Đình Tam Lương ở xã Tân Tiến (Gia Lộc) là một di tích có giá trị về quy mô, kiến trúc nghệ thuật, cảnh quan thiên nhiên, hệ thống di vật, cổ vật và nhân vật được thờ trong di tích.
Mặt trước đình Tam Lương
Đình thờ Thành hoàng là Phổ Chung, có công giúp vua Lý Nam Đế đánh giặc Ai Lao (thế kỷ VI). Theo văn bia, tài liệu hiện lưu giữ tại Viện Thông tin khoa học xã hội Hà Nội và tại di tích: Cha của vị Thành hoàng họ Phổ, tên Quảng, quê gốc ở châu Kim Lan, huyện Sưu Loại, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh), gia đình vốn truyền thi lễ, hào phú, dung nạp hào kiệt bốn phương. Đến đời Phổ Quảng chẳng may gặp cơn hỏa hoạn, cháy hết nhà cửa, gia tài khánh kiệt. Phổ Quảng liền đến trang Hồng Xá (nay là xã Ngọc Sơn, huyện Tứ Kỳ) tìm kế sinh nhai. Được 3 - 4 năm, ông kết duyên cùng bà họ Đỗ, tên là Loan Lương, người trang Đông Cận (nay là xã Tân Tiến, huyện Gia Lộc), sinh hạ hai người con trai đặt tên là Hữu và Phẩm. Ba năm sau, bà Loan Lương lại sinh người con trai thứ ba, đặt tên là Chung. Đến năm 17 và 19 tuổi, ba anh em đã tinh thông võ nghệ nổi tiếng một vùng.
Bấy giờ, giặc Ai Lao xâm chiếm nước ta, vua Lý Nam Đế vô cùng lo lắng, bèn mở trường thi tuyển chọn người tài. Ba anh em đều trúng tuyển và xin vua tiến quân đánh giặc. Ba anh em về bản trang lập cung sở, chia làm ba khu. Người anh cả lập cung Nguyễn khu. Người anh thứ hai lập cung Bùi khu. Người em thứ ba lập cung Tam Lăng khu, sau đó tiến quân đánh giặc. Phổ Phẩm mặc y phục, trang điểm giả làm con gái, nhan sắc rất mực xinh đẹp. Tướng giặc trông thấy đem lòng say mê. Từ đó, bỏ cả chỉ huy quân ngũ, không phòng bị gì. Nhân cơ hội đó, Phổ Hữu và Phổ Chung dẫn quân theo đường thủy tiến đánh, quân giặc đại bại.
Vua Lý nghe tin liền triệu ba anh em về triều, mở tiệc ban thưởng. Ba anh em xin vua được trở về quê hương sinh sống, khi tới Đồng giang biên xứ (nay là thôn Mỹ Xá, xã Ngọc Sơn) thì trời đổ mưa, ba anh em đều hóa. Khi mưa tạnh, dân làng đã thấy mối xông lên thành mộ, bèn hành biểu dâng vua. Vua vô cùng thương xót, liền sai sứ thần phụng sắc chỉ và ban quỹ công cho dân 100 quan tiền, cho phép dân ba khu ở bản trang lấy đó làm tiền của công hương đăng phụng thờ mãi mãi. Đồng thời, truyền cho dân lập miếu thờ, khen phong mỹ tự: “Anh linh cư sĩ Đại vương”.
Trong ba anh em họ Phổ, đình Tam Lương thờ người em thứ ba là Phổ Chung làm Thành hoàng của làng vì khi tiến quân đánh giặc, Phổ Chung lập đồn sở tại Tam Lăng khu (làng Tam Lương ngày nay).
Theo trí nhớ của các bậc cao niên trong làng, ban đầu đình Tam Lương xây dựng ở gần bờ sông Cầu Binh (nhánh sông Cống Câu), mặt tiền quay về hướng Bắc, sau do thiên tai lụt lội, bờ sông bị xói mòn, sạt lở nên di chuyển vào vị trí hiện nay. Năm 2010, nhân dân địa phương và con em xa quê phát tâm công đức xây dựng thêm một số hạng mục phụ trợ như nghi môn, hệ thống tường bao tạo cho khuôn viên di tích ngày một khang trang. Đình có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung còn bảo lưu được khá nguyên vẹn kiến trúc vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX) với chất liệu gỗ tứ thiết.
Tòa đại bái dài 13,87 m, rộng 4,91 m xây tường hồi bít đốc. Bờ nóc đắp nổi phù điêu lưỡng long chầu nhật, hai đầu có lạc long ngậm bờ nóc, mặt chầu vào chính giữa và đuôi vắt ngược lên hồi đấu tạo sự đăng đối. Hậu cung 3 gian dài 7,05 m, rộng 4,27 m nối với gian trung tâm tòa đại bái bởi hệ thống kẻ xối với kết cấu ba vì kèo. Tất cả các bức chạm trên vì kèo tòa hậu cung chỉ chạm một mặt ngoài, mặt sau để trơn không trang trí.
Các bức chạm tại tòa đại bái và hậu cung đình Tam Lương với đề tài chủ yếu là các con vật trong bộ tứ linh “long, ly, quy, phượng” và các hình tượng cách điệu như lá hóa long, lá lật, vân mây... nhằm nhấn mạnh chức năng trang trí cho nội thất kiến trúc được dùng kỹ thuật chạm bong kênh, thậm chí chạm lộng với những mảng chắc khỏe, góc cạnh, dứt khoát mang đậm phong cách thời Nguyễn.
Không chỉ là nơi thờ tự, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh, khu di tích đình Tam Lương còn gắn với nhiều mốc son cách mạng và kháng chiến của vùng đất Tân Tiến. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954), nơi đây diễn ra các lớp bình dân học vụ, chứa vũ khí của huyện Gia Lộc trước khi tiến đánh các đồn, bốt giặc. Vào năm 1951 và 1952, khu vực giải vũ đình là nơi chứng kiến tội ác của thực dân Pháp, chúng đã dồn nhiều dân làng vào tra tấn, xét hỏi hòng đàn áp tinh thần kháng chiến của nhân dân trong thôn, xã. Thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ (1968 -1969), đình được sử dụng làm kho chứa thóc của HTX và là nơi hội họp của dân quân, du kích địa phương.
Từ khi khởi dựng cho đến nay, ngôi đình luôn là trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng làng xã, nơi bảo tồn và phát huy những giá trị thuần phong mỹ tục của địa phương. Với giá trị về lịch sử, văn hóa và kiến trúc, đình Tam Lương đã được UBND tỉnh xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2015.
ĐẶNG THU THƠM