Người bạn mới

27/08/2013 16:15



Vào đầu năm học, cả lớp nhộn nhạo hẳn lên khi cô giáo giới thiệu: “Lớp ta có một bạn mới chuyển đến. Bạn ấy tên là Châu”. Thế rồi khi Châu xuất hiện, sự nhộn nhạo chuyển thành hỗn loạn. Tất cả ào ào lên, có cả tiếng la hét nữa: “Châu chấu ơi là châu chấu ơi!”, một đứa nào đó gào lên rất phấn khích làm mọi người cười ồ. Châu đỏ bừng mặt. Bạn ấy còn lạ nước lạ cái cho nên không dám nói gì trước những trò đùa như quỷ của lũ “ma cũ”. Nhưng cô giáo chủ nhiệm thì nghiêm mặt, mắng luôn. Cô bảo đừng có lấy bạn ra làm trò đùa, lớp cần phải nghiêm túc, phải giúp đỡ bạn cho bạn cùng tiến bộ. Cô ra khỏi lớp, mọi thứ còn hỗn loạn hơn. Bọn con trai vẫn chưa “cắt cơn cười” vì cái tên “Châu chấu” mà đứa nào tinh quái vừa đặt cho Châu. Lớp này ai cũng có biệt danh, những biệt danh lắm khi khiến “khổ chủ” của nó sống dở chết dở. Bọn con gái thì điềm tĩnh hơn, ngắm kỹ Châu. Châu có vóc người còi cọc so với bọn con gái cùng lớp, nước da lại đen đen. Mái tóc của bạn ấy rất dài, nhưng hơi cháy nắng, được buộc gọn gàng bằng một sợi dây thun. Điều ấy làm lũ con gái trong lớp buồn cười nhất. Bởi vì, lớp tám rồi, đứa nào cũng biết làm điệu cho mình bằng đủ loại dây buộc tóc đẹp đẽ, chỉ có Châu là buộc tóc bằng dây thun. Dáng điệu của Châu cũng ngơ ngác, ngác ngơ… Mấy đứa con gái bắt đầu xúm lại hỏi chuyện Châu. Hóa ra bạn ấy từ dưới huyện chuyển lên thành phố học, bởi vì nhà bạn ấy mới chuyển lên đây. Châu đi học đến ngày thứ hai  thì mọi thông tin về bạn ấy cơ bản đã được cả lớp “cập nhật” hết. Nào là nhà Châu rất nghèo. Bố mẹ bạn ấy không thể nuôi sống cả nhà bằng mấy mảnh ruộng bạc màu nên đóng cửa nhà, chuyển cả gia đình lên thành phố để thuê một căn nhà nho nhỏ, hằng ngày bố Châu đi làm thuê, mẹ buôn bán kiếm sống. Nào là Châu còn một em gái đang học tiểu học. Nào là nhà bạn ấy thuê ở tận trong một ngõ hẻm rất sâu, rất tồi tàn… Cập nhật về Châu đến đâu, bọn con gái có vẻ coi thường Châu đến đấy. Nhất là khi nhìn những đồ dùng học tập của Châu. Cái gì cũng cũ, cũng xấu, cũng đã được dùng từ bao nhiêu năm nay. Ngay bộ sách giáo khoa của Châu cũng là sách cũ, bìa nát tướp ra. Châu bảo, bạn ấy xin của một chị hàng xóm… Mấy bạn gái điệu điệu trong lớp thì cứ xì môi khi nhìn đôi dép tổ ong Châu đi. Đúng thật là nhìn Châu lạc lõng biết bao nhiêu giữa lớp học. Châu lại còn đi bộ đến lớp nữa chứ. Bạn ấy thật thà bảo nhà nghèo lắm, không có tiền mua xe đạp. Cho nên, vào lớp được một tuần mà Châu vẫn chưa có bạn. Đám con trai thì hẳn rồi, chúng chỉ quen tụ tập với nhau, chơi những trò của riêng con trai nên không “kết nạp” con gái. Còn đám con gái thì không thích chơi với Châu, vì Châu nhìn quê mùa, nghèo hơn tất cả. Có bạn còn bảo, cái tên “Châu chấu” thật hợp với Châu, vì nó nói được cái quê kệch của Châu. Có đứa ác mồm hơn thì lại bảo, có khi phải gọi Châu là Trâu. Châu có vẻ buồn. Giờ ra chơi, bạn ấy thường ngồi im tại chỗ, không tham gia bất cứ trò gì.

Nhưng qua mấy lần Châu bị gọi lên bảng kiểm tra bài cũ, cả lớp đã lờ mờ nhận ra Châu không xoàng xĩnh như mọi người tưởng. Vì bạn ấy lúc nào cũng thuộc bài và được điểm rất cao. Nhưng Châu vẫn chưa khiến mọi người thay đổi cách nhìn về bạn ấy. Đến khi các thầy cô trả bài kiểm tra một tiết, bài kiểm tra mười lăm phút, cả lớp mới “lác mắt”, phục lăn. Bao nhiêu điểm cao nhất của tất cả các môn về tay Châu hết, kể cả văn, toán, lý, hóa, cho đến giáo dục công dân và thể dục. Hôm nào trả bài kiểm tra, Châu cũng được các thầy cô giáo ngợi khen. Thế là mọi người trong lớp không dám coi thường cô bạn Châu nhỏ nhắn nữa. Bọn con gái bắt đầu xúm đến hỏi Châu bí quyết học thế nào mà môn gì cũng giỏi. Châu giỏi mà không kiêu, cứ khiêm tốn, thật thà chia sẻ cùng các bạn. Bọn con trai lại hay hỏi Châu những bài tập khó. Châu đều chỉ dẫn tận tình. Dần dần, ai cũng quý Châu. Cô giáo chủ nhiệm rất vui, cô khen cả lớp đã biết giúp bạn hòa đồng trong môi trường mới. Rồi cô khuyên một câu khiến nhiều bạn hơi hơi xấu hổ: “Không nên vội vã đánh giá một con người qua cái vẻ bề ngoài. Tốt gỗ hơn tốt nước sơn các em ạ”. Xấu hổ cũng phải thôi, vì đã có những lúc, các bạn tỏ ra coi thường Châu vì chỉ nhìn vào bề ngoài giản dị, vất vả của bạn ấy. Cả lớp đã được một bài học thật nhẹ nhàng và thấm thía.

Nguyễn Đức Hải Dương (Lớp 8A, Trường THCS Bình Minh, TP Hải Dương)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người bạn mới