Người anh cả “Sao Đỏ”: Tiếng thơm còn mãi

03/09/2020 07:02

Từ những tư liệu về Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng - người con ưu tú đất Hải Dương, chúng tôi hiểu được vì sao một đất nước nhỏ bé lại chiến thắng được thực dân và đế quốc hùng mạnh.


Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng trò chuyện với nhân dân trong một lần về thăm quê. Ảnh tư liệu

Khai sơn, phá thạch

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng sinh năm 1904, trong một gia đình nhà nho nghèo thuộc thôn Đông, xã Đoàn Tùng (nay là xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện). Năm 17 tuổi, ông đã sớm phải rời quê ra Hải Phòng kiếm sống. Tại đây, câu chuyện Phạm Hồng Thái với tiếng bom Sa Diện đã tác động rất lớn đến Nguyễn Lương Bằng. Cơ duyên cho ông gặp đồng chí Hồ Tùng Mậu và được giác ngộ cách mạng. Năm 1925, ông được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và được dự các lớp huấn luyện về chủ nghĩa Mác-Lênin do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy. Từ đó, ông hiểu được đường đi của cách mạng Việt Nam và quyết định đi theo con đường mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn.

Cuối năm 1926, từ Trung Quốc, đồng chí Nguyễn Lương Bằng xung phong về nước hoạt động để thiết lập hệ thống liên lạc trong nước với nước ngoài. Với trọng trách truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào trong nước và mở rộng phong trào cách mạng xuống phía Nam, Nguyễn Lương Bằng phải liên tục hoạt động ở Hải Dương, lúc ở Sài Gòn hoặc di chuyển đến Quảng Đông, Thượng Hải (Trung Quốc). Trong thời gian ngắn, các cơ sở cách mạng được thiết lập. Nhưng tháng 5.1931, đồng chí bị địch bắt. Thực dân Pháp đã dùng mọi nhục hình tra tấn nhưng không khai thác được gì, cũng không khuất phục được tinh thần quả cảm của ông. Ở trong tù, Nguyễn Lương Bằng vận động anh em đấu tranh đòi cải thiện chế độ hà khắc, đồng thời tham gia thành lập Chi bộ Đảng ở đây. Cũng từ đây, ông được biết đến với bí danh Sao Đỏ.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng gian khổ, Nguyễn Lương Bằng đã ba lần bị địch bắt, hai lần vượt ngục thành công. Nhiều lần giáp mặt với cái chết, mặc cho quân thù tra tấn dã man, đồng chí vẫn nêu cao khí tiết của người cộng sản, tuyệt đối trung thành với Ðảng, với sự nghiệp cách mạng, với nhân dân. Nguyễn Lương Bằng từng bước trưởng thành: Từ hội viên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đồng chí được kết nạp vào An Nam Cộng sản Đảng, trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Không chỉ là người “khai sơn, phá thạch” thời xây dựng Đảng, sau này, Nguyễn Lương Bằng cũng là người đi đầu thực hiện mọi nhiệm vụ mới của cách mạng. Ông là người đầu tiên thực hiện nhiệm vụ xây dựng tài chính cho Đảng và Mặt trận Việt Minh, cũng là người đầu tiên lãnh đạo công tác kinh tế - tài chính của Đảng trong kháng chiến chống thực dân Pháp và là người đứng đầu công tác kiểm tra của Đảng.

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng là người đầu tiên tổ chức, xây dựng và là Tổng Giám đốc đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đại sứ đầu tiên của nước ta tại Liên Xô. Ông được nhân dân tin tưởng bầu làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, rồi tiếp tục được bầu làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam thống nhất. 

Tiếng thơm để lại cho đời

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng mất ngày 20.7.1979. Đã hơn 40 năm ông đi xa, nhưng những câu chuyện về một người hết lòng vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân vẫn được lưu truyền. Trong đó có chuyện bà Hà Thục Trinh, phu nhân Phó Chủ tịch nước hai lần tình nguyện trả lại ngôi biệt thự số 5 phố Thiền Quang, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho Nhà nước. Lần thứ nhất vào năm 1979, sau khi đồng chí Nguyễn Lương Bằng qua đời, bà đã viết thư gửi lãnh đạo của Đảng xin trả lại ngôi biệt thự để Nhà nước sử dụng. Thế nhưng yêu cầu này không được chấp thuận. Năm 1993, Hà Nội đang lên cơn “sốt đất, sốt nhà” thì bà lại một lần nữa tình nguyện trả, khiến dư luận vô cùng sửng sốt. Cũng bởi khi ấy, có một công ty đặt vấn đề thuê lại ngôi biệt thự với giá cả nghìn USD nên bà đem trả bởi nghĩ rằng: “Đất nước còn khó khăn, thiếu thốn, mỗi công dân phải có bổn phận gánh vác, sẻ chia". Được biết đó cũng là di nguyện của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng. 

Thời chống Pháp, trong một lần ông đi công tác sang Trung Quốc có mặc một chiếc áo đại cán dài, không may gặp đúng ngày trời nắng oi bức, mồ hôi vã ra như tắm, nhưng ông vẫn kiên quyết không chịu cởi. Mãi rồi mọi người mới biết vì hôm đó, ông mặc bên trong một chiếc áo sơ mi rách, nên đành bấm bụng chịu nóng chứ quyết không làm mất thể diện đất nước. Hay chuyện ông nhất quyết từ chối đề nghị của Liên Xô để tìm một trụ sở Đại sứ Việt Nam lớn hơn. Thời đó, Đại sứ quán Việt Nam ở Liên Xô đóng tại một căn nhà cũ kỹ trên một con đường nhỏ, mưa xuống là lầy lội, riêng ông chỉ ở trong một căn phòng rộng khoảng 15 m2. Nhưng ông luôn nhắc nhở anh em: “Chúng ta đang kháng chiến. Các đồng chí trong nước đang sống và làm việc trong điều kiện rất thiếu thốn. Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo cũng sống và làm việc trong điều kiện như vậy. Chúng ta không có quyền hưởng thụ, không có quyền sống phong lưu…”.

Tại Đại hội Tân Trào tháng 8.1945, đồng chí Nguyễn Lương Bằng là một trong 5 người được bầu vào Ban Thường trực Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam, là đại diện của Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh cùng các đồng chí Trần Huy Liệu, Cù Huy Cận vào Huế để tịch thu ấn kiếm của vua Bảo Đại. Khi trở về Hà Nội, trước khi Chính phủ lâm thời ra mắt đồng bào Thủ đô, ông xin rút khỏi Ban Thường trực Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam để nhường chỗ cho các nhân sĩ, trí thức yêu nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận xét: “Đây là một cử chỉ vô tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân”.

75 tuổi đời, với hơn nửa thế kỷ phấn đấu cho độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, đồng chí Nguyễn Lương Bằng là một tấm gương sáng hết lòng vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Ông là niềm tự hào của người dân xứ Đông, đúng như nguyên Bí thư Trung ương Đảng Hoàng Tùng nhận định: “Bình sinh chính trực, khiêm tốn, giấu mình, vùi đầu vào công việc, coi trọng của công, không mảy may vụ lợi, mưu danh. Sau khi qua đời, ông chỉ để lại một tấm gương, một tiếng thơm”.

HUYỀN ANH

(0) Bình luận
Người anh cả “Sao Đỏ”: Tiếng thơm còn mãi