Người "vác tù và" ở xã Thượng Vũ

16/12/2015 09:07

Không chỉ là một phát thanh viên tích cực, ông Nguyễn Văn Chép ở xã Thượng Vũ (Kim Thành) còn tham gia các hoạt động xã hội và đóng góp nhiều thành tích cho địa phương.



Hằng ngày, dù nắng hay mưa, ông Nguyễn Văn Chép vẫn cố gắng đến đúng giờ để kịp thời "lên loa"


Không quản thời gian

Hằng ngày, cứ 5 giờ sáng và 4 rưỡi chiều, ông Chép lại có mặt tại phòng truyền thanh xã. Dù nắng hay mưa ông vẫn cố gắng đến đúng giờ để kịp thời “lên loa". Đấy là còn chưa kể những lúc có việc đột xuất, công điện khẩn của cấp trên gửi về thì giờ nào ông cũng đều có mặt ngay. Nghe ông nói, tôi thấy công việc của người làm công tác tuyên truyền ở cơ sở cũng không hề dễ dàng.

Năm 1963, sau khi học xong lớp 7, ông Chép tham gia vào Ban thông tin xã Thượng Vũ. Sau khi đi thanh niên xung phong 3 năm (từ năm 1972 đến 1974), ông lại tiếp tục về làm tuyên truyền. Đến năm 1997, khi xã có chủ trương thành lập Ban truyền thanh, vốn có giọng đọc hay, lại có kinh nghiệm về thông tin, ông được tín nhiệm giao làm phát thanh viên và gắn bó với công việc đó cho đến bây giờ. Một ngày của ông Chép bắt đầu từ 2 giờ sáng với việc chăm sóc ruộng mủa như bao nông dân khác, đến 5 giờ ông có mặt tại phòng truyền thanh đọc bản tin đầu ngày, 6 giờ lại trở về nhà làm mủa, đến cuối buổi chiều tiếp tục lên Đài Truyền thanh phát tin cuối. 20 năm nay, công việc của ông vẫn theo quy luật ấy. Có những ngày đi làm đồng về thì đúng giờ phát thanh, ông mặc nguyên bộ quần áo lao động đầy bùn đất, đầu đội đèn pin, đi thẳng lên đó làm nhiệm vụ.

Nhớ về những ngày đầu tiên thành lập Đài Truyền thanh xã với biết bao khó khăn, ông Chép tâm sự: "Hồi ấy dây truyền thanh làm bằng thép, cứ mưa to gió lớn là đường truyền bị ảnh hưởng, tôi cùng với ông Vũ Văn Hồng (Trưởng đài đầu tiên), ông Nguyễn Đức Rắng (trực đài) phải thay phiên nhau khắc phục sự cố để bảo đảm cho chương trình phát sóng không bị gián đoạn. Bây giờ đường truyền đã hiện đại hơn, cán bộ đài cũng phần nào đỡ vất vả". Trong quá trình làm việc cũng có những sự cố nghề nghiệp khiến ông Chép không thể nào quên. Đó là vào một buổi sáng năm 2010, sau 15 phút phát sóng mà Đài Truyền thanh xã vẫn “im re”, ông Nguyễn Đăng Bình, Trưởng đài vội kiểm tra tình hình. Lúc ấy ông Bình nghĩ rằng người phát thanh hôm nay quên việc, sau buổi này sẽ nhắc nhở, kiểm điểm. Đến nơi thấy ông Chép vẫn đang say sưa đọc. Thì ra, sáng hôm ấy đi làm mủa về muộn, để kịp giờ phát ông Chép gấp rút lên thẳng đài, sơ suất không bật cầu dao mạng nên... "không có loa". Ông Chép lại phải nói lại từ đầu và chương trình truyền thanh kết thúc vào lúc gần 7 giờ sáng. Nhưng kể từ đó trở đi không bao giờ xảy ra sự cố mất tín hiệu nữa.

Nói về phát thanh viên xã Nguyễn Văn Chép, ông Nguyễn Đăng Bình khen ngợi: “Xã Thượng Vũ có lẽ không có người thứ hai làm được như ông Chép. Ông nhiệt tình, năng nổ với công tác của địa phương, luôn làm tốt nhiệm vụ của phát thanh viên xã. Nhờ ông Chép mà nhân dân trong xã nắm được các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các thông tin văn hóa, xã hội có liên quan đến địa phương”. Ông Chép rất linh hoạt trong công việc. Về mùa đông, trời thường tối nhanh, bà con muốn nghe đài sớm, ông đề nghị đài huyện cho phát 30 phút chương trình ca nhạc và được nhân dân hết sức ủng hộ. Bên cạnh đó, ông Chép còn tích cực biên tập tin bài, chắt lọc những tin tức quan trọng trên các phương tiện thông tin đại chúng để đọc cho người dân kịp thời. Bà Nguyễn Thị Quýnh ở thôn Thắng Yên cho biết: “Hằng ngày, tôi vẫn nghe chương trình truyền thanh của xã, thấy khá hấp dẫn. Qua đài truyền thanh, chúng tôi nắm được nhiều thông tin về kinh tế, an ninh xã hội, sức khỏe, đời sống, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như của địa phương. Ông Chép là người nhiệt tình với công việc. Ông có giọng đọc trôi chảy, dễ hiểu, ngày nào đi vắng không nghe được chương trình cứ thấy thiếu thiếu". Mỗi tháng nhận mức lương 920.000 đồng, được xã hỗ trợ thêm 180.000 đồng tuy không nhiều nhưng ông Chép vẫn không quản ngại khó khăn, nhiệt tình "vác tù và" bởi với ông đó là trách nhiệm của mình với cộng đồng. Ông nói: "Bây giờ còn sức khỏe, tôi còn làm. Tôi sẽ luôn nhiệt tình với các công việc, làm đến khi nào không còn sức để làm mới thôi".

Tâm huyết

Cùng với 19 năm làm phát thanh viên, ông Chép còn có 18 năm giữ chức Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã. Ông tích cực tham gia các hoạt động thăm hỏi, động viên các hội viên có hoàn cảnh khó khăn, đẩy mạnh phong trào sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của Hội Người cao tuổi. Hiện nay, ông là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thơ người cao tuổi xã. Bên cạnh đó, ông còn là ủy viên Ủy ban MTTQ xã, thành viên Hội Khuyến học, Hội Chữ thập đỏ... Ông cũng là Đội trưởng đội bơi thuyền chải thôn Thắng Yên. Dưới sự dẫn dắt của ông, đội đã giành nhiều thành tích cao trong các cuộc thi do huyện, tỉnh, toàn quốc tổ chức như 1 huy chương bạc tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc, 2 huy chương vàng tại Đại hội Thể dục thể thao tỉnh, 5 giải nhất toàn huyện. Ông Chép từng vinh dự được tham dự hội nghị điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước vào các năm 1995, 1999 và được UBND tỉnh tặng Bằng khen. Trong đời sống thường ngày, ông là một người Công giáo thực hiện tốt lời Bác dạy về đoàn kết lương giáo, sống tốt đời đẹp đạo, được mọi người yêu mến.

“Đây là Đài Truyền thanh xã Thượng Vũ...”, dù sắp bước sang tuổi “cổ lai hy” giọng đọc của ông Chép vẫn sang sảng vào mỗi sáng, mỗi chiều. Người dân xã Thượng Vũ đã quen nghe giọng đọc ấy đến mức nếu không thấy tiếng “đài nói” là lập tức gọi điện hỏi các cán bộ truyền thanh. Nghĩ đến hình ảnh người đàn ông gần 70 tuổi vẫn ngày ngày chẳng quản mưa rét đạp chiếc xe đạp cũ kỹ đến Đài Truyền thanh xã đọc tin cho người dân nghe, chúng tôi không khỏi xúc động. Với ông Chép, được làm việc, được cống hiến là hạnh phúc.

THU HIỀN

(0) Bình luận
Người "vác tù và" ở xã Thượng Vũ