Gần 10 năm gắn bó trên tuyến đường Trường Sơn, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Văn Cờ không nhớ đã tham gia bao nhiêu trận đánh, vận chuyển bao nhiêu lương thực, vũ khí cho chiến trường...
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Văn Cờ (bên phải) say sưa kể về những năm tháng xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Văn Cờ ở thôn Cẩm Đới, xã Thống Nhất (Gia Lộc) không khỏi xúc động khi nhớ về những năm tháng kiên cường chiến đấu, bắn hạ nhiều máy bay địch, bảo vệ đường Trường Sơn.
Những ngày xẻ dọc Trường Sơn
Chiều một ngày tháng 5, trong ngôi nhà khang trang, ông Cờ say sưa kể về những năm tháng băng rừng, lội suối, bắn phá máy bay địch, bảo vệ để lực lượng ta mở đường. Theo lời ông kể, ngày 14.9.1965 khi tròn 25 tuổi, sau khi lập gia đình không lâu, ông nhập ngũ, đóng quân tại xã Bình Minh (Bình Giang), thuộc Đại đội 13 (súng máy phòng không 12 ly 7), Trung đoàn 5B. Kết thúc huấn luyện ông được điều vào chiến trường, bổ sung cho Đoàn 559 - đường Trường Sơn. "Hôm ấy, chúng tôi hành quân vào ban đêm, đến ga Cẩm Giàng đi tàu hỏa đến Ninh Bình. Từ đây chúng tôi hành quân bộ vào Trường Sơn. Đường hành quân gian nan, trơn trượt, dốc đứng, vực cao. Trên vai ai cũng cõng 30 - 40 kg hàng hóa, dụng cụ cá nhân nhưng mọi người đều hừng hực khí thế ra trận", ông Cờ say sưa kể.
Ngay khi được bổ sung biên chế vào Đoàn 559, trước yêu cầu thực tế chiến tranh, ông Cờ báo cáo với cấp trên cho thành lập Tiểu đội 12 ly 7 (Tiểu đội phòng không bảo vệ cho lực lượng công binh mở đường). Ông được bố trí làm Tiểu đội trưởng. Gần 10 năm gắn bó trên tuyến đường Trường Sơn, ông không nhớ đã tham gia bao nhiêu trận đánh, đào bao nhiêu khối đất đá, vận chuyển bao nhiêu lương thực, vũ khí cho chiến trường... “Ngày nào, đêm nào cũng có máy bay địch đánh phá. Nhưng địch càng đánh, chiến sĩ ta càng hăng say mở đường. Địch đánh phá tới đâu, bộ đội ta lại sửa đường tới đó, làm ngày, làm đêm không để tuyến đường bị chia cắt”, ông Cờ nhớ lại.
Trung đội trưởng quyết chiến
Cuối năm 1971, ông Cờ được điều động về Sư đoàn 473 và được cấp trên giao nhiệm vụ tập hợp các đồng chí là pháo thủ phòng không để thành lập Trung đội 12 ly 7. Trung đội gồm 16 người làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ cho lực lượng công binh mở đường Trường Sơn, bảo vệ xe máy thi công, đánh biệt kích, đánh địch đổ bộ... Tháng 12.1971, trung đội ông được giao nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ khu vực Khe Sanh - một trong những trận địa ác liệt nhất của tuyến đường Trường Sơn. Trước tình hình giặc Mỹ ngày đêm bắn phá nhằm cắt đứt tuyến đường huyết mạch, ông đã chọn hai địa điểm để triển khai trận địa: một điểm ở cây số 1 và một điểm ở cây số 2 đường 14. Tại cây số 1, ông làm xạ thủ số 1 cùng với 2 xạ thủ: Nguyễn Ngọc Nẫm (TP Hải Dương) và Nguyễn Minh Xa (Hà Nội), mỗi người một khẩu súng máy. "Trong bom đạn điên cuồng của giặc, chúng tôi luôn động viên nhau sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm, quyết tâm giữ vững con đường", ông Cờ nhớ lại. Lập nhiều chiến công tại trận địa này, trung đội của ông được phong là "Trung đội quyết chiến".
Trong cuộc đời quân ngũ của mình, có một kỷ niệm ông Cờ mãi không quên. Đó là ngày 17.5.1972, ông hành quân cùng Trung đoàn vào Quảng Nam. Khi đoàn hành quân đến đèo Bù Lạch thì được lệnh dừng chân trong một cánh rừng. Ông chọn điểm cao gần đó để bố trí 2 khẩu 12 ly 7 sẵn sàng chiến đấu. Sau vài phút, địch phát hiện có bộ đội trú quân. Chúng đưa máy bay đến bắn phá, định bắt sống bộ đội ta. Cả cánh rừng chìm trong khói lửa. Ông lệnh cho anh em bắn trả quyết liệt, đồng thời khống chế máy bay địch hạ thấp độ cao. Khi một chiếc HU - 1A lượn tìm địa hình hạ cánh, cả hai khẩu 12 ly 7 nhanh chóng siết cò. Trực thăng địch trúng đạn rơi xuống bãi chuối rừng. Những chiếc còn lại bỏ chạy. "Trận đó, chúng tôi đã giải nguy cho cả trung đoàn. Trung đội được Bộ Tư lệnh Đoàn 559 tuyên dương, tôi được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhì", ông Cờ tự hào nói. Đến cuối năm 1972, ông tiếp tục được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Năm 1985, ông về nghỉ chế độ. Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Văn Cờ vẫn giữ lối sống giản dị, gần gũi, tích cực tham gia các hoạt động của địa phương và thường xuyên tham gia nói chuyện về truyền thống đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc với thế hệ trẻ quê nhà.
HÀ VY