Nhà tôi ở phố, bước chân ra khỏi cửa là thấy đường nhộn nhịp xe cộ, còi xe inh ỏi từ tờ mờ sáng đến khuya, muốn tìm một chỗ đá bóng hay chơi cầu lông cũng khó.
Nhà tôi ở phố, bước chân ra khỏi cửa là thấy đường nhộn nhịp xe cộ, còi xe inh ỏi từ tờ mờ sáng đến khuya, muốn tìm một chỗ đá bóng hay chơi cầu lông cũng khó. Cứ quanh quẩn trong nhà thì thể nào tôi cũng dán mắt vào ti vi hay máy vi tính. Vì vậy, mỗi dịp nghỉ hè, bố mẹ thường cho tôi đi học đàn, học vẽ, học bơi. Những món ấy tôi đã thạo cả rồi. Riêng hè năm nay, ông tôi bị đau chân nên bố mẹ cho tôi về quê phụ giúp ông bà việc nhà. Đây là hè đầu tiên tôi về quê chơi dài ngày.
Vừa thấy tôi đeo ba lô bước qua cái cổng gỗ cũ kỹ, cất tiếng gọi ông bà thì bà đã chạy ra đon đả:
- Để bà đỡ cho nào! Đi xa thế có mệt không cháu?
Ông tập tễnh chống nạng ra sân, hồ hởi:
- Cháu ông nhớn quá rồi nhỉ, cao hơn bà rồi!
Tôi rất thích không khí ở quê, vừa mát mẻ vừa yên tĩnh. Thích nhất là những hôm đẹp trời, bà trải chiếu ra hiên cho tôi nằm nghe bà kể chuyện và ngắm nhìn bầu trời đầy sao. Bà bảo mỗi ngôi sao trên trời kia ứng với một người nên tôi tò mò không biết ngôi sao nào trong vũ trụ mênh mông kia là ngôi sao của mình? Mỗi khi bà đọc Kiều, tôi chìm vào giấc ngủ êm đềm, trong giấc mơ vẫn lấp lánh những vì sao sáng rực.
Ở quê được một tuần, tôi đã quen nhiều bạn: thằng Cò, thằng Cuội, thằng Mộc, cái Na, cái Mít. Tụi nó dẫn tôi đi câu cá, đánh khăng, chơi bi, đá bóng. Bây giờ tôi mới được chơi những trò chơi thích thú như vậy. Riêng ra sông, ra ao thì ông bà cấm tiệt mặc dù tôi đã biết bơi. Bà cảnh báo: “Thuồng luồng đấy! Không ai trông được”. Tôi nghĩ bà dọa thôi, đứa nào không biết bơi thì sợ chứ tôi thì không.
Sáng hôm rằm, thằng Cuội rủ tôi ra vườn nhà nó vặt bưởi và một số loại quả để bà nó và bà tôi bày mâm ngũ quả cúng tổ tiên. Hai nhà giáp nhau nên có gì cũng san sẻ. Tôi vui lắm vì ở thành phố tôi chẳng được làm công việc này bao giờ. Đang bê rổ hứng quả thì tôi giật mình bởi tiếng “tùm” rõ lớn ở phía bờ ao bên kia. Thằng Cuội hét lên:
- Có người đuối nước! Cứu! Cứu với! - Nó vẫn ngồi vắt vẻo trên cây bưởi, hai chân quặp chặt. Tôi buông tạch rổ quả xuống đất, bơi nhào sang bên kia ao, túm được nắm tóc dài lôi vào bờ. Tôi nằm vật ra đất thở hổn hển. Con bé tóc dài ho sặc sụa, bật khóc nức nở.
Người lớn đổ xô đến, toàn là các ông bà già. Ai cũng xuýt xoa: “May phúc nhà mày nhá! Phúc to bằng cái đình nhá”. Thằng Cuội cũng đã chạy vòng sang. Bà tôi ôm chầm lấy tôi, run rẩy. Thấy tôi cười nhe răng, bà an tâm quay sang con bé kia:
- Ôi cái Mơ! Ra đây làm gì để đến nỗi ngã xuống ao. Thôi! Tai qua nạn khỏi rồi, về thay quần áo đi!
Tôi cũng chạy ù về thay đồ rồi ra vườn hái nốt quả với thằng Cuội. Nó nhìn tôi bằng con mắt thán phục:
- Cậu bơi giỏi quá! Hôm nay không có cậu thì cái Mơ đi theo bố nó rồi. Hôm nào cậu dạy tớ bơi nhé.
Tôi ngạc nhiên:
- Ơ! Bố cái Mơ mất rồi à? Thế cậu chưa biết bơi à?
- Ừ! Bố nó mất vì “ết” nên trẻ con xóm này chả ai chơi với nó. Hồi xưa bố nó nghiện ma túy. Sợ lắm!
Tôi bất bình và ra điều kiện:
- Đừng ác cảm với cái Mơ như thế. Tội nghiệp nó. Tớ sẽ dạy cậu bơi nhưng cậu không được xa lánh cái Mơ. Dù gì cũng là hàng xóm với nhau.
Thằng Cuội lưỡng lự:
- Để tớ suy nghĩ đã.
Buổi tối, mẹ cái Mơ dắt tay nó và xách theo con gà sang nhà ông bà tôi cảm ơn. Hóa ra nó chọc bưởi để thắp hương bố nhưng quả bưởi rơi xuống ao. Nó cố khều nên bị trượt chân. Bà tôi nhất mực không nhận gà. Bà bảo:
- Thế là may rồi. Không biết bơi thì nguy hiểm lắm.
- Vâng bà ạ! Cháu sẽ đề nghị với Đoàn thanh niên thuê thầy dạy bơi.
Bất chợt cái Mơ kéo tôi ra góc sân, chỉ lên bầu trời reo lên:
- Ôi! Trăng hôm nay sáng quá anh nhỉ? Anh có nhìn thấy ngôi sao to nhất kia không? Đó là ngôi sao hy vọng của em đấy. Em hy vọng mọi người đừng xa lánh em - Mơ thì thầm, chỉ đủ mình tôi nghe thấy.
Tôi thấy Mơ rất dễ gần. Nó cũng giống như những người bạn ở quê mà tôi mới quen, giống thằng Cuội, thằng Cò, thằng Mộc, cái Na, cái Mít. Vừa nghĩ đến chúng thì chúng kéo đến đầu cổng rủ tôi chơi trốn tìm. Thằng Cuội tuyên bố: “Cho cái Mơ chơi cùng”.
Tôi nhìn thấy trong mắt cái Mơ lấp lánh niềm vui…
VƯƠNG TUẤN KHANH(Lớp 7C, Trường THCS Nguyễn Trãi, Nam Sách)