạn chế, ăn ít và có kiểm soát các sản phẩm chứa nhiều purine sẽ là giải pháp tốt nhất.
Thực tế, vẫn còn rất nhiều thực phẩm có hàm lượng purine thấp mà có thể tiêu thụ mỗi ngày giúp giảm áp lực cho thận như trái cây, các loại đậu, hạt, ngũ cốc, thảo mộc, dầu olive, sản phẩm từ sữa và đặc biệt là sữa ít béo.
Một số nguồn đạm an toàn có thể dùng thay thế cho thịt là whey protein hoặc casein, vốn dĩ là chế phẩm từ sữa với hàm lượng purine thấp, theo một nghiên cứu được công bố trên PubMed (Thư viện Y học Quốc gia Mỹ).
Theo nghiên cứu của Hyon Choi (GS Y khoa và Giám đốc dịch tễ học lâm sàng về bệnh thấp khớp tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, Mỹ), các loại rau xanh là một trường hợp ngoại lệ, dù chứa purine nhưng không góp phần làm tăng hàm lượng axit uric.
Những chế độ ăn có đầy đủ tinh bột, thịt và rau sẽ tốt hơn việc chỉ tiêu thụ thịt đỏ và hải sản. Do đó, một chế độ ăn uống cân bằng, khoa học phù hợp với nhu cầu và tình trạng của cơ thể đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe.
Ngoài ra, cần đảm bảo cơ thể được cung cấp đủ nước bằng cách uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày, kết hợp với tập luyện thể thao sẽ giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh gout.
Theo Zing