Người nhấn nút “trái phá” phá tan một đoàn tàu quân sự chở lính Pháp cùng vũ khí đạn dược ngày 31-1-1954 tại khu vực ga Phạm Xá là ông Nguyễn Đình Viện ở thôn Phạm Xá, xã Tuấn Hưng (Kim Thành).
|
Anh hùng Nguyễn Đình Viện kể lại trận đánh năm xưa |
Cách đây đã 56 năm, ngày 31-1-1954, tại khu vực ga Phạm Xá (Kim Thành), một đoàn tàu quân sự chở lính Pháp cùng vũ khí đạn dược bị phá tan tành bởi khối thuốc nổ 50 kg. Người nhấn nút “trái phá” ấy là ông Nguyễn Đình Viện ở thôn Phạm Xá, xã Tuấn Hưng (Kim Thành). Tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà nhỏ, đơn sơ là ông cụ dáng quắc thước, tóc bạc trắng, giọng hào sảng. Mặc dù đã hơn nửa thế kỷ, nhưng ký ức về thời hào hùng theo Đảng đánh giặc còn vẹn nguyên trong ông. Ông sinh năm 1926, tham gia đội tự vệ của xã tháng 8-1945, được kết nạp vào Đảng năm 1948. Năm 1950, anh du kích Nguyễn Đình Viện nhập ngũ vào đơn vị bộ đội địa phương huyện Kim Thành. Suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, dù ở cương vị nào ông Viện đều mưu trí dũng cảm, chiến đấu gan dạ, hiệu suất tiêu diệt địch cao. Tiêu biểu là trận diệt quân tiếp viện tại ga Phạm Xá ngày 31-1-1954. Theo tin mật báo của trên địch sẽ có đợt chuyển quân lớn từ Hải Phòng về Hà Nội tiếp viện cho cứ điểm Điện Biên Phủ. Tỉnh đội Hải Dương chỉ thị Huyện đội Kim Thành tổ chức lực lượng dùng mìn cỡ lớn phục kích đánh đoàn tàu quân sự này. Huyện đội Kim Thành giao nhiệm vụ trực tiếp cho ông Nguyễn Văn Thoà (đã mất năm 1992, năm 1999 được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân) và Nguyễn Đình Viện là những người thông thạo địa hình và từng có kinh nghiệm đánh bộc phá trong một số trận công đồn.
Ông Viện nhớ lại: “Nhận nhiệm vụ, cả tháng trời, hàng đêm chúng tôi bò ra đường tàu nghiên cứu địa hình, quy luật tuần tra canh gác của địch… Chúng tôi chọn được vị trí đặt mìn cách ga Phạm Xá 200m về phía tây. Hầm ẩn nấp đào tại cánh đồng thôn Xuân Mang, đủ chỗ cho hai người ngồi và một giá kê bộ nguồn điện gồm 150 quả pin (mỗi quả 1,5 vôn). Cửa hầm cách nơi đặt mìn chừng 300m, có thể quan sát phát hiện địch từ xa, xác định được chính xác thời cơ “điểm hoả”. Đồng chí Thoà bắt tay đào hầm ẩn nấp, tôi được cử sang huyện Thanh Hà nhận mìn. Quả mìn đúc hình ống thon dài, trọng lượng 50 kg, đặt lọt giữa khe hai thanh tà vẹt đường tàu. Khó khăn nhất là đào hố chôn mìn, bởi hàng đêm cứ 3 tiếng lại có đám lính đi tuần, 6 tiếng một lần xe goòng chở lính kiểm tra đường sắt. Lợi dụng thời điểm giữa hai đợt lính đi tuần, chúng tôi tiến hành đào hố. Dụng cụ đào là hai chiếc răng bừa mài sắc có tra cán, khoét từng ít một, phải mất gần hai giờ mới xong. Để đất không bị rơi vãi, chúng tôi rải chiếc chăn ra cạnh đường tàu, trên để cái thúng đựng đất. Đất hót vào thúng đổ tận ngoài cánh đồng. Đào xong, đặt mìn vào hố, ngụy trang cẩn thận, chúng tôi nối quả mìn với “bộ nguồn” tại hầm trú ẩn bằng đường dây điện cũng được chôn kín dưới đất”.
Nhấp ngụm trà, ông Viện kể tiếp: “Mọi công tác chuẩn bị hoàn tất, nhưng chờ tới 3 ngày mà không có chuyến tàu nào qua. Sốt ruột chúng tôi xin được nổ mìn phá đường tàu, nhưng cấp trên yêu cầu kiên trì chờ đợi. Đến tầm gần trưa ngày 31-1-1954 nghe tiếng “xình xịch”, tôi cùng anh Thoà nhô đầu lên miệng hầm quan sát, thấy cùng một lúc xuất hiện hai đoàn tàu chạy theo hướng Hải Phòng- Hà Nội. Bọn địch cho đoàn tàu dân sự đi trước, tàu chở lính Pháp và vũ khí đi sau. Khi phần giữa của đoàn tàu quân sự ì ạch vào đúng “tâm nổ” anh Thoà hô nhỏ nhưng đanh gọn: Chuẩn bị….“đánh”…! Tôi chập mạnh điểm nối thông nguồn điện, một tiếng nổ lớn làm mặt đất rung chuyển, đoàn tàu bị hất tung lên gẫy làm đôi rơi xuống tan tành, bọn địch hoảng loạn kêu la ầm ĩ. Chúng tôi bật nắp hầm rút lui, nhưng vì hầm chật lại ngâm nước quá lâu chân tê cứng, không chạy được phải bò, bọn địch phát hiện đuổi theo. Đồng chí Thoà bình tĩnh dùng tiểu liên bắn trúng tên đi đầu làm hắn ngã lộn cổ khiến cả bọn sợ hãi không dám đuổi nữa. Được sự yểm hộ của đồng đội hai chúng tôi rút về căn cứ an toàn. Hôm sau cấp trên thông báo, trận đó chúng tôi đã diệt và làm bị thương 1. 017 tên lính Âu- Phi; phá huỷ hàng tấn vũ khí, quân trang, phương tiện chiến tranh khác”.
Hoà bình lập lại, ông Viện xin phục viên, được tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp. Những năm không quân Mỹ leo bắn phá miền Bắc ông là xã đội trưởng, phụ trách tổ súng bộ binh bắn máy bay địch, rồi phụ trách trung đội dân quân đào đắp công sự vận chuyển đạn dược, thương binh phục vụ bộ đội phòng không chiến đấu bảo vệ cầu Lai Vu. Năm 1967 ông chuyển sang công tác ở ngành thương nghiệp huyện Kim Thành đến năm 1979 thì về nghỉ hưu.
Với thành tích trong hai cuộc kháng chiến, ông Nguyễn Đình Viện được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Chiến công hạng ba, Chiến si thi đua toàn quân và nhiều bằng, giấy khen các loại… Mới đây, một vinh dự lớn đã đến với ông Viện: Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang do có thành tích xuất sắc trong kháng chiến chống Pháp. Giờ đây đã 84 tuổi đời, 60 năm tuổi Đảng, hằng ngày vợ chồng ông Viện sống vui cùng xóm giềng, con cháu nơi vùng quê yên bình. Rồi thời gian sẽ lùi xa, âu cũng là quy luật của tạo hoá, nhưng trận đánh tan đoàn tàu quân sự địch của ông và người đồng đội năm xưa sẽ còn lưu truyền mãi.
LÊ THÀNH VINH