Ngôi nhà cổ

24/09/2016 09:20



Ăn giỗ bà nội xong, khách khứa về hết, trước cả đại gia đình, bố tôi thủng thẳng, như nói cho một mình ông nội nghe: “Năm nay con được tuổi làm nhà, con sẽ xây một cái biệt thự ba tầng, để mỗi khi gia đình mình sum họp đỡ bất tiện...”. Bố chưa nói hết, ông nội đã trừng mắt, dùng cây gậy sắt chống xuống nền nhà, đứng phắt dậy, nói oang oang: “Anh chị muốn xây thế nào thì xây nhưng cấm được phá ngôi nhà này của tôi. Nhớ đấy, nhớ đấy!” - ông phủi mông quần, bỏ ra ngoài vườn. Trước thái độ của ông nội, mặt bố cứ ngẩn tò te. Mẹ định chạy ra vườn gọi ông vào bàn tiếp nhưng cô Na, em gái bố níu tay mẹ tôi lại:

- Anh chị bình tĩnh nào! Chuyện đâu còn có đó. Việc đại sự như vậy mà không làm công tác tư tưởng cho thầy trước thì đời nào thầy nghe. Thầy bị sốc là phải thôi. Gần tám chục năm trời thầy gắn bó với ngôi nhà này. Giờ anh chị đòi phá đi, xây nhà mới hoàn toàn, thầy sẽ hụt hẫng lắm đấy.

Nghe cô Na nói có lý, chẳng gì cô cũng là giáo viên mà, mẹ tôi đành ngồi xuống phản, phân bua:

- Cô xem! Nhà cửa thì chật chội, mái ngói thì xô, gỗ mọt hết cả rồi. Năm ngoái anh chị phải thuê thợ chuyên nghiệp về bắt mối mà có ăn thua gì đâu. Nền nhà thì thấp tìn tịt, thấp hơn cả mặt đường cái rồi kia kìa. Ngày xưa khó khăn thì cứ động viên nhau: “Ăn hết nhiều chứ ở hết bao nhiêu” nhưng bây giờ có của ăn của để, chả lẽ cả đời anh chị lại không dành dụm để làm được cái nhà khang trang hay sao? Mỗi bận thằng Tú Anh đưa vợ về quê, không có phòng riêng cho chúng nó, chị ái ngại lắm cơ. Nó sợ ông buồn nên trải chiếu ngủ tạm ở góc nhà chứ chả lẽ lại dắt nhau ra phố thuê khách sạn. Sau này chúng nó còn sinh con đẻ cái. Rồi cái Lan Anh nữa, người ta đến tìm hiểu mà cả nhà ngồi canh chừng, muốn nhỏ to tâm sự cũng không dám. Một vài năm nữa nó cũng lập gia đình. Mỗi bận nhà mình có công có việc, con cháu quây quần, cô bảo phải chui vào đâu?

Giọng bố trở nên bẳn gắt:

- Có phải năm nào cũng được tuổi làm nhà đâu. Thầy già rồi, thầy bảo thủ, lạc hậu lắm. Ai đời cứ muốn giữ mãi ngôi nhà cổ lỗ này. Xem chừng cũng ở được dăm đời rồi ấy chứ?

Anh Tú Anh xen vào:

- Bố mẹ để con thuyết phục ông xem sao. Bây giờ xã hội phát triển, tân tiến, nhà cao tầng mọc lên san sát. Cả làng này, chỉ có mỗi nhà mình là nhà ngói ba gian. Bố mẹ xây nhà to, nhà đẹp để ông được nở mày nở mặt với làng với nước chứ giữ mãi cái nhà ọp ẹp, ẩm thấp này làm gì?

Cứ thế, mỗi người một ý, câu chuyện hôm đó kết thúc khi cô Na nhận nhiệm vụ sẽ làm công tác tư tưởng cho ông bằng lòng. Tôi khấp khởi mừng thầm vì bố mẹ sắp xây nhà mới. Tôi sẽ có một phòng riêng, tha hồ trang trí, bày biện theo ý thích. Đám bạn của tôi hầu như đứa nào cũng có phòng riêng từ khi đi học. Tôi thầm ghen tị với chúng nó nhưng chẳng thể đòi hỏi. Tôi phải ngủ cùng bà nội và cô Na từ khi cai sữa mẹ. Năm tôi lên ba tuổi thì cô Na đi lấy chồng. Năm tôi hai mươi tuổi thì bà nội mất, từ đó tôi ngủ một mình. Còn anh Tú Anh thì phải ngủ cùng ông nội đến tận khi lấy vợ. Vợ anh là người thành phố, nhìn cảnh nhà chật chội, chị ấy khiếp sợ nên cưới được hôm trước hôm sau đã phải xin phép lên thành phố để thuê nhà cho tiện công việc. Vì vậy, chuyện xây nhà mới rộng rãi, đủ cho mỗi người một phòng khiến ai cũng hào hứng.

Nhưng cũng từ hôm đó ông nội trở nên trầm tư, hầu như không muốn nói chuyện với bất cứ ai trong nhà. Ông chỉ thích nói chuyện với bức ảnh chân dung của bà ở trên bàn thờ bởi sáng nào ông cũng dậy sớm từ lúc trời còn tờ mờ. Nghe tiếng ông trở mình, húng hắng ho, vùng dậy tìm cái gậy rồi cộc, cộc... là tôi biết ngay ông sẽ lần ra ban thờ đốt nhang và lầm rầm khấn vái. Ông tưởng mình thầm thì chỉ đủ mình ông nghe thấy nhưng vì ông đã hơi nặng tai nên thành ra lời thầm thì của ông khiến tôi nằm trên giường, trùm chăn mà vẫn nghe rõ mồn một:

- Bà ơi! Bà sống khôn thác thiêng, bà phù hộ cho tôi, cho các con, các cháu khỏe mạnh, nhà cửa êm ấm. Bà ơi, ngôi nhà này là của cụ kỵ, ông cha để lại. Tôi chỉ muốn giữ làm nhà thờ tổ thôi. Cả đời tôi và bà chỉ dám sửa sang, giữ gìn. Bà có nhớ không, cái năm lũ lụt, vỡ đê, nước ngập lưng nhà mà nó vẫn vững chãi, đứng yên cho đến khi nước rút, có suy suyển, hỏng hóc tí nào đâu? Mấy bận bão to rồi lốc xoáy mà chả viên ngói nào bị bay đi cả. Chúng nó thích phá đi xây nhà mới thì thiếu gì lý do lý trấu. Đúng là con cháu mình có tiền có của thì mình phải mừng nhưng cứ nghĩ đến cái cảnh ngôi nhà này bị phá đi, tôi không đành lòng bà ạ...

Hôm sau, ông lầm rầm chuyện khác với bà, quanh đi quẩn lại, rồi trở về chuyện ngôi nhà:

- Bà ơi! Mình có mỗi thằng cháu đích tôn thì nó sống và làm việc ở thành phố chứ đời nào nó chịu về quê. Bây giờ chúng nó giỏi lắm, đi một ngày đàng học một sàng khôn, chứ đâu có như tôi và bà suốt đời chỉ ở trong lũy tre làng. Thằng Tú Anh nó đã làm đến chức Phó Giám đốc một chi nhánh ngân hàng rồi đấy bà ạ. Vợ nó cũng làm nhân viên ngân hàng. Cái Lan Anh thì làm y tá, theo nghề của bố nó. Dạo này cũng có ối người đến tìm hiểu, chả mấy mà lấy chồng. Nhà chỉ còn tôi và vợ chồng thằng Xoài. Chòng chọc có ba người, xây biệt thự to đùng để làm gì cơ chứ? Xưa kia, bảy người còn ở được ngôi nhà này, lẽ nào bây giờ chúng nó chê chật, chê hẹp...

Ông cứ lầm rầm trò chuyện với bà y như hồi bà vẫn còn sống, cho đến khi trời sáng, bố mẹ tôi dậy tập thể dục hoặc tôi dậy nấu ăn sáng thì ông mới lảng đi chỗ khác.

Không biết ai loan tin mà chuyện trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã thông. Cả làng Điền đồn rinh lên rằng: “Nhà ông bác sĩ Xoài sắp xây biệt thự nhưng cụ Mít không đồng ý”. Họ còn kháo nhau rằng: “Con cái nhà ấy làm ngân hàng thiếu gì tiền. Xây biệt thự là phải rồi. Cái cụ Mít kia sướng mà không biết đường sướng”...

Buổi trưa, ông Sung, bạn đồng ngũ với ông nội tôi hồi kháng chiến chống Mỹ, chống gậy lò dò đến chơi. Từ ngoài cổng, ông Sung đã rối rít:

- Ông Mít! Ông Mít ơi! Mở cửa cho tôi! Nghe nói nhà ông sắp xây biệt thự hả?

Ông nội tôi lộc cộc chống gậy ra đón ông Sung, không tay bắt mặt mừng như mọi lần mà ông cau mày lại:

- Xây cái gì mà xây! Chờ tôi chết rồi muốn phá thế nào thì phá. Chứ tôi mà còn sống á, đố đứa nào dám động vào nhà tôi đấy! - giọng ông tôi hùng hổ chẳng khác nào đang đe dọa người khác.

Hai ông ngồi khoanh tròn trên tấm phản đen bóng kê giữa nhà, vừa uống trà vừa đàm đạo, từ chuyện thời sự quốc tế đến thời sự trong nước. Trò chuyện với ông Sung, thỉnh thoảng ông tôi bật ra tiếng cười vui vẻ. Lâu lắm rồi tôi mới thấy ông cười như thế.

- Lớp trẻ bây giờ giỏi lắm. Mình phải ủng hộ thế hệ trẻ ông ạ! Con hơn cha là nhà có phúc, phải không ông?

Ông tôi gật gù:

- Phải! Phải rồi!

Được thể ông Sung tuôn ra một tràng:

- Vậy thì ông kìm hãm con cháu làm gì? Mình cũng sống gần hết đời người rồi. Đành rằng ngôi nhà cổ này của ông xinh xắn thật, đáng quý thật vì nó là nhà của tổ tiên để lại, vì nó lưu giữ bao kỷ niệm vui buồn của đời ông. Nhưng tôi nói thật nhé, ở biệt thự sướng hơn, mình có phòng riêng, thích làm gì thì làm, thích dậy khi nào thì dậy, chả ảnh hưởng đến con đến cháu. Công trình vệ sinh khép kín nhé, sạch sẽ nhé. Mình già rồi, chân yếu tay run, đêm hôm lọ mọ ra ngoài đi vệ sinh, trúng gió độc thì khốn.

Ông tôi thở dài, vừa phân bua với ông Sung vừa chỉ trỏ khắp nhà:

- Tôi là tôi tiếc lắm. Ông cứ nhìn nóc nhà mà xem, bộ hoành phi toàn bằng gỗ tốt. Chữ nho kia là do tay tôi viết đấy. Ngói lợp toàn là ngói ta, mùa hè nóng nực mà nhà cửa vẫn mát rượi. Bao năm rồi, vợ chồng thằng Xoài ở trong buồng kia, hai gian ngoài này kê được hai cái giường, ở giữa là tủ thuốc của thằng Xoài, trên là ban thờ, dưới là cái phản này. Có nhắm mắt vào tôi cũng lần được từng xó xỉnh, ngóc ngách trong cái nhà này. Nó đã thân thuộc như máu thịt của tôi rồi, ông ạ!

Trước khi ra về, ông Sung cứ nhắn nhủ ông tôi mãi:

- Tôi là tôi góp ý chân tình. Ông cứ suy nghĩ kỹ đi. Đừng để con cháu nó oán trách, tội nghiệp!

*


Chủ nhật, cô Na rẽ về thăm ông. Biết ông rất thích món thịt kho tàu do cô làm nên lần nào về quê cô cũng kho sẵn, bỏ vào cặp lồng. Người khác làm món này ông đều chê không ngon.

Suốt buổi sáng, cô Na cứ tíu tít, quanh quẩn bên chân ông ở ngoài vườn. Cô giúp ông nhổ cỏ, tỉa cây, tỉa lá. Nhìn ông đăm chiêu, cô biết là ông đang nghĩ ngợi, đấu tranh dữ lắm. Giọng cô thủ thỉ như thăm dò ông:

- Thầy ơi! Thầy đang nghĩ gì thế? Thầy lại nhớ u con rồi phải không?

Ông sững lại giây lát:

- Hừ! Thầy đang nghĩ xem cho vợ chồng anh Xoài mảnh vườn này để anh chị ấy xây biệt thự thì có hợp lý không? Còn ngôi nhà của thầy u thì cứ để nguyên như cũ.

Cô Na giãy nảy lên:

- Đừng thầy ơi! Sao thầy tính quẩn thế. Thầy thử hình dung xem, ngôi biệt thự ba tầng mà mọc chình ình trước ngôi nhà ba gian thấp lè tè thì còn gì là phong thủy nữa. Thầy mà không chịu lên ở nhà mới thì dân làng cũng cười vào mặt chúng con.

Ông băn khoăn hỏi cô Na:

- Không biết khi u mày còn sống, bà ấy có thích xây nhà to không nhỉ?

Cô Na quả quyết:

- Con không nghe u con nói ra miệng lần nào, tính u chịu khó chịu khổ như thế nào thì thầy cũng biết rồi đấy? Mùa đông thì rải ổ rơm, mùa hè thì quạt nan phành phạch cho con, cho cháu ngủ. U có phàn nàn kêu ca về nhà cửa bao giờ đâu. Nhưng hễ nhà ai ở làng Điền này mà xây được nhà cao tầng là u cứ xuýt xoa: “Sao mà họ giàu thế, sướng thế?”. Con có nói sai con chết.

-  Thế xây cái biệt thự ba tầng thì hết khoảng bao nhiêu tiền, hả con?

Biết ông đã xuôi xuôi, cô Na hớn hở:

- Tiền nong thì thầy không phải lo. Vợ chồng anh Xoài chắc đã dự trù rồi. Cả gia đình chung sức chung lòng thì làm được hết.

Ông tư lự, không nói gì nữa. Trước khi ra về, cô Na đã kịp thông báo cho bố tôi mừng: “Thầy xuôi rồi đấy, phần việc còn lại anh chị tự lo liệu nhé”. Bố tôi thầm cảm ơn cô nhưng chưa biết mở lời nói với ông thế nào. Bố liền gọi điện thông báo cho anh Tú Anh. Chỉ ba tiếng đồng hồ sau, anh Tú Anh đã có mặt ở nhà. Anh chìa ra một bản thiết kế ngôi biệt thự ba tầng do anh thuê kiến trúc sư ở thành phố thiết kế khiến ông tôi lặng đi.

- Diện tích một sàn là 110 mét vuông, một phòng khách, một phòng ăn, phòng bếp, bốn phòng ngủ, ba toa lét, một phòng làm việc, một phòng giải trí, phòng thờ... - anh Tú Anh say sưa lật từng trang thiết kế, giới thiệu với cả nhà từng phòng một.

Ông nội bỗng cắt ngang:

- Rộng thế cơ à? Nghĩa là phá hết nhà cũ và làm hết cả cái vườn đằng trước?

Anh Tú Anh quả quyết:

- Đúng rồi ông ạ! Bây giờ người ta chủ yếu nhoai ra mặt đường, chứ lùi vào trong ngõ làm gì hả ông?

Ông nén tiếng thở dài, bỏ ra vườn. Mỗi lần không đồng ý chuyện gì đó, ông lại ra vườn thì thầm với cây cối. Bố mẹ tôi lúi húi xem bản thiết kế và bàn tính mua nguyên vật liệu, thuê thợ xây nhà, xem ngày động thổ. Không ai để ý xem ông đang nghĩ ngợi điều gì. Chốc chốc tôi lại thấy ông ngước nhìn ngôi nhà ngói ba gian. Bao nhiêu kỷ niệm như vẫn còn vẹn nguyên trong trí nhớ già nua của ông. Suốt đêm hôm đó hình như ông thao thức, trằn trọc và không ngủ. Tôi nằm giường bên này, nghe tiếng ông trở mình liên tục ở giường bên kia. Thi thoảng ông lại chép miệng. Nửa đêm, tôi sốt ruột, vùng sang:

- Ông đau ở đâu? Để cháu xoa bóp cho ông nhé!

- Không! Cháu cứ ngủ đi!

Biết ông đang buồn bực, đang khó chịu trong người và không muốn mở lòng nên tôi không hỏi nữa. Trong buồng, vọng ra tiếng mẹ tôi thì thào: “Ông mất ngủ vì tiếc ngôi nhà này đấy. Người già lẩm cẩm lắm cơ”.

Đúng ngày rằm, một đội thợ phá nhà được bố tôi thuê đến. Xe cẩu, máy xúc đã sẵn sàng. Chỉ trong mươi phút, ngôi nhà cổ đã bị đổ rầm. Ông đứng từ xa, chúc đầu gậy xuống đất cho khỏi ngã. Nhìn ngôi nhà thân thương bị san bằng trong chốc lát, mắt ông như mờ đục hơn. Ông lấy tay dụi mắt liên tục như thể có hạt bụi nào vừa bay vào.

Một vài người đi đường dừng lại, xuýt xoa:

- Năm nay, nhiều người xây nhà mới thế!

Ông ngẩn người ra. Ngôi nhà cổ giờ chỉ còn là kỷ niệm.

Truyện ngắn của: TRẦN THÚY LÀNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngôi nhà cổ