Nhiều đoạn vỉa hè ở các khu dân cư, khu đô thị mới tại TP Hải Dương chưa được bàn giao cho đơn vị chức năng quản lý nên bị xuống cấp, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị...
Nhiều đoạn vỉa hè bị chiếm dụng làm nơi tập kết vật liệu xây dựng
Vỉa hè ở các khu dân cư (KDC), khu đô thị (KĐT) mới tại TP Hải Dương hiện chưa được chủ đầu tư KĐT bàn giao cho đơn vị chức năng quản lý. Do đó, nhiều đoạn hoàn thiện chưa lâu đã bị xuống cấp, ảnh hưởng mỹ quan đô thị.
Nhanh xuống cấpLà một trong những người đầu tiên xây dựng cơ sở kinh doanh trên đường Trường Chinh (đoạn thuộc KĐT mới phía tây TP Hải Dương), ông Nguyễn Quang C., chủ một siêu thị nội thất cho biết rất hiếm khi thấy có người đi kiểm tra, sửa chữa hè phố. Ngay cửa siêu thị của gia đình ông C. trước đây từng có một số nắp hố ga bị vỡ tạo một hố trên vỉa hè rất nguy hiểm nhưng không biết báo cho đơn vị nào đến để sửa. Chỉ khi ông chụp ảnh, đưa lên Facebook rồi một số cơ quan báo chí phản ánh thì nắp hố ga mới được sửa chữa.
Tình trạng vỉa hè những khu vực thưa dân cư bị chiếm dụng, xuống cấp còn xảy ra nhiều hơn. Cũng ở KĐT mới phía tây, nhiều đoạn vỉa hè còn trở thành nơi người dân đổ trộm rác thải, như đoạn ngã tư đường Thanh Bình - Phạm Văn Đồng. Ngay trên đường Thanh Bình đoạn rẽ vào đường Trần Văn Giáp có đoạn bị người dân chiếm dụng làm nơi rửa ô tô, xe máy, nước thải tràn lan khiến vỉa hè xuống cấp nhanh chóng.
Không chỉ vỉa hè bị hư hỏng mà tình trạng cây xanh mọc lộn xộn, không được chăm sóc, cắt tỉa tại các KDC, KĐT mới đã diễn ra nhiều năm nay. Điển hình như cuối đường Nguyễn Văn Linh, đoạn gần với khách sạn Nam Cường trước đây được chủ đầu tư trồng toàn xà cừ. Hiện nay, hàng cây này phát triển rất mạnh, một số cây có đường kính khoảng 40 cm nhưng bồn cây mỗi chiều chỉ rộng khoảng 80 cm. Do đó, hầu hết bồn đã bị vỡ, xô lệch. Tán cây không được cắt tỉa. Những đoạn vỉa hè này còn trở thành nơi tập kết chân đèn chiếu sáng, ống cống bê tông, nếu người dân muốn đi bộ buộc phải đi xuống lòng đường.
Ông Nguyễn Đình Khanh, Trưởng Phòng Kỹ thuật (Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương) cho biết vỉa hè ở các khu vực trên không thuộc quản lý của đơn vị nên không được dọn vệ sinh, duy tu thường xuyên dẫn đến sụt lún; những đoạn bị hỏng do vật liệu xây dựng đổ tràn lan cũng không được sửa chữa kịp thời. Ngoài ra, nhiều đoạn vỉa hè bị người dân chiếm dụng hoặc tự ý nâng, hạ, đặt thùng xốp trồng rau... Trong khi đó, vỉa hè tại các khu vực này chủ yếu được lát gạch tự chèn nên ở các khu vực ít người qua lại cỏ dại mọc rất nhanh.
Cần sớm bàn giaoTheo ông Trần Thế Cường, Phó Giám đốc Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương, để tránh tình trạng trên thì sau khi chủ đầu tư xây dựng xong hạ tầng KĐT mới cần bàn giao vỉa hè ngay cho UBND TP Hải Dương. Sau đó thành phố sẽ giao Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương quản lý, duy tu, cắt tỉa cây xanh...
Hiện nay, UBND TP Hải Dương quản lý 295 đường phố. Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương được giao quản lý 410.891 m2 vỉa hè. Do có đội ngũ công nhân kỹ thuật chuyên nghiệp nên các vỉa hè đều có người kiểm tra thường xuyên nhằm phát hiện và sửa chữa những đoạn xuống cấp. Đồng thời, hệ thống cây xanh được trồng trên các tuyến phố này cũng theo đúng chủng loại cây xanh đô thị, được cắt tỉa, tạo dáng phù hợp với từng tuyến đường.
Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố còn nhiều KDC, KĐT mới đã được chủ đầu tư hoàn thiện các công trình hạ tầng kỹ thuật, trong đó có các hạng mục như vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng, hệ thống thoát nước nhưng vẫn chưa bàn giao. Vì vậy, nhiều đoạn vỉa hè người dân tự ý sửa chữa, thay chủng loại gạch, tự ý thay thế cây xanh, chiếm dụng làm chỗ tập kết vật liệu xây dựng, kinh doanh... nhưng không bị xử lý.
Trong quá trình xây dựng các KDC, KĐT mới, chủ đầu tư đã tập trung hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật thiết yếu nhằm thu hút người dân đến mua đất, làm nhà. Sau khi xây dựng xong thì chủ đầu tư cần bàn giao hạ tầng kỹ thuật như vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng, hệ thống thoát nước để thành phố giao cơ quan chuyên môn quản lý. Có như vậy, hạ tầng kỹ thuật KDC, KĐT mới được quản lý tốt.
TIẾN HUY