Ở thôn Thị Tranh, xã Thúc Kháng (Bình Giang) có một ngôi đình thờ 2 vị thành hoàng làng là 2 đại vương có công giúp vua Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân.
Cảnh quan yên bình của đình Tranh Ngoài với giếng đình ở trước cổng
Tích xưa về người giúp nước
Ngọc phả tại đình Tranh Ngoài ghi lại rằng, vào thế kỷ X, có người là Lý Khôi ở đất Kinh Bắc, vợ là Nguyễn Thị Hạnh người trang Tông Tranh, huyện Đường An, đạo Hải Dương (nay là huyện Bình Giang). Vợ chồng Lý công khi ấy ngoài 50 tuổi mà chưa có con cái. Một ngày nọ, bà Nguyễn Thị Hạnh mơ thấy ba con rồng từ trên trời sa xuống trước sân, hóa thành ba con công, người vợ bắt lấy nâng niu trên tay, không ngờ một đôi đang ríu rít bỗng nhiên biến mất. Sau đó bà có thai, đến mùa xuân năm Canh Thân 960, bà sinh hạ được ba con trai, đều khôi ngô, đặt tên các con là Long Công thứ nhất, Long Công thứ hai, con út là Long Công thứ ba. Hai năm sau, gia đình gặp biến cố không may hai người con lớn đều mất. Không lâu sau vợ Lý công cũng mất.
Sau đó, Lý Công đem con về quê vợ tại trang Thị Tranh mở trường dạy học. Một thời gian sau, ngài Lý công lấy một người kế thất là bà Phạm Thị Hằng, có tài sắc, cũng ở làng Thị Tranh. Chẳng bao lâu bà Phạm Thị có thai, mùa xuân năm Giáp Tý 964, sinh được một con trai, khi lọt lòng ánh sáng huy hoàng, hương thơm tỏa ra khắp nhà. Cha mẹ đặt tên là Khang Công. Khang Công và Long Công đi học thấu hiểu văn chương, tinh thông võ nghệ, thích tập cung kiếm, ham đọc binh thư. Khi hai ông 19 tuổi, Lý công và bà Phạm Thị mất. Lo xong việc tang, 2 ông nổi chí tang bồng kết thành một đảng, triệu tập quân sĩ, chia Thị Tranh ra làm 2 đồn, tích trữ lương thực, vũ khí. Vua Đinh Tiên Hoàng nghe thấy tiếng 2 ông liền viết thư mời 2 ông cùng lo việc nước. 2 ông bằng lòng, triệu tập binh sĩ, đưa đại binh đến Hoa Lư yết kiến vua. Thời bấy giờ có giặc loạn 12 xứ quân, vua phong Long Công là Thống Đốc lục tào đại tướng quân, quản cán binh nhung tiết chế. Phong Khang Công là Phó soái đốc lĩnh tiền phong, lệnh đem quân tiến đánh sứ quân Tràng Châu là Kiều Công Hãn và sứ quân Đường Lâm là Ngô Nhật Khánh. Hai ông vâng lệnh, nhận quân chia làm hai đạo quân tiến thẳng đến đánh phá đồn giặc, chỉ một trận mà cả hai đạo quân giặc đều tan vỡ tơi bời, thu nhặt hết khí giới của giặc đem nộp Kinh đô. Còn mười sứ quân khác đều bị Đinh Điền, Nguyễn Bặc cùng các tướng lĩnh khác dẹp yên.
Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, đóng Kinh đô ở động Hoa Lư, đặt niên hiệu là Thái Bình, ban ân đức cho toàn dân, khao thưởng ba quân, phong thăng tướng sĩ. Long Công được phong Đương cảnh Thành Hoàng, tuyên hóa hiển ứng, bao hộ uy đức, tích phúc khang dân, anh linh quân cán duệ trí. Đệ tam vị Long Công chi thần. Khang Công được phong là Hoằng tế chính pháp, dũng lược tế dân, linh ứng đại vương. Lấy trang Thị Tranh, toàn dân thôn là con cái hai vị, ban sắc cho hai ông đem về đó dựng sinh từ. Hai ông vâng mệnh, tạ ơn vua, dong duổi ngựa xe về trang Thị Tranh, mở tiệc chiêu đãi toàn thể phụ lão và nhân dân. Hai ông nói với nhân dân rằng: “Hai ta với nhân dân, đã thành nghĩa cử lâu dài mãi mãi không thể nào quên. Nay có hai ngôi sinh từ trong dân trang, mai sau anh em ta trăm tuổi, được nhân dân hai khu vực rước về đền riêng để thờ, mong các phụ lão không nên thay đổi lệnh của ta”.
Ngọc phả của đình
Khi đó, nhân dân đều lạy tạ vâng mệnh, đồng thành Long Công ngâm một bài thơ, tạm dịch: "Hương khói muôn đời mãi mãi tươi/ Lời nọ dẫu là trong tiệc hứng/ Nhưng tình dân xã thắm muôn đời". Ngâm xong, đột nhiên trời đất tối sầm, sấm sét đùng đùng, giữa ban ngày mà tối lại như đêm, mọi người không trông thấy nhau. Cùng lúc đó, nhân dân đều nghe trong không gian có tiếng người đọc thơ, tạm dịch: "Sống là tướng giỏi, thác là thần/ Há chịu dài lâu đắm cõi trần/ Hãy kịp quay về trầu thượng đế/ Nước non gửi lại Thái Bình quân". Phút chốc, trời đất quang tạnh, mưa gió đều im thì không thấy hai ông đâu nữa. Ngày ấy là 25 tháng mười hai âm lịch. Nhân dân ở đấy thấy vậy đều sợ. Mới làm lễ tả thần hiệu hai ông và rước về đền ở hai khu thờ phụng.
Nhiều giá trị lịch sử
Từ TP Hải Dương đi theo quốc lộ 5 về huyện Bình Giang, tiếp tục đi theo quốc lộ 38 về xã Thúc Kháng, đến đầu thôn Thị Tranh đi khoảng 300 m là đến khu di tích đình Tranh Ngoài. Ấn tượng đầu tiên khi đến thăm ngôi đình là cảnh quan rộng rãi, thoáng mát. Ngay phía trước đình là giếng đình, phía bên phải là dòng sông Cửu An hiền hòa.
Vừa dẫn chúng tôi đi thăm đình, ông Nguyễn Ngọc Hải, Trưởng ban Khánh tiết của thôn Thị Tranh cho biết đình Tranh Ngoài trước đây được xây dựng hoành tráng nhưng trải qua biến cố thiên tai đã không còn. Nhân dân đã phục dựng một ngôi đình khác nhưng năm 1977, thực hiện công cuộc cải cách văn hóa, đình Tranh Ngoài được hạ giải hoàn toàn để lấy nguyên vật liệu làm các công trình phúc lợi của địa phương, toàn bộ đồ thờ tự bị hư hỏng và thất lạc. Đến năm 2005, được sự quan tâm của chính quyền, ủng hộ của nhân dân địa phương, công trình được tôn tạo lại trên nền đất cũ để làm nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân nơi đây. Hiện tại, ngôi đình có kiến trúc kiểu chữ đinh gồm 5 gian đại bái và 2 gian hậu cung, chất liệu bằng bê tông cốt thép sơn giả gỗ.
Sắc phong của vua được nhân dân lưu giữ
Hiện tại ở thôn vẫn giữ được 2 tư liệu quý là Ngọc phả của đình và sắc phong của vua. Vào ngày 8 tháng giêng hằng năm, trong thôn tổ chức lễ tế tưởng nhớ công lao của vị thành hoàng làng có công đánh giặc.
Ông Vũ Đức Mong, công chức văn hóa xã Thúc Kháng cho biết năm 2015, đình làng Tranh Ngoài được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh.
HÀ NGA